Đồ nhựa có thể làm bạn béo phì
Các hóa chất có trong bao bì và nhiều đồ nhựa hằng ngày khác đã thúc đẩy sản xuất các mô mỡ, gây ra béo phì, các nhà khoa học cảnh báo.
- 08-09-2022Tốt nghiệp ĐH danh giá, nữ tiến sĩ bỏ việc lương cao về làm nông trại thu nhập 1 triệu USD/năm
- 07-09-2022Cặp vợ chồng U90 dành hơn nửa thế kỉ chỉ để nhận nuôi 600 trẻ em mồ côi
- 06-09-2022Uống trà đen mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tử vong nhưng 4 nhóm người này không nên sử dụng
Các hóa chất trong đồ nhựa có thể thúc đẩy sản xuất mô mỡ trong cơ thể - Ảnh: ADOBE STOCK
Trên toàn cầu, tỉ lệ béo phì đã tăng gấp 3 lần kể từ thập niên 1970, với khoảng 1 tỉ người dự kiến sẽ bị béo phì vào năm 2030, theo Hãng tin Bloomberg.
Béo phì có liên quan chặt chẽ với huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Theo các nhà khoa học, có nhiều yếu tố gây béo phì, bao gồm di truyền, căng thẳng, virus và những thay đổi trong thói quen ngủ. Gần đây xuất hiện một quan điểm đáng chú ý: chính môi trường sống của chúng ta gây ra bệnh béo phì, và nội dung này đã bị bỏ qua trong nhiều nghiên cứu trước đây.
Theo đó, sự hiện diện tràn lan của các chất hóa học - ngay cả ở liều lượng rất thấp - có thể làm rối loạn hoạt động bình thường của quá trình trao đổi chất ở người, rối loạn cơ thể và khả năng điều chỉnh lượng năng lượng nạp vào và tiêu thụ.
Một số hóa chất này, được gọi là "obesogens", trực tiếp thúc đẩy sản xuất các loại tế bào mô mỡ cụ thể có liên quan đến bệnh béo phì.
Thật không may, những hóa chất này xuất hiện nhiều trong sản phẩm cơ bản nhất của cuộc sống hiện đại, bao gồm bao bì nhựa, quần áo và đồ nội thất, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Ông Bruce Blumberg, một chuyên gia về bệnh béo phì và các hóa chất gây rối loạn nội tiết từ Đại học California - Irvine (Mỹ), cho biết hợp chất obesogens dẫn đến béo phì lại rất khó phát hiện.
Điều đáng nói, hậu quả của việc tiếp xúc với hóa chất có thể không xuất hiện trong suốt cuộc đời của một sinh vật bị phơi nhiễm, mà có thể được truyền lại cho con cháu, thậm chí vài thế hệ sau.
Một ví dụ điển hình là Tributyltin (TBT), một hóa chất được sử dụng trong chất bảo quản gỗ và những thứ khác. Trong các thí nghiệm cho chuột tiếp xúc với mức TBT thấp và an toàn, ông Blumberg và các đồng nghiệp nhận thấy sự tích tụ chất béo tăng lên đáng kể trong 3 thế hệ chuột tiếp theo.
TBT và các obesogens khác gây ra những tác động như vậy bằng cách can thiệp trực tiếp vào quá trình sinh hóa bình thường của hệ thống nội tiết, điều chỉnh việc lưu trữ và sử dụng năng lượng, cũng như hành vi ăn uống của con người.
Gần 1.000 obesogens với những tác dụng đó đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trên động vật hoặc con người.
Chúng bao gồm Bisphenol A - một hóa chất được sử dụng rộng rãi trong nhựa; Phthalates - chất làm dẻo được sử dụng trong sơn, y học và mỹ phẩm; Paraben - được dùng làm chất bảo quản trong thực phẩm, các sản phẩm giấy, và các hóa chất được gọi là organotins - được dùng làm thuốc diệt nấm.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy có các obesogens khác bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trong nước tiểu của hầu hết người Mỹ bị béo phì.
Các nghiên cứu đã phát hiện cuộc khủng hoảng béo phì cũng đang ảnh hưởng đến mèo, chó và các động vật khác sống gần gũi với con người.
Đại dịch béo phì có thể sẽ diễn tiến tồi tệ hơn, trừ khi chúng ta có thể tìm cách loại bỏ những hóa chất đó ra khỏi môi trường, hoặc xác định những chất có vấn đề nhất và giảm đáng kể sự tiếp xúc của con người với chúng.
Tuổi trẻ