MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đỏ mắt tìm lao động

Đỏ mắt tìm lao động

Đưa ra lương cao, đãi ngộ tốt… nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn than thở không tuyển được lao động (LĐ). Thiếu nhân công không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cuối năm mà còn khiến DN khó phục hồi nhanh sau dịch.

Chạy khắp nơi tìm người

Trao đổi với phóng viên, bà Lâm Thị Lý, Giám đốc nhân sự Công ty CP Thiên Hương (quận 12,TPHCM) Công ty hoạt động trở lại từ đầu tháng 11, nhưng số công nhân làm việc chưa đến 70%.

“Chúng tôi đang thiếu khoảng 100 LĐ. Do đây là cao điểm làm hàng Tết, việc thiếu nhân công khiến đơn hàng cuối năm trì trệ, không kịp tiến độ giao hàng. Không chỉ thiếu LĐ có tay nghề, chúng tôi còn không tuyển được nhân viên bán hàng hội chợ cuối năm”, bà Lý than thở.

Theo bà nguyên nhân là trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều LĐ về quê không quay trở lại; mặt khác, đây là thời điểm cuối năm, các DN đều tuyển thêm LĐ. Do đó, dù Công ty có chế độ tốt nhưng chỉ cần một DN khác nhích lương thêm một chút, nhiều LĐ sẵn sàng “dứt áo” ra đi.

Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự hành chính Công ty CP Thực phẩm Cholimex Food, cho hay, đang cần tuyển khoảng 500 LĐ để bổ sung nhân lực vào các khâu sản xuất nhằm kịp cung cấp đơn hàng cho thị trường xuất khẩu và trong nước mùa cuối năm, nhưng mãi vẫn chưa đủ.

“Chúng tôi đã liên kết với các trung tâm giới thiệu việc làm của thành phố và các tỉnh, đơn vị cung ứng lao động, tuyển dụng online, tuyển trực tiếp, nguồn giới thiệu nội bộ để tìm LĐ… Công nhân chỉ cần có nhu cầu làm việc đều được công ty nhận và không đòi hỏi tay nghề. Công ty hiểu rất rõ những khó khăn của người LĐ trong mùa dịch vừa qua nên rất tạo điều kiện để công nhân có việc làm tại DN”, ông Toàn nói.

Nhiều DN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lâm vào tình trạng “khát” LĐ và đang đăng tuyển rầm rộ. Công ty Nitori Funiture VN (KCN Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ) treo biển tuyển hơn 2.000 LĐ phổ thông với mức lương từ 7,8-9 triệu đồng/tháng từ nhiều ngày nay. Ngoài lương, Công ty còn có nhiều chính sách ưu đãi như phụ cấp (đi lại, trực ca đêm, nhà ở), thưởng chuyên cần, có xe đưa rước trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai, thưởng lương tháng 13...

Tương tự, Công ty TNHH May Tân Mỹ (phường Hắc Dịch) cần tuyển 400 LĐ phổ thông, thợ may với mức lương cao nhất lên tới 14 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Dong In Entech Việt Nam (huyện Đất Đỏ) cần tuyển 300 công nhân may…

Đỏ mắt tìm lao động - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương xuống đường tìm lao động Ảnh: Hương Chi

Trong khi đó, nhiều DN ở Bình Dương tuyển lao động mãi chưa đủ. Ông Byun Jae Woong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panko Vina, cho biết, công ty đã khôi phục sản xuất với số lượng gần 5.000 LĐ trở lại. Công ty cần thêm khoảng 2.000 LĐ. Mặc dù tìm kiếm người bằng nhiều hình thức, trong đó nhân viên công ty bố trí bàn tuyển dụng ngoài đường để tuyển dụng nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại Công ty CP Bao bì và Khoáng sản số 1. Đơn vị này cần số lượng lớn LĐ phổ thông với mức thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/tháng, chưa tính phụ cấp và các khoản hỗ trợ khác. Mức lương cao hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn “bói” không ra người.

Vì sao khó tuyển?

Khảo sát vào tháng 10/2021 do trang chuyên đăng tin tuyển dụng LĐ phổ thông Việc Làm Tốt vừa công bố cho thấy, có đến 48% người sau khi về quê không muốn quay lại thành phố. Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt, nói. Với việc một số người chưa muốn quay lại TPHCM làm việc, mức độ cạnh tranh của các nhà tuyển dụng càng thêm phần gia tăng.

Thậm chí, để nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút ứng viên. Trên Việc Làm Tốt, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển đã cao hơn 7-10% so với tháng trước dịch”.

Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt LĐ do sau dịch là các DN mở rộng sản xuất nhằm cung cấp đủ số lượng hàng hóa bị thiếu hụt do phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh, đồng thời sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, một phần công nhân đang làm việc tại Bình Dương đã về quê chưa trở lại làm việc dẫn đến việc nguồn LĐ bị thiếu hụt so với trước đây. Ngoài ra, một số LĐ còn tâm lý bất an về dịch bệnh nên chưa đồng ý trở lại làm việc. Mặt khác, do gần Tết nên LĐ các tỉnh không muốn quay trở lại Bình Dương.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, Đồng Nai), cho hay, công ty có khoảng 2.000 người là F0, F1 không thể đi làm. Mỗi ngày có khoảng 100 LĐ bị lây nhiễm và người liên quan. Lượng LĐ ra vào liên tục nên phải thường xuyên sắp xếp lại, rất khó khăn cho DN.

Theo ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, DN đang phục hồi sản xuất nhanh vì có nhiều đơn hàng. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ công nhân, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính để DN sớm ổn định hoạt động.

Công ty Daikan Việt Nam (KCN Amata) là DN áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” sớm nhất ở Đồng Nai và ổn định sản xuất suốt mùa dịch. Tuy nhiên, sau giãn cách, đơn vị này đã phải tái thực hiện “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty, cho biết: “Sau khi người LĐ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và tỉnh Đồng Nai cho phép thực hiện phương án đi, về hằng ngày, công ty đã cho công nhân đi về. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo được việc phòng, chống dịch nên xuất hiện một số ca nhiễm bệnh. Do đó, công ty đã thực hiện lại phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo sức khỏe cho LĐ và sản xuất không bị gián đoạn”.

Linh động tìm giải pháp

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tính đến nay, số LĐ quay trở lại là gần 40.000, trong đó số người từ các tỉnh Tây Nam bộ là hơn 16.500, Tây Nguyên là 478 và Đông Nam bộ là hơn 22.700. “Hiện TPHCM có nhu cầu cần 33.000-42.000 LĐ, chủ yếu là LĐ phổ thông. Trong đó, 70% nhu cầu liên quan các ngành như may mặc, giày da, cơ điện điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác”, ông Lâm nói.

Theo Sở LĐ-TB&XH, TPHCM có 127 trung tâm, DN giới thiệu việc làm. Hai đơn vị nòng cốt là Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm. Từ ngày 1/10 tới nay, 2 trung tâm này đã tư vấn cho hơn 63.000 lượt người và giới thiệu 26.543 người.

Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết, trung tâm đã đẩy mạnh kết nối hỗ trợ DN và người LĐ bằng nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, tư vấn online; tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp và các đơn vị tổng hợp nhu cầu tuyển dụng, kết nối DN với LĐ.

UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ đón người LĐ trở lại làm việc. Khi trở lại, lao động được ưu tiên tiêm vắc xin, hỗ trợ việc làm theo nhu cầu; khuyến khích DN có chính sách tiền lương , các chế độ phúc lợi. Bình Dương thiết kế phần mềm tìm việc nhanh cũng trên website, mạng xã hội Zalo, người LĐ có thể nói chuyện trực tuyến với tư vấn viên của trung tâm, sau đó được tư vấn viên kết nối với DN phỏng vấn.

 

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên