MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dở khóc dở cười vì đi ăn không được chuyển khoản, gom mãi không đủ 10 nghìn gửi xe

02-11-2022 - 09:08 AM | Lifestyle

Dở khóc dở cười vì đi ăn không được chuyển khoản, gom mãi không đủ 10 nghìn gửi xe

Dù vậy, nhiều người trẻ chia sẻ rằng vẫn tiếp tục duy trì xu hướng "không tiền mặt".

Phương thức thanh toán không tiền mặt đặc biệt là chuyển khoản đã trở nên quen thuộc đối với giới trẻ. Song, dù có hiện đại và tiện lợi đến đâu, đôi lúc người trẻ cũng gặp phải những tình huống “oái oăm” mà phương thức này đem lại.

Báo chuyển khoản thành công nhưng tài xế khăng khăng chưa nhận được

Trong 1 lần đi làm về bằng taxi hết 130 nghìn, nhưng lúc đó cũng muộn rồi và tài xế là nữ do vậy Hưng Trần, (25 tuổi, Hà Nội) đã chuyển khoản luôn 150 nghìn. Nhận lệnh chuyển tiền thành công trên ứng dụng, cậu bạn đưa lại cho nữ tài xế xem và sau khi đã xác nhận thì đi về nhà.

“Tuy nhiên đến hôm sau, chị ấy nhắn tin lại nói vẫn chưa nhận được 150 nghìn của mình. Chị còn nói thêm, tất cả các giao dịch khác chị đều nhận được nhưng chỉ mỗi của mình không thấy. Mình cũng kiểm tra lại tài khoản, thấy không có khoản tiền nào hoàn về. Thường nếu lệnh chuyển tiền có vấn đề 1 là ngân hàng sẽ báo không chuyển được ngay tại thời điểm đó, 2 là ngân hàng sẽ tự động hoàn tiền về nhanh chóng. Nên trong trường hợp của mình, mình chắc chắn giao dịch đã thành công bởi không chỉ thông báo trên ứng dụng, phía ngân hàng còn có email ghi rõ mã số giao dịch, ngày giờ,… đã thành công”.

Do vậy, Hưng Trần cũng đã chụp lại hết các xác nhận và gửi lại cho nữ tài xế. Song, chị vẫn liên tục nhắn tin, gọi điện rằng không nhận được. Cậu bạn đã cẩn thận gọi điện cho ngân hàng của mình để kiểm tra, họ báo lệnh chuyển tiền đã sang thành công bên phía ngân hàng người nhận. Và ở đầu bên kia, dù đã cố gắng nhưng ngân hàng không cho kiểm tra hộ.

Phía nữ tài xế liên tục báo không nhận được và không chịu điện lên ngân hàng để kiểm tra vì mất thời gian. “Thực ra 150 nghìn không phải con số lớn nhưng mình cần một sự rõ ràng, chính xác. Và sau khi mình gửi đầy đủ các thông tin thì chị đó im lặng, cũng không phản hồi lại đã nhận được hay chưa”.

Dở khóc dở cười vì đi ăn không được chuyển khoản, gom mãi không đủ 10 nghìn gửi xe - Ảnh 1.

Tin nhắn giữa Hưng Trần và tài xế taxi


Chí Anh (25 tuổi) cũng gặp trường hợp rắc rối khi xin chuyển khoản khi đi taxi. Bởi vì cho rằng ai cũng sử dụng chuyển khoản do vậy đã tự tin hỏi anh tài xế có thể sử dụng hình thức này không. Tuy nhiên, anh đó lại chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.

“Thế là sau khi đến nơi, mình phải đi vào ngay 1 tiệm tạp hoá, mua chai nước suối sau đó xin chuyển khoản dư để người ta đưa lại cho mình tiền còn trả anh taxi”.

Một lần khác, sau khi đi ăn uống cùng bạn bè, Chí Anh đi xuống hầm lấy xe mới ngớ người ra là cả đám chỉ có đúng 6 nghìn tiền mặt, trong khi phải trả 10 nghìn phí gửi xe. Không còn cách nào, cậu bạn phải xin anh bảo vệ chuyển khoản tiền gửi xe được không. “Lúc đó vừa ngại, vừa lo. May anh ấy cũng dễ tính nên cho qua”.

Từ đó, lúc nào đi ra ngoài, Chí Anh lúc nào cũng kiểm tra để chắc chắn rằng mình đem theo ít nhất 50 nghìn tiền mặt. Ngoài ra, cũng để 1 ít tiền lẻ trong cốp xe để trả tiền gửi xe.

Dở khóc dở cười vì đi ăn không được chuyển khoản, gom mãi không đủ 10 nghìn gửi xe - Ảnh 2.

Chí Anh


Xin chuyển khoản để lấy tiền mặt lại bị nghi là lừa đảo

Minh Nguyễn (25 tuổi, ở Lào Cai) chia sẻ rằng lần gần đây nhất gặp rắc rối khi thanh toán không tiền mặt là lần chưa thanh toán VETC. Lúc đấy, khi đi qua cao tốc vẫn thu phí bằng tiền mặt nhưng tất cả mọi người trên xe đều không có đủ tiền. Do vậy, gia đình cô đã quyết định rẽ vào trạm dừng nghỉ để xin chuyển khoản cho ai đó ở đầy rồi nhận lại tiền mặt.

“Những trạm bán hàng đó chỉ có người già và trẻ em nên ai cũng nghĩ lừa đảo hoặc phiền nên họ không muốn đổi cho. Mãi mới có đoàn khách tới để giúp đỡ, không chắc gia đình mình kẹt mãi trên cao tốc”.

Minh cũng chia sẻ rằng, sau lần đó, cô bạn luôn kẹp mấy trăm nghìn sau ốp điện thoại. Bởi vì, bây giờ điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân, nhưng vậy sẽ không lo thiếu tiền mặt.

Dở khóc dở cười vì đi ăn không được chuyển khoản, gom mãi không đủ 10 nghìn gửi xe - Ảnh 3.

Minh Nguyễn


Bên cạnh đó, Chi Nguyễn (23 tuổi, Hà Nội) thường xuyên đi ăn trưa cùng đồng nghiệp và sẽ luôn có 1 người đứng ra để tính tiền. Điều này trở thành thói quen và cứ thế đi ăn trưa sẽ không bao giờ cầm tiền.

“Có 1 hôm mình đi ăn với chị đồng nghiệp, đến lúc ăn gần xong rồi mới chợt nhận ra chẳng ai cầm tiền mặt. Quán bún đậu ấy khá bé, toàn người lớn tuổi bán nên lúc đó cũng lo sợ rằng sẽ không được chuyển khoản mà còn gây khó chịu cho chủ quán. May gặp anh đồng nghiệp ở phòng khác cũng đi ăn nên mượn được tiền”.

Dở khóc dở cười nhưng vẫn sẽ chuyển khoản

Theo Minh Nguyễn, cô bạn không hay mang theo tiền mặt vì khá bất tiện, và khó quản lý. “Thanh toán không tiền mặt quản lý dễ hơn vì lúc chuyển tiền thường có nội dung chuyển khoản, giúp mình biết mình đã tiêu cái gì. Ví dụ nhìn vào sao kê tài khoản mà thấy nội dung “trả ship” nhiều là bớt mua hàng trực tuyến lại ngay”.

Cũng cùng ý kiến với Minh Nguyễn, Chí Anh cho rằng việc chuyển khoản sẽ giúp cậu dễ dàng kiểm soát việc mình đang tiêu tiền vào những thứ gì. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều mã giảm giá khi thanh toán không tiền mặt. Do vậy, điều này cũng giúp cậu bạn tiết kiệm hơn rất nhiều.

Còn đối với Hưng Trần, cậu bạn nhấn mạnh rằng mọi người cần lưu lại bằng chứng các giao dịch thành công cho dù người nhận không chụp để nếu có vấn đề còn dễ đối chứng.

Ảnh: NVCC


Theo Tô Diệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên