MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Dở khóc dở cười" với xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc: Quét mã QR đã được mở rộng cho người nước ngoài nhưng thường xuyên lỗi

09-12-2019 - 14:47 PM | Tài chính quốc tế

Theo phóng viên của SCMP, Alipay và Wechat Pay đã mở rộng hệ sinh thái thanh toán qua điện thoại cho người nước ngoài nhưng việc sử dụng những ứng dụng trong đó lại rất hạn chế.

*Bài viết dựa trên trải nghiệm của Louis Moon trong thời gian sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Moon là phóng viên mục Kinh doanh của South China Morning Post từ năm 2017.

Rob nhắn tin cho tôi qua WeChat: "Bạn không cần đến ngân hàng nữa." Rob gửi cho tôi một thông cáo báo chí cho biết Alipay đã ra mắt phiên bản quốc tế của nền tảng thanh toán trên điện thoại dành cho khách du lịch đến Trung Quốc. Phiên bản này có tên "Tour Pass", có thể được sử dụng tới 90 ngày và có lẽ nó sẽ giúp ích cho tôi. 1 tháng trước, tôi đã chuyển từ Hồng Kông sang Bắc Kinh để sinh sống, dự định sẽ ở đây khoảng 3 tháng.

Lần gần đây nhất tôi đến Bắc Kinh là khoảng 5 năm trước, khi tôi theo học tại Đại học Bắc Kinh. Ở thời điểm đó, tiền mặt vẫn là một phương tiện để trao đổi, mua bán, dịch vụ dùng chung xe đạp vẫn chưa có và mọi người không đặt đồ uống của Starbucks qua ứng dụng giao hàng.

Kể từ đó, Trung Quốc đã thay đổi và trở thành một xã hội không tiền mặt với tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Theo ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), khối lượng giao dịch qua phương thức thanh toán trên điện thoại di động đã đạt 277,4 nghìn tỷ CNY (41,51 nghìn tỷ USD) vào năm 2018, tăng hơn 28 lần so với 5 năm trước đó.

Dở khóc dở cười với xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc: Quét mã QR đã được mở rộng cho người nước ngoài nhưng thường xuyên lỗi - Ảnh 1.

Tuy nhiên, tôi nói với Rob rằng có thể tôi sẽ gặp phiền phức khi tạo một tài khoản ngân hàng mới ở đây, tôi cảm thấy việc rút tiền từ tài khoản ở Hồng Kông sẽ dễ dàng hơn. Sau đó, mọi thứ xảy ra hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống hàng ngày ở nơi này hoàn toàn diễn ra xung quanh màn hình điện thoại và hầu như người dân chỉ sử dụng 2 ứng dụng đó là WeChat Pay và Alipay. Hầu như hoạt động thanh toán đều được thực hiện qua smartphoen, thậm chí khi đi vào một toà nhà làm việc họ cũng yêu cầu quét mã QR trên WeChat.

Tại Trung Quốc, WeChat Pay và Alipay chiếm đến hơn 90% thị trường thanh toán trên điện thoại di động tại Trung Quốc. Để có thể thanh toán, bạn cần một tài khoản ngân hàng mới và số điện thoại cá nhân. Hiện tại, phiên bản quốc tế của Alipay chính là yếu tố thay đổi "cuộc chơi". Tour Pass chỉ yêu cầu một số điện thoại ở nước ngoài và một thẻ ngân hàng, từ đó bạn có thể nạp thêm vào tài khoản với tối đa 2.000 CNY (284,50 USD) mỗi lần.

Sự tiện lợi của các ứng dụng thanh toán trên điện thoại

Tuy nhiên, tôi đã gặp phải tình huống "dở khóc dở cười". Số điện thoại Hồng Kông không được coi là số điện thoại quốc tế và tôi phải sử dụng phiên bản Trung Quốc. Sau 2 ngày và vài lần sử dụng thông tin của người thân thì tôi đã sử dụng được Alipay. Khi đó, nói rằng tôi khá vui mừng vẫn là chưa đủ, thực ra, tôi cảm thấy mình đã là một phần của nơi này. Chỉ cần một lần quét hoặc tiếng "bíp", tôi có thể thanh toán tất cả mọi thứ, từ bữa ăn cho tới đồ tạp hoá mua ở 7 Eleven, hay thậm chí là vé xem phim, tiền taxi.

Đó là tất cả những gì phiên bản trong nước có. Phiên bản quốc tế của Alipay còn có chức năng hỗ trợ việc chuyển tiền tự động cho các nhà cung cấp dịch vụ, ví dụ như đặt đồ ăn hay gọi xe. Nhưng tôi nhận thấy rằng hệ thống này chưa hoàn toàn mở rộng với người nước ngoài, tôi không thể truy cập các tính năng khác trên ứng dụng. Do đó, bạn không thể thực sự những điều mà người Trung Quốc trải nghiệm mỗi ngày.

Dở khóc dở cười với xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc: Quét mã QR đã được mở rộng cho người nước ngoài nhưng thường xuyên lỗi - Ảnh 2.

Giao diện trên điện thoại của Tour Pass.

Mới đây, Alipay đã "lấn sân" sang thị trường ô tô, công bố thoả thuận với start-up xe điện Xpeng Motors để phát triển hệ thống thanh toán được tích hợp ngay bên trong xe, hỗ trợ các dịch vụ như sạc pin và các ứng dụng giải trí. Trong khi đó, WeChat Pay dường như chiếm ưu thế hơn và được sử dụng nhiều hơn. Đây là phương thức thanh toán dành cho các tài xế taxi và các nhà hàng không chấp nhận thanh toán qua Alipay.

Ngoài ra, WeChat cũng cho biết họ sẽ hỗ trợ thẻ tín dụng quốc tế, cho phép người dùng truy cập, sử dụng hàng chục dịch vụ, bao gồm của thương mại điện tử và gọi xe. Tuy nhiên, nhiều lần cài đặt dịch vụ này tôi luôn nhận được thông báo "dịch vụ đang bận". Tôi vẫn tiếp tục chờ đợi để có thể trải nghiệm những tiện ích mà dịch vụ thanh toán của Trung Quốc mang lại.

Việc thanh toán không chỉ đơn giản là cầm điện thoại và quét mã QR

Trở thành một xã hội không tiền mặt không chỉ có nghĩa là sử dụng Apple Pay để thanh toán cho một cốc cafe. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của Trung Quốc còn tạo ra một hệ sinh thái, trong đó có nhiều ứng dụng nhỏ cho phép người dùng thực hiện mọi thao tác hoàn toàn thông qua một hệ thống - như chuyển tiền, thanh toán dịch vụ điện nước, mua vé số, trả tiền mua tạp hoá hàng tuần và "gọi ship" đồ ăn.

Dù mỗi nhà cung cấp lại có một ứng dụng khác, nhưng hầu hết đều yêu cầu người dùng phải có tài khoản ngân hàng Trung Quốc hay tài khoản đã kết nối với WeChat và Alipay. Đối với khách du lịch lưu trú trong vòng 1 hay 2 tuần, phiên bản quốc tế của Alipay sẽ rất phù hợp và họ không cần rút tiền mặt. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định ở lại lâu hơn, giống như tôi, thì giữa chúng ta và Trung Quốc "thực sự" vẫn có một rào cản. Bạn sẽ không thể đặt đồ ăn qua Meituan, không được thưởng thức đồ uống tại Luckin Coffee và điều đáng tiếc nhất là không thể đi tham quan trên một chiếc Mobike.

Bạn không thể sử dụng ứng dụng chia sẻ xe đạp với hàng dài xe được xếp ngăn nắp trên những con phố, bởi bạn phải quét mã QR và chuyển tiền mới có thể sử dụng. Điều khó chịu nhất, đó là rất khó để gọi taxi khi đứng trên phố, trong khi tôi đến từ "thành phố của những chiếc taxi", phần lớn phải được đặt trước trên ứng dụng, hay các ứng dụng riêng có liên kết với những hệ thống thanh toán phổ biến. Hay khi vào Luckin Coffee, tôi đã rất hào hứng nhưng nhận ra là toàn bộ mô hình kinh doanh của họ sử dụng dịch vụ thanh toán trên smartphone.

Dở khóc dở cười với xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc: Quét mã QR đã được mở rộng cho người nước ngoài nhưng thường xuyên lỗi - Ảnh 3.

Là một người nước ngoài, tôi cảm thấy không hề thoải mái. Khi thanh toán đồ uống bằng tiền mặt, người phục vụ chỉ nhún vai và ánh nhìn khó chịu từ anh ta, dù tôi phải được trả lại tiền thừa. Hành động này thể hiện rằng, chúng tôi không có tiền mặt để trả chị. Thế nhưng, tôi đã có một chuyến xe taxi, nhưng khi trả tiền cho một người bạn, cô ấy nói với tôi: "Tôi không muốn nhận tiền mặt thôi!" Chưa dừng ở đó, khi một quán cafe không có tiền lẻ trả lại tôi, họ thay thế bằng một bông cải xanh.

Mọi người thường ca ngợi Trung Quốc là một quốc gia dẫn đầu trong việc sử dụng các phương thức thanh toán trên điện thoại, nhưng còn rất nhiều mặt hạn chế. Thực tế là, họ sử dụng WeChat Pay và Alipay vì không có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, những quốc gia khác vẫn chấp nhận thẻ ghi nợ, Visa, Mastercard, American Express, thanh toán điện tử và cả tiền mặt. Đó là lý do tại sao khối lượng thanh toán qua ứng dụng ở những nơi đó lại không cao như Trung Quốc.

Có thể rằng, việc đếm tiền lẻ sẽ khiến nhiều người khó chịu, trong khi người Trung Quốc chỉ cần quét mã và thanh toán. Thế nhưng, tôi cảm thấy bản thân như một "trò hề" đối với những cửa hàng địa phương khi họ không có tiền lẻ để trả lại. Khi đến Trung Quốc, bạn có thể gặp tôi đang thanh toán qua mã QR, nhưng giờ đây thời tiết đang lạnh dần và xu hướng thuê xe đạp cũng "nguội" đi, tôi cảm thấy việc trải nghiệm dịch vụ này là không cần thiết. Ngoài ra, tôi cũng phải chấp nhận một sự thật rằng, tôi không thể hoàn toàn hoà nhập với cuộc sống hiện tại ở Trung Quốc. 

Tham khảo SCMP

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên