MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ xô cho vay tiêu dùng: Nghẹt thở với lãi suất!

17-10-2018 - 07:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Bên cạnh một số hình thức đòi nợ kiểu quấy rối, dọa nạt, khách hàng vay tiêu dùng còn phát hoảng bởi mức lãi suất "trên trời" mà các đơn vị cho vay công bố.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Nhiều người vay tiền phản ánh lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay cao hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay của ngân hàng (NH) thương mại. Một số khoản vay sau khi tính các loại phí có thể lên tới 60%/tháng, chưa kể những khoản phạt hết sức vô lý mà các công ty tài chính đưa ra.

Chưa nên áp trần lãi suất

Do đó, nhiều người đề nghị NH Nhà nước cần kiểm soát cho vay tiêu dùng và áp trần lãi suất để bảo vệ người vay. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính lại không đồng tình với đề xuất này.

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng nếu các công ty tài chính bị kiểm soát cho vay tiêu dùng, nhu cầu thị trường không đáp ứng được, người dân sẽ chuyển sang vay "tín dụng đen". Do đó phải kiểm soát bằng cách tạo sự cạnh tranh, minh bạch trên thị trường này và tuyên truyền cho người dân những kiến thức về tài chính, có sự hiểu biết khi đi vay, tránh tình trạng vay xong dùng vào mục đích khác hoặc không có khả năng trả nợ… "Ở các nước phát triển, vay tiêu dùng là động lực phát triển kinh tế. Vấn đề là tăng tính hiểu biết, khả năng quản lý tài chính của người vay" - TS Đinh Thế Hiển nói.

Đổ xô cho vay tiêu dùng: Nghẹt thở với lãi suất! - Ảnh 1.

Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, phân tích: "Hiện theo quy định, hoạt động cho vay của các công ty tài chính không bị áp trần lãi suất mà là lãi suất thỏa thuận. Nhưng nếu áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng chưa chắc là giải pháp tốt, cũng không tạo được thị trường lành mạnh và người vay chưa hẳn có lợi. Điều cần lúc này là sự tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước".

Ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn - Cơ quan Thanh tra giám sát NH thuộc NH Nhà nước, cho biết cho vay của công ty tài chính không giống các hoạt động cho vay khác. Nó có khuôn khổ pháp lý đặc thù, chuyên biệt. Vì nếu tuân thủ quá trình cấp phép, giới hạn phạm vi hoạt động... sẽ tác động đến giá thành cho vay. "Trước đây, một số công ty tài chính niêm yết lãi suất nhìn có vẻ thấp nhưng tính ra người vay phải trả tổng tiền rất cao. Kể từ khi có Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay, NH Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị phải đưa ra mức lãi suất, công thức và phương pháp tính lãi suất chung để người vay có thể so sánh được, tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các bên trên thị trường" - ông Du nói.

Vay trực tuyến chưa ai quản

Trong khi nhà nước và các chuyên gia tập trung vào việc lành mạnh hóa các công ty tài chính thì một hình thức khác của cho vay tiêu dùng là cho vay trực tuyến lại đang bị bỏ ngỏ.

Loại hình cho vay này mới xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm gần đây cùng với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, thanh toán trực tuyến, mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, người có nhu cầu vay thường chỉ được vay số tiền nhỏ từ 1-10 triệu đồng/lần trong thời hạn không quá 30 ngày. Bên cho vay thường là một doanh nghiệp (DN) công nghệ tài chính (Fintech) đồng thời cũng là đơn vị giải ngân. Hoặc DN Fintech chỉ đóng vai trò trung gian kết nối người vay thông qua các ứng dụng (app) trên điện thoại, còn bên cho vay đích thực là một DN khác. Khi có người vay, bên cho vay luôn đưa ra mức lãi suất tượng trưng, phần còn lại được chuyển hóa thành phí dịch vụ hoặc một khoản phí nào đó nhưng khi tính tổng lại cao hơn rất nhiều so với lãi suất công bố, có khi lên tới 720%/năm.

Chưa kể, người vay buộc phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân để bên cho vay xét duyệt. Ngoài ra, ứng dụng cho vay còn âm thầm thu thập các thông tin trên điện thoại của khách như danh bạ, người thân, bạn bè trên mạng xã hội để nhắc nợ, đòi nợ khi đến hạn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thế giới, cho vay trực tuyến luôn có một DN làm trung gian cung cấp công nghệ để kết nối người cho vay và người vay. Theo đó, bên cho vay và bên vay tự thỏa thuận lãi suất, còn đơn vị làm trung gian thu được phí dịch vụ. Thế nhưng tại Việt Nam, do DN cho vay trực tuyến không phải là tổ chức tín dụng nên NH Nhà nước chỉ quản lý các công ty này dưới vị thế trung gian thanh toán, còn các yếu tố khác như lãi suất, nguồn vốn, phương thức đòi nợ… không có cơ quan nào giám sát. Vì vậy cho vay trực tuyến dễ biến tướng thành tín dụng đen.

Theo khảo sát của phóng viên, thị trường hiện có khoảng 38 ứng dụng cho vay trực tuyến. Tuy nhiên, do pháp luật chưa công nhận loại hình cho vay này và cũng không cấm nên khi có khiếu nại về dấu hiệu cho vay trực tuyến biến tướng thành tín dụng đen thì cơ quan chức năng cũng không có cơ sở xử lý vì luật chưa quy định.

Theo chuyên gia tài chính - TS Cấn Văn Lực, nhu cầu vay tiền trực tuyến là rất lớn, thậm chí tại TP HCM, một DN cho vay trực tuyến tiếp nhận 2.000 khách hàng/ngày. "Loại hình vay này mới xuất hiện nên cần sớm có khuôn khổ pháp lý để giám sát, tránh gây hệ lụy lâu dài. Theo đó, nhà nước có thể chỉ định một bộ, ngành nhất định để quản lý theo hướng DN cho vay trực tuyến phải có một số vốn nhất định, ban hành quy định hạn mức huy động vốn kể cả hạn mức người dân gửi tiền cho DN cho vay trực tuyến, hạn mức giải ngân đối với bên cho vay, phương thức đòi nợ phù hợp pháp luật" - ông Lực đề xuất.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết số vốn mà hầu hết DN cho vay trực tuyến hiện nay có được là nhờ huy động từ người dân thông qua hình thức hợp tác kinh doanh hoặc là vốn tự có của DN. Thời gian tới, nếu cho vay trực tuyến bùng phát dữ dội nhưng chưa có một đầu mối nào quản lý, giám sát chặt chẽ thì loại hình cho vay này có thể "vỡ trận" giống như các DN cho vay trực tuyến ở Trung Quốc.

Vẫn đang xây dựng khuôn khổ pháp lý

Một số chuyên gia tài chính cho biết hiện nay, Singapore đã đưa quy định cho vay trực tuyến vào Luật Chứng khoán và hợp đồng phái sinh, Luật Tư vấn tài chính. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã ban hành Cẩm nang triển khai Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho vay trực tuyến. Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính của Indonesia ban hành các quy định về cho vay trực tuyến...

Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trình Chính phủ cho phép DN Fintech thử nghiệm cho vay trực tuyến dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý, nhằm hạn chế rủi ro cho các bên.

Theo Thái Phương - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên