MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về Kinh tế số - một trong những nghiên cứu đầu tiên giúp các nhà hoạch định chính sách, các chủ doanh nghiệp và tổ chức về khái niệm, nội hàm, cách tiếp cận, thực trạng tại Việt Nam và một số khuyến nghị.

  • Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 5,5-6%. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 6-6,5%.
  • Phân chia theo khẩu vị rủi ro từ thấp tới cao, kênh tiền gửi tiết kiệm và vàng vẫn được coi là an toàn, nhất là kênh gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn đối với nhiều NĐT trong bối cảnh lãi suất huy động được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu báo cáo Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

-------

Nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc Hội và chiến lược, chương trình của Chính phủ đã đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cùng với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể như kinh tế số đạt khoảng 20% GDP đến năm 2025 và 30% GDP đến năm 2030…v.v. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế số, kinh doanh số, dẫn đến hệ thống chỉ tiêu đo lường hiện tại thiếu nhất quán, đôi chỗ chưa đúng và trúng, chưa theo thông lệ…v.v. Báo cáo này sẽ là một trong những nghiên cứu đầu tiên giúp các nhà hoạch định chính sách, các chủ doanh nghiệp và tổ chức về khái niệm, nội hàm, cách tiếp cận, thực trạng tại Việt Nam và một số khuyến nghị.

ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐO LƯỜNG VỀ KINH TẾ SỐ TRÊN THẾ GIỚI

1. Định nghĩa về kinh tế số (Digital Economy)

Kinh tế số là khái niệm rộng và khó đo lường cụ thể; đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất và chính thức về "kinh tế số". Các tổ chức quốc tế đã đưa ra khá nhiều định nghĩa và nội hàm khác nhau về thuật ngữ này.

Theo nghĩa hẹp (kinh tế số lõi) của OECD (2019) và UNCTAD (2019), kinh tế số chỉ bao gồm ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) như sản xuất thiết bị CNTT (phần cứng, phần mềm) và thiết bị bán dẫn, các dịch vụ viễn thông và internet (nội dung số và truyền thông số), xử lý dữ liệu và dịch vụ CNTT…v.v.

Theo nghĩa tương đối hẹp của UNCTAD (2019), G20 (2016) và OECD (2019); kinh tế số bao gồm các ngành nghề, mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ số như một nhân tố chính trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ. Theo UNCTAD (2019), kinh tế số bao gồm một số ngành mà sản phẩm, dịch vụ chủ yếu dựa trên công nghệ số, bao gồm các nền tảng số, các ứng dụng di động và dịch vụ thanh toán, có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Như vậy, kinh tế số theo nghĩa tương đối hẹp này bao gồm khu vực lõi (ngành CNTT-TT), bổ sung thêm dịch vụ số (Digital services), kinh tế nền tảng (Platform economy) và một bộ phận của kinh tế chia sẻ (Sharing economy) và kinh tế gắn kết linh hoạt hay kinh tế việc làm tự do (Gig economy).

Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam - Ảnh 1.

Theo nghĩa rộng của OECD (2019) và UNDP (2018), "kinh tế số bao gồm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động sử dụng nền tảng CNTT-TT như Internet, mạng di động và mạng cảm biến". Theo đó, "kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động của các chủ thể kinh tế (doanh nghiệp, người tiêu dùng, Chính phủ) liên quan đến việc sử dụng các đầu vào số (công nghệ số, cơ sở hạ tầng số, dịch vụ số và dữ liệu số)".

Với IMF (2018), kinh tế số được định nghĩa theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng, song với cách tiếp cận rộng hơn so với các tổ chức khác như OECD, UNDP, G20 và UNCTAD. IMF chú trọng đo lường quy mô kinh tế số trên 3 góc độ: (i) Phạm vi kinh tế số rộng hơn (bao gồm cả tác động của kinh tế số đến phúc lợi xã hội, dịch vụ miễn phí do hưởng lợi từ kinh tế số như dùng google để tra thông tin, facebook/email để trao đổi..); (ii) Đo lường giá cả sản phẩm, dịch vụ số và sự thay đổi rổ hàng hóa, trọng số hàng hóa trong rổ đo lường chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và lạm phát tổng thể (có tính đến sự thay đổi liên tục về giá cả của các sản phẩm, dịch vụ số; (iii) Sự phức tạp trong đo lường quy mô của các lĩnh vực số mới, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán (ngoài kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức) như các nền tảng số, kinh tế chia sẻ (dịch vụ gọi xe, dịch vụ lưu trú, du lịch trực tuyến…), các giao dịch xuyên biên giới (thương mại điện tử, chuyển tiền kiều hối, mobile money, Fintech, cho vay ngang hàng - P2P lending…).

Tóm lại, sự phát triển kinh tế số gắn liền với sự phát triển của ngành CNTT-TT và các mô hình kinh tế mới như kinh doanh nền tảng, kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết linh hoạt hay kinh tế việc làm tự do (Gig Economy), kinh tế thuật toán (Algorithmic economy)…v.v. Điều này cũng đặt ra yêu cầu mới về đo lường quy mô nền kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số, hạch toán tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán khác biệt so với nền kinh tế truyền thống.

2. Đo lường quy mô kinh tế số - kinh nghiệm và tiêu chí quốc tế

Qua nghiên cứu các tài liệu của các tổ chức quốc tế nêu trên; phương pháp phổ biến nhất về đo lường kinh tế số hiện nay là phương pháp của OECD. Theo đó, quy mô kinh tế số được đo lường theo "giá trị gia tăng" và "việc làm" với cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Với nghĩa hẹp, quy mô kinh tế số bao gồm giá trị gia tăng của ngành CNTT-TT và tổng số việc làm trong ngành này. Trong đó, ngành này bao gồm 12 nhóm hàng hóa và dịch vụ CNTT-TT khác nhau thuộc 2 nhóm chính: (i) hàng hóa/thiết bị CNTT-TT (gồm thiết bị tin học văn phòng, thiết bị viễn thông, thiết bị đo lường, điện tử và quang học, máy tính); và (ii) dịch vụ CNTT-TT (gồm dịch vụ viễn thông, dịch vụ phần mềm và dịch vụ thông tin). Theo nghĩa rộng, quy mô kinh tế số được xác định thông qua giá trị gia tăng của các "giao dịch số" và đóng góp của CNTT-TT vào giá trị gia tăng (chứ không phải doanh thu) của các ngành, lĩnh vực kinh tế số (chẳng hạn, ngành thương mại điện tử có giá trị gia tăng được tạo ra từ các giao dịch số như: (i) đặt hàng trên nền tảng số; (ii) giao hàng trên nền tảng số; và (iii) hoạt động của các nền tảng số (platform-enabled), trong đó ngành nông nghiệp có ít giá trị gia tăng được tạo ra bởi giao dịch số, nhưng cũng cần tính đến để đảm bảo phản ánh đầy đủ hơn.

Vận dụng linh hoạt phương pháp luận của OECD, các nước thuộc khối OECD (37 quốc gia) và nhiều quốc gia khác đã và đang xác định quy mô kinh tế số theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Nhiều quốc gia đã và đang xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường quy mô kinh tế số và đánh mức độ chuyển đổi số phù hợp với thực tế hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế (Bảng 1). Chẳng hạn như, Trung Quốc sử dụng bảng cân đối liên ngành (I/O) để xác định các ngành/nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT-TT, từ đó tính toán giá trị gia tăng, đo lường đóng góp của ngành CNTT-TT (khu vực lõi của kinh tế số) so với GDP và sử dụng kết quả điều tra dân số (tiến hành 10 năm/lần) để xác định quy mô lao động trong lĩnh vực CNTT-TT nói riêng và các lĩnh vực số nói chung.

Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam - Ảnh 2.

Bài học rút ra từ kinh nghiệm đo lường kinh tế số và kinh doanh số là: (i) Luôn xác định ngành CNTT-TT (có thể cùng với thương mại điện tử - TMĐT là ngành quan trọng trong đo lường quy mô kinh tế số; (ii) Hệ thống các chỉ tiêu được lựa chọn và xác định theo hướng "có thể đo lường" được chứ không phải là các chỉ tiêu định tính và xác định nguồn dữ liệu cụ thể, đáng tin cậy; (iii) Hệ thống chỉ tiêu cần cập nhật phù hợp với sự phát triển của CMCN 4.0 và kinh tế số, có thể so sánh quốc tế; (iv) Hệ thống các chỉ tiêu được xây dựng từ 2 nguồn dữ liệu (dữ liệu thô và đã qua xử lý), chuẩn hóa (đảm bảo mức độ linh hoạt, tăng khả năng thay thế của các nguồn dữ liệu, hạn chế rủi ro liên quan đến an toàn thông tin - dữ liệu…).

VẤN ĐỀ ĐO LƯỜNG KINH TẾ SỐ VIỆT NAM

Đánh giá tổng quan, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia năng động trong phát triển kinh tế số với sự cải thiện, bứt phá qua từng năm. Theo đánh giá của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts - Mỹ (2019), Việt Nam đang đứng thứ 22/60 quốc gia được xếp hạngh về tốc độ chuyển đổi số. Năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức khá cao trong khu vực ASEAN (tăng 16% so với năm 2019). Quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2020 (theo Google, Temasek và Bain & Company) ước đạt 15-18 tỷ USD, tương đương khoảng 4,3-5,2% GDP (đã đánh giá lại).

Theo Báo cáo trên, kinh tế số Việt Nam gồm 7 lĩnh vực: thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến, dịch vụ truyền thông trực tuyến, dịch vụ du lịch trực tuyến, dịch vụ tài chính số (thanh toán, kiều hối, cho vay, bảo hiểm, đầu tư…), y tế - giáo dục số (Healthtech và Edtech). Tổ chức này chưa nêu rõ phương pháp luận và phạm vi đo lường; nhưng đây là cách đo lường theo nghĩa tương đối hẹp và hiện đang có sự khác biệt lớn so với các số liệu mà các bộ, ngành liên quan của Việt Nam công bố.  

Ở trong nước, một số tài liệu, quyết định, nghị quyết của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ đã đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế số - xã hội số - chính phủ số đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cùng với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 52-NQ/TW (năm 2019); Quyết định 749/QĐ-TTg (năm 2020), Quyết định 2889/QĐ-TTg (năm 2020) và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII (tháng 2/2021) đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể như kinh tế số đạt khoảng 20% GDP đến năm 2025 và 30% GDP đến năm 2030; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45-50%; phổ cập mạng 4G/5G; phát triển Chính phủ số với 100% dịch vụ công trực tuyến; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%; các chỉ tiêu về đổi mới, sáng tạo thuộc top 30-50 thế giới. Đồng thời, Quyết định 749/QĐ-TTg cũng đã xác định 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp; các công nghệ ưu tiên phát triển là công nghệ robot, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ trong y học, internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, in 3D, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)…v.v.

Tuy nhiên, liên quan đến đo lường quy mô kinh tế số; các văn bản định hướng chiến lược của Việt Nam đang có một số hạn chế như sau:

- Thứ nhất, chưa tiệm cận với phương pháp đo lường kinh tế số theo chuẩn mực quốc tế (OECD, IMF, UNCTAD,…) và cho đến nay, Việt Nam chưa công bố áp dụng chuẩn mực quốc tế nào trong đo lường quy mô kinh tế số.

- Thứ hai, Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số (Digital Transformation Index - DTI) do Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) chủ trì (theo Quyết định 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020) còn có một số hạn chế: (i) Chưa xác định rõ phương pháp luận, dựa theo khung đánh giá hay chuẩn mực quốc tế nào (Quyết định 749/QĐ-TTg yêu cầu theo phương pháp xây dựng chỉ số Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc); (ii) Có quá nhiều chỉ số thành phần (tổng là 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí) trong khi phương pháp tính giá trị của các chỉ số chưa được giải thích rõ (dù phần II.2.c có đề cập đến phương pháp Z-score và Minmax); (iii) Chưa có bộ chỉ số chi tiết đo lường chuyển đổi số cấp quốc gia (mới chỉ có các phụ lục cho cấp bộ, ngành, địa phương; trong khi chỉ số cấp quốc gia chưa chắc đã là hợp cộng hay trung bình cộng do có lan tỏa, trùng lặp giữa các bộ, ngành, địa phương); (iv) Các chỉ tiêu chuyển đổi số cấp bộ, ngành còn nhiều chỉ số định tính, khó nhất quán áp dụng.

Riêng đối với bộ chỉ tiêu kinh tế số với 36 chỉ số thành phần cũng có một số hạn chế: (i) Chưa nhất quán với 8 lĩnh vực, ngành ưu tiên chuyển đổi số theo Quyết định 749/QĐ-TTg như nêu trên; (ii) Thang đo của các ngành, chỉ số thành phần chưa thống nhất (một số ngành tính theo doanh thu như CNTT-TT, viễn thông, Internet, TMĐT; các ngành còn lại dùng chỉ tiêu định tính như "hoạt động chuyển đổi số"); (iii) Một số chỉ tiêu còn chung chung, khó lượng hóa như "thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử"; "doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh số"…v.v.

- Thứ ba, chưa xác định chính xác, đầy đủ phạm vi, các cấu phần và bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số: đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để khẳng định tính chính xác, đầy đủ của số liệu về quy mô kinh tế số Việt Nam (kể cả số liệu của Google, Temasek và Bain & Company hay Bộ TTTT) do chưa xác định rõ phạm vi, các cấu phần, các chỉ tiêu để tính toán, đo lường. Theo báo cáo của Bộ TTTT hiện nay, quy mô kinh tế số chưa rõ là theo doanh thu hay giá trị gia tăng, chỉ bao gồm ngành CNTT-TT hay cả các ngành/lĩnh vực khác có ứng dụng CNTT. Nếu tính theo doanh thu của 6 ngành thuộc ngành công nghiệp CNTT-TT năm 2020 thì quy mô kinh tế số Việt Nam (dù là theo nghĩa hẹp nhất về kinh tế số như nêu trên) đã lên tới 38% GDP; còn nếu theo tính theo giá trị gia tăng (doanh thu trừ chi phí trung gian và giá trị đầu vào nhập khẩu) của các ngành CNTT-TT theo bảng cân đối liên ngành (I/O) của Việt Nam (Bảng 2) thì đóng góp của ngành CNTT-TT chỉ khoảng 6-8% GDP (tương đương mức công bố của Bộ TTTT là 8,2%GDP). Đây cũng là vấn đề mà nhiều nước OECD, Trung Quốc đã gặp phải khi chưa xác định chính xác, đầy đủ về phương pháp luận, cách tính và chỉ tiêu đo lường kinh tế số. Nếu tính theo doanh thu của ngành CNTT-TT thì quy mô kinh tế số của Ai-len lên tới 87% GDP và Trung Quốc lên tới 32% GDP, nhưng nếu tính theo giá trị gia tăng thì chỉ khoảng 12,5% và 6% GDP (Hình 2).

Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam - Ảnh 3.

Đối với lĩnh vực kinh tế số lõi (ngành CNTT-TT), nhiều phân ngành thuộc ngành CNTT-TT theo Bảng I/O mới nhất của Việt Nam (năm 2012) đã có mức độ khá tương đồng, có thể quy đổi theo chuẩn của OECD, song vẫn còn một số hạn chế: (i) Một số phân ngành có mức độ tương đồng thấp, thiếu cập nhật (mã I/O 78 – Thiết bị truyền thông chỉ bao gồm thiết bị điện thoại, máy fax, ăngten, modem trong khi thiết bị truyền thông theo chuẩn ISIC (mục 4,5/OECD) gồm cả máy quay phim, thiết bị phòng thu, cổng USB, điều khiển từ xa, cáp vô tuyến, điện thoại di động, điện thoại không dây…; (ii) Một số ngành, lĩnh vực có mức độ liên quan ít đến CNTT-TT theo mã 8/OECD nhưng chưa thể bóc tách chính xác như mã I/O 79 - sản phẩm điện tử dân dụng và 162 - Dịch vụ sửa chữa máy tính, đồ dùng cá nhân và gia đình…v.v.; (iii) Một số phân ngành chưa có tên tương ứng với chuẩn ISIC (mục 1,3,7/OECD).

- Thứ tư, do chưa xác định được bộ chỉ tiêu đo lường quy mô kinh tế số nên nhiều chỉ tiêu theo Quyết định 749/QĐ-TTg và Quyết định 1726/QĐ-BTTT (2020) còn khá chung chung, chưa thống nhất, sẽ khó đảm bảo hiệu quả và khả thi trong thực hiện. Chẳng hạn: (i) tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GRDP địa phương chưa rõ gồm ngành, lĩnh vực nào (8 lĩnh vực ưu tiên hay tất cả các ngành) và chỉ tiêu nào để đo lường kinh tế số các ngành, lĩnh vực; (ii) việc xác định 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên chưa có đủ căn cứ và còn thiếu (thiếu ngành quan trọng là CNTT-TT, một số ngành truyền thống có mức độ ưu tiên cao song mức ứng dụng công nghệ số trong việc tạo giá trị gia tăng còn thấp như nông nghiệp, năng lượng, tài nguyên môi trường…); chưa thống nhất theo chuẩn phân ngành (chẳng hạn như "sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng" là ngành cấp 1 trong khi giao thông vận tải và logistics, năng lượng là ngành cấp 2, cấp 3); (iii) nhiều chỉ tiêu trong Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) mang tính định tính, sẽ khó đo lường trong thực tế (chỉ số chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; đánh giá sắc thái thông tin trên không gian mạng…).

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Để có thể xác định phạm vi, đo lường chính xác, đầy đủ hơn quy mô kinh tế số và đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc Hội và các chiến lược, chương trình của Chính phủ về phát triển kinh tế số trên góc độ vĩ mô và vi mô,

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có 3 khuyến nghị như sau: 

- Một là, Chính phủ chỉ đạo cần sớm xây dựng Bộ tiêu chí thống kê, đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, có thể tham khảo, áp dụng khái niệm, phương pháp của OECD và IMF, đồng thời nên có phân đoạn đảm bảo tính khả thi. Chẳng hạn, trong giai đoạn 1 (2021-2025), có thể kết hợp giữa định nghĩa của OECD, G20, IMF và Google, Temasek và Bain & Company và Quyết định 749/QĐ-TTg để xác định quy mô nền kinh tế số của Việt Nam theo phạm vi "tương đối hẹp", có thể bao gồm ngành CNTT-TT, TMĐT và 8 lĩnh vực, ngành ưu tiên chuyển đổi số (như tài chính - ngân hàng, logistics, công nghiệp chế biến - chế tạo, y tế, giáo dục), các ứng dụng, nền tảng số, một bộ phận của kinh tế chia sẻ, kinh tế gắn kết linh hoạt (có thể đo lường được). Với giai đoạn 2 (từ năm 2026): bổ sung các ngành ưu tiên, các nền tảng số, kinh tế chia sẻ và kinh tế gắn kết linh hoạt trên cơ sở hoàn thiện hơn về số liệu thống kê và khả năng đo lường. Đồng thời, tham khảo phương pháp luận của IMF, OECD và kinh nghiệm của Trung Quốc trong đo lường quy mô kinh tế số của ngành CNTT-TT, các ngành khác và toàn bộ nền kinh tế; theo đó, cần sử dụng giá trị gia tăng chứ không phải là doanh thu của các lĩnh vực, ngành nghề để khắc phục tình trạng trùng lặp và chưa trừ đi chi phí.

- Thứ hai, tăng cường năng lực thống kê, đo lường kinh tế số: (i) Chuẩn hóa, cập nhật hệ thống thống kê Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế (hệ thống tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế (BOP), tiêu chuẩn phân ngành, mã VSIC, mã I/O, đo lường lạm phát….; lưu ý bổ sung các khái niệm mới, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số vào rổ hàng hóa và trọng số tính CPI, PPI, GDP); (ii) Xây dựng 2 hệ thống dữ liệu (thô và chuẩn hóa) để đo lường quy mô kinh tế số nhằm đảm bảo khả năng linh hoạt, cập nhật, phòng ngừa rủi ro liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu; (iii) Thống nhất thang đo, quy đổi thành chỉ số có thể đo lường đối với 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên và bộ chỉ tiêu kinh tế số và xác định nguồn dữ liệu thống kê chính thống, đáng tin cậy cho các số liệu đó; (iv) Các chỉ tiêu về xã hội số cũng cần xác định theo hướng "có thể đo lường được và có nguồn dữ liệu" chứ không phải là chỉ tiêu định tính (như chăm sóc sức khỏe, hạ tầng đô thị, giáo dục đào tạo, môi trường…v.v.); có thể tham khảo, áp dụng các chỉ tiêu đánh giá, đo lường của IMF và các tổ chức quốc tế. Với mục tiêu này, cần bổ sung nguồn lực và nâng cao năng lực cho cơ quan thống kê Việt Nam.

- Thứ ba, nâng cao hiệu quả phối kết hợp, cung cấp thông tin, số liệu về kinh tế số và mức độ chuyển đổi số: (i) Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế (như IMF, WB, UNCTAD, OECD) trong việc xây dựng, hoàn thiện "Bộ chỉ số chuyển đổi số Việt Nam" theo tiêu chuẩn quốc tế; (ii) Cơ quan thống kê Việt Nam cần tiến tới sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để có thể phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thống kê về kinh tế số với các tổ chức, cơ quan thống kê quốc tế (đặc biệt là dữ liệu về giao dịch xuyên biên giới, nền tảng số, dịch vụ tiền di động - mobile money, thanh toán số, tiền kỹ thuật số…v.v.); (iii) Hoàn thiện, chi tiết hóa Bộ chỉ tiêu thống kê về chuyển đổi số (DTI) của Việt Nam; tham khảo 4 bộ chỉ số đánh giá về phát triển kinh tế số toàn cầu của các tổ chức quốc tế (như chỉ số sử dụng kỹ thuật số - DAI của IMF; chỉ số kết nối toàn cầu - GCI của Tập đoàn Huawei; chỉ số trí tuệ số - DII của Trường Fletcher (Hoa Kỳ); chỉ số sẵn sàng chuyển đổi số toàn cầu – CDRI của Tập đoàn CISCO, Hoa Kỳ…v.v.).


H. Kim (Ghi theo Báo cáo của Nhóm tác giả))

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên