Đô thị sân bay Long Thành: Biểu tượng Việt Nam mới hay thành phố của những 'giấc mơ'?
Phối cảnh nhà ga Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tại tỉnh Đồng Nai (ảnh: ACV).
Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là 1 trong 16 dự án cảng hàng không sân bay được mong chờ nhất thế giới; được kỳ vọng trở thành một điểm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực trong tương lai.Theo quy hoạch của địa phương, đến năm 2040 sẽ phát triển khu vực Long Thành thành trung tâm hàng không với 3 đô thị vệ tinh tầm cỡ.
- 27-10-2022Nóng: Đề nghị tăng lương sớm, kiểm soát chặt giá cả thị trường
- 27-10-2022ĐBQH đề xuất quy định bảng lương riêng cho nhân viên y tế, giáo viên
- 27-10-2022Hà Nội xây dựng đề án thu phí xe vào nội đô: Yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi đối tượng bị tác động
1 trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng (tương đương gần 4,7 tỷ USD), với 1 đường cất/hạ cánh, nhà ga hành khách quy mô 25 triệu khách/năm; đưa vào khai thác cuối năm 2025. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 300.000 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD), khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, sân bay Long Thành có công suất 100 triệu khách/năm.
Đầu năm 2021, khi đang là Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc - nhấn mạnh tại lễ khởi công Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành - rằng: "Đây là 1 trong 16 dự án cảng hàng không sân bay được mong chờ nhất thế giới; là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta; có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước".
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, đây cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Một tổ chức quốc tế ở Úc đánh giá sân bay này có thể đóng cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.
Trên thực tế, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng theo tiêu chuẩn 4F - mức cao nhất trong tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Việc đầu tư xây dựng dự án mở ra cơ hội cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng không quốc tế. Sân bay Long Thành sau năm 2030 phải trở thành sân bay trung chuyển của Đông Nam Á và Châu Á, nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh
Thành phố sân bay đầu tiên Việt Nam
UBND tỉnh Đồng Nai đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, chuyên gia, nhà đầu tư về quy hoạch quỹ đất phát triển các vùng xung quanh sân bay Long Thành , huyện Long Thành. Mục tiêu là khai thác được các tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến thành phố sân bay đầu tiên của cả nước sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Cần phải nói thêm rằng, quy hoạch này do UBND huyện Long Thành chủ trì xây dựng. Đây là quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm. Theo đó, xung quanh sân bay Long Thành sẽ hình thành 3 đô thị lớn gồm: Long Thành, Bình Sơn, Phước Thái.
Phối cảnh tổng thể khu vực sân bay Long Thành khi hoàn thiện (ảnh: Phạm Nguyễn).
Ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết, mục tiêu của huyện là sẽ xây dựng, nâng cấp lên đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành đô thị loại III vào năm 2030. Đến năm 2030, Long Thành sẽ cơ bản trở thành huyện công nghiệp phát triển, đến năm 2040 trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao cấp quốc tế và vùng nông - lâm nghiệp phát triển bền vững.
Theo quy hoạch này, chiến lược phát triển 3 đô thị xung quanh sân bay Long Thành sẽ gắn với tạo lập cơ sở hạ tầng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao, dịch vụ du lịch, đô thị sinh thái để thu hút các dự án trọng điểm của huyện.
Dựa trên định hướng phát triển, huyện Long Thành quy hoạch quỹ đất cho từng khu đô thị. Cụ thể, vùng đô thị Long Thành, gồm thị trấn Long Thành, xã Tam An, một phần của các xã An Phước, Long Đức, Lộc An với quy mô gần 5.300 ha sẽ trở thành khu phức hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian của huyện Long Thành trong tương lai.
Vùng đô thị Bình Sơn, gồm xã Bình An, một phần các xã An Phước, Bình Sơn, Lộc An và Long Đức, có diện tích hơn 12.300 ha. Đô thị này sẽ gắn với hoạt động của sân bay Long Thành, là trung tâm thương mại dịch vụ tài chính, trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế và là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không của vùng, quốc gia, quốc tế.
Riêng đô thị Phước Thái được quy hoạch quỹ đất khoảng 5.300 ha nằm dọc theo quốc lộ 51 thuộc địa bàn các xã Long An và Phước Thái. Trong tương lai sẽ hình thành vùng đô thị đa ngành , hỗ trợ dịch vụ thương mại đầu mối, dịch vụ trung chuyển, dịch vụ công cộng, du lịch sinh thái, chuyển giao công nghệ.
Ngoài 3 khu đô thị trên, huyện Long Thành quy hoạch thêm 2 vùng khác để khai thác hết các tiềm năng, lợi thế từ sân bay mang lại. Trong đó, quy hoạch khu vực chức năng đặc thù cho sân bay với diện tích khoảng 9.260 ha thuộc xã Cẩm Đường, một phần các xã Bình Sơn, Bàu Cạn, Long Phước, Long An.
Vùng này sẽ triển khai những dự án riêng để khai thác tối đa giá trị kinh tế do sân bay mang lại thông qua việc phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ cấp quốc tế, khu dân cư, công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp liên quan đến hàng không, khu logistics quốc tế chất lượng cao.
Tỉnh Đồng Nai đang lấy ý kiến quy hoạch trở thành đô thị sân bay trong tương lai (ảnh: Phạm Nguyễn).
Vùng công nghiệp đô thị dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao gần 10.900 ha thuộc địa bàn các xã Phước Bình, Tân Hiệp, một phần các xã Bàu Cạn, Phước Thái, Long Phước. Khu vực này sẽ phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp, dịch vụ du lịch kèm các khu dân cư, khu tái định cư, kho bãi…
“Tỉnh Đồng Nai sẽ quy hoạch đất đai cho từng khu vực xung quanh sân bay và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án. Sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai để có thể đưa vào khai thác vào tháng 9/2025. Do đó, tỉnh mong các doanh nghiệp tập trung đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực từ bây giờ để khi sân bay đưa vào khai thác sẽ có các dịch vụ đi kèm”, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nói.
Hướng tới những đô thị sân bay quốc tế
Hiện nay, các sân bay được phát triển lên mức như một đô thị thu nhỏ, được xây dựng ngay gần hoặc kết nối với thành phố bằng những phương tiện công cộng hiện đại, tốc độ cao đang là xu hướng nổi bật trong quy hoạch xây dựng sân bay của các nước trên thế giới. Hàng loạt các thành phố sân bay, đô thị sân bay đang được hình thành tại nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan…
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực xung quanh sân bay Long Thành sẽ hình thành 3 đô thị lớn.
Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - khẳng định, thành phố sân bay là mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông…
“Quy hoạch sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình thành phố sân bay. Hành khách đến cảng hàng không có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố”, ông Thanh nói.
GS. Ha Hun Koo - Trường cao học về logistics, Đại học Inha, Hàn Quốc - cho rằng, sân bay Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay , đô thị sân bay bởi sân bay Long Thành có rất nhiều điểm tương đồng với sân bay Incheon. Gần sân bay Incheon có một khu vực nền tảng là các khu công nghiệp. Sân bay Long Thành được xây dựng tại Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều khu công nghiệp.
Sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại (ảnh: Phạm Nguyễn).
Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế. Sân bay Incheon cũng nằm gần cảng biển lớn thứ 2 của Hàn Quốc là cảng biển Incheon.
Tiền Phong