DN mất cơ hội sân nhà, thị trường nội biếu không cho nước ngoài
Tạo ra một thị trường khắt khe với các tiêu chuẩn cao mà doanh nghiệp chúng ta vươn tới để đạt được lợi ích đấy thì khi đó mới có thể có sản phẩm người Việt dùng được cho người Việt.
Bảo vệ thị trường, giữ lấy cơ hội
Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhiều đại biểu đã đồng tình với phương án bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Theo nhiều đại biểu, việc đưa ngành nghề này vào danh mục không có nghĩa cản trở doanh nghiệp mà vấn đề quan trọng là các quy định phải được ban hành và thực hiện rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, việc đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không những không vi phạm các cam kết quốc tế mà còn là cơ hội cho chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô của Việt Nam mà trong thời gian qua chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Cần những DN lớn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phát triển CN ô tô.
“Nếu chính sách không rõ ràng, không ổn định, không nhất quán sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin, các nhà sản xuất, lắp ráp sẽ rút khỏi thị trường nước ta chuyển sang thị trường khác hoặc chuyển sang việc nhập khẩu khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước gặp khó khăn”, đại biểu Quốc hội Lưu Đức Long (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết.
Trước đó, những đơn vị đề xuất đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm UBND tỉnh Quảng Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Quảng Nam và Vĩnh Phúc hiện là những trung tâm ô tô lớn, hai địa phương này chiếm 70% dung lượng thị trường ô tô.
Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông, đại diện đơn vị soạn thảo luật cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thẩm định khẳng định không có quan điểm cục bộ và nhóm lợi ích về mọi phương diện trong đó có cả phương diện địa phương.
Theo ông Đông, việc làm chính sách dựa trên lợi ích quốc gia do đây là ngành công nghiệp của quốc gia, việc lựa chọn Quảng Nam hay Vĩnh Phúc là lựa chọn chủ quan của các doanh nghiệp sản xuất ô tô từ trước đó và nguyên tắc của công nghiệp phải phát triển theo cụm liên kết ngành để tạo hiệu quả kinh doanh.
“Người làm việc ở Vĩnh Phúc, người làm việc ở Quảng Nam đâu chỉ là người Vĩnh Phúc và Quảng Nam, đó là người của cả nước đến đấy. Thuế thu ở hai địa bàn này cũng để đóng cho ngân sách nhà nước, không phải đóng thuế cho hai tỉnh. Do vậy chúng ta nên bỏ qua khái niệm lợi ích nhóm đi”, Thứ trưởng Đông nêu quan điểm.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, cần đặt vấn đề “phòng vệ chính đáng” theo ý Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh từng chia sẻ thay vì đặt vấn đề bảo hộ, hỗ trợ bởi nếu bảo hộ quá đáng không có đổi mới sáng tạo, còn phòng vệ chính đáng là bảo vệ những ai đáng được bảo vệ, bảo vệ những doanh nghiệp có công nghệ không kém các doanh nghiệp ở các quốc gia khác.
“Chúng tôi muốn tạo thị trường khắt khe mà doanh nghiệp chúng ta vươn tới để đạt được lợi ích đấy thì khi đó mới có thể có sản phẩm người Việt dùng được cho người Việt”, ông Đông nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự án Luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đừng gắn việc thu thuế vào tên một doanh nghiệp, đơn thuần họ là doanh nghiệp sản xuất ô tô và nộp thuế. “Không nên cảm tính do họ đứng ra đề nghị thì là lợi ích của họ. Chúng ta cần hiểu đây là doanh nghiệp Việt, đang sản xuất mặt hàng trên đất Việt, họ đề xuất tạo điều kiện cho thêm thời gian ngắn hạn để có thể sánh vai với các doanh nghiệp lớn khác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đơn giản là khi đối chiếu điều này với Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XXII thấy phù hợp và chúng ta làm”, ông Kiên nhấn mạnh.
DN lớn – nhỏ: Sân chơi chung, tiêu chuẩn chung
Trước vấn đề đặt ra, đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chúng ta đang tạo ra một môi trường kinh doanh không cân sức như ý kiến của một số doanh nghiệp hay đang giữ một thị trường có sự sàng lọc cần thiết trong một thị trường đặc biệt là thị trường ô tô, ông Lâm Chí Quang, Ủy viên đoàn chủ tịch của Tổng hội cơ khí Việt Nam cho biết, không nên chia lợi ích doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.
“Ở Việt Nam có khoảng 46 nhãn hiệu ô tô được ủy quyền chính hãng, trong đó được sản xuất tại Việt Nam có khoảng 20 nhà sản xuất. Như vậy các nhà nhập khẩu chính hãng khác là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Nhưng chính hãng thấy đủ tiêu chuẩn thì cấp phép cho kinh doanh, như vậy không đặt ra vấn đề nhỏ hay không nhỏ, mà tất cả đều được đặt chung trên một mặt bằng, nếu doanh nghiệp nào đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng thì vẫn được quyền kinh doanh”, ông Quang phân tích.
Ông Nguyễn Đức Kiên cũng chia sẻ rằng, ngành công nghiệp ô tô cần tập trung, ưu tiên phát triển theo chiều sâu. Bên cạnh đó, tuỳ điều kiện phải giữ sự phát triển theo chiều rộng. “Ngành nghề sản xuất ô tô khi đưa lên bàn cân thấy có nhiều tiềm năng để phát triển theo chiều sâu, do đó các cơ quan thẩm tra thiên về phía ủng hộ, tất nhiên là ủng hộ có điều kiện”, ông Kiên nhấn mạnh.
Vietnamnet