MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ xô nhận BHXH một lần

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với sự thay đổi của chính sách về tuổi hưu khiến tình trạng nhận BHXH một lần có xu hướng ngày càng tăng cao.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuối năm 2020, bà N.T.N.A, nhân viên phụ trách mảng du lịch quốc tế của Công ty TNHH Du lịch B.T (quận 1, TP HCM), lọt vào danh sách bị cắt giảm lao động. Mất việc ở tuổi 49 và không thể tìm được việc làm mới, bà A. quyết định khi đủ thời gian quy định (sau 1 năm nghỉ việc, không tham gia tiếp BHXH) sẽ làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần.

1.001 lý do

"Tôi đã tham gia BHXH được 17,5 năm. Khi tôi nghỉ việc, một số bạn bè khuyên nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để sau này nhận lương hưu. Tôi đang thất nghiệp nên khó có khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Với khoản trợ cấp BHXH một lần, tôi có ít vốn để buôn bán kiếm tiền nuôi con" - bà A. chia sẻ.

Chồng bà A. là nhân viên một công ty tư nhân, thu nhập không cao. Vợ chồng bà đang nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học nên khi bà mất việc, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Do vậy, trong thời gian chờ nhận BHXH một lần, bà A. tập tành bán các mặt hàng online cần vốn ít như trái cây, trứng, kem chuối… Bà dự định khi nhận được trợ cấp BHXH một lần sẽ đầu tư thêm vốn để bổ sung các mặt hàng kinh doanh, từ đó ổn định thu nhập.

Giữa năm 2020, chị N.T.L (công nhân một công ty giày da ở quận Bình Tân, TP HCM) may mắn không nằm trong diện cắt giảm lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Mới đây, khi biết chị nộp đơn xin nghỉ việc, nhiều đồng nghiệp rất bất ngờ.

"Năm nay tôi đã 38 tuổi, làm công nhân đã hơn 19 năm nên sức khỏe đã yếu, năng suất lao động cũng sút giảm, không biết mất việc lúc nào. Tôi tham gia BHXH hơn 19 năm, mức lương hiện tại khoảng 11 triệu đồng/tháng. Nếu nay xin thôi việc, tôi sẽ có khoản tiền BHXH một lần kha khá để tính kế sinh nhai. Chứ chờ đến lúc làm đủ 20 năm mà bị cho nghỉ việc, lúc đó tìm việc không ai nhận, cũng không được hưởng BHXH một lần, tôi không biết sẽ sống ra sao" - chị L. bộc bạch.

Tham gia BHXH với tổng thời gian 21 năm 7 tháng, ông N.N.T (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng muốn nhận BHXH một lần nhưng không được giải quyết nên khá bức xúc. Ông T. sinh năm 1967, tham gia BHXH từ tháng 3-1993 đến 10-2014 thì nghỉ việc, làm lao động tự do. Thời điểm nghỉ việc, ông được cán bộ BHXH cho hay không được hưởng BHXH một lần mà chờ đến năm 2027 (lúc 60 tuổi) để hưởng lương hưu. Thế nhưng, nay Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, để được hưởng lương hưu, ông T. phải đủ 61 tuổi 9 tháng, nghĩa là phải chờ sau 15 năm kể từ khi nghỉ việc.

"Chính sách thay đổi khiến thời gian chờ đợi để hưởng lương hưu của người lao động (NLĐ) kéo dài nhưng quyền thụ hưởng lại không tương xứng, thậm chí thiệt thòi hơn. Do đó, tôi mong chính sách BHXH có thể thay đổi theo hướng cho NLĐ đóng BHXH trên 20 năm được chọn một trong 2 phương án: hưởng BHXH một lần hoặc chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu" - ông T. bày tỏ.

Đổ xô nhận BHXH một lần - Ảnh 1.

Công nhân mất việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM làm thủ tục nhận sổ BHXH. Ảnh: Cao Hường

Trẻ hóa độ tuổi hưởng BHXH một lần

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2014 - 2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho khoảng 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần. Bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương số người tham gia mới hằng năm.

Đặc biệt, ở một số địa phương có đông lao động, năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, số người đăng ký hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng cao. Chẳng hạn tại TP HCM, nếu như năm 2019, BHXH TP giải quyết 96.399 hồ sơ hưởng BHXH một lần thì năm 2020 đã giải quyết cho 111.742 người hưởng, tăng 15.343 người.

Đáng lưu ý, người có số năm đóng BHXH trên 10 năm đăng ký hưởng BHXH một lần ngày càng nhiều và độ tuổi cũng được trẻ hóa. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết nếu như năm 2015, chỉ có 8.275 hồ sơ của người có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm đăng ký hưởng BHXH một lần (chiếm 11% tổng số hồ sơ hưởng BHXH một lần) thì đến năm 2020 tăng lên 24.915 hồ sơ (22,3%). Tuổi đời trung bình của người hưởng BHXH một lần năm 2015 là 39,9 thì đến năm 2020 chỉ còn là 35,4 tuổi.

Theo ông Mến, có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ chọn hưởng BHXH một lần. Trong đó, việc thay đổi chính sách về tỉ lệ tính lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam lẫn nữ có tác động không nhỏ.

"Với người còn trẻ, tăng tuổi nghỉ hưu khiến họ cảm thấy việc đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu khó đạt. Do đó, nhiều trường hợp NLĐ có thời gian tham gia BHXH trên 19 năm, thậm chí đã đóng BHXH được 19 năm 11 tháng, nhưng vẫn quyết định nghỉ việc để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần. Khi tiếp nhận những hồ sơ này, BHXH TP HCM đã tư vấn rất kỹ để NLĐ xem xét thiệt hơn nhưng họ vẫn quyết định hưởng" - ông Mến băn khoăn.

Một lý do khác cũng liên quan đến việc thay đổi chính sách là mức hưởng BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH năm 2014 được điều chỉnh cao hơn so với quy định trước đây (từ 1,5 tháng lương lên 2 tháng lương cho mỗi năm làm việc từ năm 2014). Bên cạnh đó, việc bỏ quy định nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần tại nơi cư trú và đơn không cần xác nhận của chính quyền địa phương cũng khiến lượng hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần tăng nhanh.

Xử lý hình sự hành vi mua bán sổ BHXH

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều NLĐ bị mất việc, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để hưởng BHXH một lần, NLĐ phải chờ sau 1 năm nghỉ việc. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng bày ra chiêu trò mua bán, cầm cố sổ BHXH núp dưới hình thức ủy quyền nhận thay BHXH một lần. Hành vi này không chỉ khiến NLĐ thiệt thòi quyền lợi mà còn khiến tình trạng nhận BHXH một lần tăng nhanh.

"Từ thực tế đó, BHXH TP HCM kiến nghị đưa hành vi mua bán sổ BHXH vào xử lý hình sự nhằm tăng cường tính răn đe, kịp thời ngăn chặn hành vi trục lợi BHXH, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ" - ông Phan Văn Mến đề xuất.

Kỳ tới: Có nên "gặt lúa non"?

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên