MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam thu xếp dòng tiền thế nào để thực hiện dự án 36.397 tỷ?

Với dự án này, công ty có thể tăng chất lượng sản phẩm của mình, cũng như đa dạng hóa hơn nguồn đầu vào.

Kế hoạch nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc khu kinh tế Dung Quất, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Dự án này được xây dựng thuộc địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tuy nhiên, sau gần 15 năm vận hành, chất lượng các sản phẩm của BSR chỉ mới đạt tiêu chuẩn khí thải Euro II, III còn thấp so với lộ trình đề ra của Chính Phủ trong công tác bảo vệ môi trường, Do đó, việc nâng cấp nhà máy khá là cần thiết. Với dự án này, BSR có thể tăng chất lượng sản phẩm của mình, cũng như đa dạng hóa hơn nguồn dầu thô đầu vào.

DN vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam thu xếp dòng tiền thế nào để thực hiện dự án 36.397 tỷ?- Ảnh 1.

Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Vào tháng 3 vừa qua, BSR tiến hành công bố thông tin về Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ, đồng thời nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy.

"Chúng tôi cho rằng dự án này sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu của BSR trong dài hạn trước bối cảnh nhu cầu sử dụng xăng dầu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thường xuyên gặp sự cố kỹ thuật", Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) nhận định.

Tổng mức đầu tư dự án là 36.397 tỷ đồng (tương đương 1,489 tỷ USD). Thời gian thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng này là 37 tháng kể từ ngày ký hợp đồng EPC và mục tiêu đưa Dự án vào vận hành trong năm 2028.

BSR thu xếp nguồn vốn như thế nào?

Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp do Công Ty TNHH Chứng Khoán ACB (ACBS) cho biết, do việc tiếp cận vốn cho dự án đang khó khăn, BSR sẽ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn vốn để đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu cho dự án từ 40 - 60%.

Theo đó, BSR đang báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của BSR từ 31 lên 50 nghìn tỷ (trả cổ tức bằng cổ phiếu) tại công văn 009/BSR-NĐD ngày 01/02/2024. Phần vốn vay (dự kiến khoảng 40%-60%) sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.

DN vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam thu xếp dòng tiền thế nào để thực hiện dự án 36.397 tỷ?- Ảnh 2.

Tổng Vốn Chủ sở hữu của BSR tại thời điểm cuối quý 2/2024 là 56.800 tỷ, bao gồm 31.000 tỷ Vốn điều lệ. Quy mô vốn chủ sở hữu hiện tại đảm bảo cho BSR có thể sử dụng toàn bộ các quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận để tại để tăng vốn điều lệ theo kế hoạch đề ra thông qua việc chia cổ tức cổ phiếu.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng BSR có thể tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của PVN từ mức 92% hiện tại xuống một mức vẫn đảm bảo tỷ lệ chi phối (>65%)", ACBS nhận định.

Trong khi đó, theo đánh giá của MBS, dự kiến, BSR sẽ chi trên mức 6.000 tỷ hàng năm cho dự án này kể từ năm 2024, chi phí sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2025 - 2026. Mặc dù dự phóng nợ vay tăng dần trong giai đoạn 2024 - 2026 và khiến chi phí lãi vay tăng, MBS cho rằng tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng tài sản của BSR vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức dưới 40% do lợi nhuận giữ lại ở mức cao. 

Trong kịch bản của MBS, dự án NCMR nhà máy sẽ được hoàn thành vào năm 2028 và toàn bộ giá trị khoản mục xây dựng cơ bản dở dang sẽ được chuyển sang giá trị tài sản cố định vào thời gian này.

DN vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam thu xếp dòng tiền thế nào để thực hiện dự án 36.397 tỷ?- Ảnh 3.

Về triển vọng của dự án, MBS cho hay: "Chúng tôi kỳ vọng sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng nhà máy, BSR sẽ cải thiện doanh thu lọc dầu và tăng lợi nhuận nhờ cung cấp các sản phẩm lọc dầu phù hợp tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho thị trường nội địa.

Hiện tại, chỉ số Nelson Complexity Index (NCI – đo độ phức tạp của các nhà máy lọc dầu) của BSR đang ở mức 6.27 và tương đối thấp so với các đơn vị lọc dầu khác trong khu vực. Sau khi dự án hoàn thành vào đầu năm 2028, NCI của Dung Quất được kỳ vọng tăng trên mức 8.0 nhờ linh hoạt hơn trong xử lý dầu thô và tối ưu hóa danh mục sản phẩm".

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, BSR ghi nhận doanh thu đạt 55.117 tỷ (giảm 18,6%) và lợi nhuận ròng đạt 1.925 tỷ (giảm 35,2%). Sản lượng và crack spread giảm là nguyên nhân chính khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty giảm.

ACBS dự phóng kết quả kinh doanh 2024 của BRS với doanh thu đạt 125.540 tỷ đồng (giảm 14,8%) và lợi nhuận ròng đạt 5.608 tỷ đồng (giảm 34,1%). Đến năm 2025, dự phỏng doanh thu của công ty đạt 134.284 tỷ đồng (tăng 7%), lợi nhuận ròng đạt 6.913 tỷ đồng (tăng 23,3%), biên lợi nhuận gộp đạt 5%, tăng/giảm 0,5% so với 2024 do không phải bảo dưỡng nhà máy.

Theo Pha Lê

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên