MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐỔ XÔ NHẬN BHXH MỘT LẦN (*): Có nên "gặt lúa non"?

BHXH một lần giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài họ không có thu nhập để bảo đảm cuộc sống khi về già.

Cuộc sống quá nhiều khó khăn và bệnh tật bủa vây nên nửa năm trước chị Nguyễn Thị Thu Hà, công nhân (CN) Công ty TNHH Pousung Việt Nam (tỉnh Đồng Nai), đã quyết định nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, với hơn 60 triệu đồng cho thời gian 10 năm tham gia BHXH, chị Hà chỉ đủ trang trải chi phí chữa bệnh trong thời gian ngắn. Đến nay, số tiền này đã cạn. Để có tiền trang trải cuộc sống, mỗi ngày dù bệnh tật hành hạ chị Hà vẫn phải muối dưa, cà đem ra chợ bán.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Chị Hà không lập gia đình và sống cùng mẹ già hơn 90 tuổi. Khi còn làm CN, dù thu nhập không cao nhưng ổn định nên cuộc sống hai mẹ con chị cũng khá thoải mái. Tuy nhiên, sau đó căn bệnh đái tháo đường của chị trở nặng, kèm theo nhiều biến chứng như thị lực giảm và có nguy cơ gây mù mắt, suy thận, ảnh hưởng thần kinh..., chị đành nghỉ việc để điều trị bệnh. "Để cứu đôi mắt khỏi bị mù, tôi phải chi một khoản tiền khá lớn trong khi hai mẹ con chẳng có tích lũy gì. Suy đi tính lại, tôi quyết định nhận BHXH một lần để trang trải khó khăn trước mắt. Nay tôi vẫn phải sống chung với bệnh tật, thu nhập lại bấp bênh nên rất lo cho tương lai của hai mẹ con. Mong sao những ngày tới, tôi có đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, chăm lo cho mẹ già" - chị Hà mong mỏi.

ĐỔ XÔ NHẬN BHXH MỘT LẦN (*): Có nên gặt lúa non? - Ảnh 1.

Công nhân mất việc tại một doanh nghiệp ở quận Bình Tân, TP HCM làm thủ tục nhận sổ BHXH .Ảnh: CAO HƯỜNG

Trước đây, chị Đỗ Thị Kim Yến, 50 tuổi (quận Tân Phú, TP HCM) có gần 17 năm CN và tham gia BHXH tại một công ty may. Do mắc cùng lúc nhiều loại bệnh nên sức khỏe chị ngày càng giảm sút. Để có tiền chữa trị và chăm sóc các con, chị Yến đã xin nghỉ việc. Khi đó, vì chưa hiểu rõ chính sách BHXH, thấy bạn bè nhận BHXH nên chị cũng làm thủ tục hưởng. Vợ chồng chị đều bị khuyết tật, thu nhập thấp, lại đang nuôi 2 con nhỏ, tài chính eo hẹp nên chẳng bao lâu số tiền nhận được cũng cạn dần. Sau khi nghỉ việc, chị Yến xin làm tạp vụ theo hình thức khoán cho một doanh nghiệp nên không được tham gia BHXH, BHYT. Giữa năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chồng chị bị mất việc, ai kêu gì làm nấy nên thu nhập lúc có lúc không. Do vậy, dù căn bệnh bướu tuyến giáp tái phát và trở nặng, chị vẫn phải tìm thêm chỗ giúp việc nhà theo giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. "Giờ nghĩ đến cuộc sống sau này của cả gia đình, tôi rất lo. Tôi sinh con muộn nên giờ chúng vẫn còn đang đi học cấp 2. Vợ chồng nay đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên không biết có thể tiếp tục làm việc để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn không. Giá như trước đây tôi giữ lại khoản BHXH một lần và đóng tiếp số năm còn thiếu để nhận lương hưu khi đủ tuổi thì đã không phải lo lắng như bây giờ" - chị Yến tiếc nuối.

Nên cân nhắc kỹ

Năm 1997, xưởng sản xuất bị giải thể, ông Dương Văn Diên (quận Gò Vấp, TP HCM) phải nghỉ việc khi mới 35 tuổi và có 14 năm tham gia BHXH. Thời điểm đó, ông Diên tính toán với độ tuổi của mình nếu hưởng BHXH một lần, sau đó đi làm và bắt đầu đóng BHXH từ đầu thì khi đến tuổi nghỉ hưu, ông vẫn có đủ 25 năm đóng để hưởng mức lương hưu tối đa là 75%.

Với suy nghĩ đó, ông quyết định nhận BHXH một lần. Số tiền đó ông dùng để trả một phần nợ do xây nhà trước đó. Tiếp đó, ông xin làm CN tại một công ty gia công cơ khí và tiếp tục tham gia BHXH như dự tính ban đầu. Song, người tính không bằng trời tính, khi mới tham gia BHXH được 9 năm, ông bị tai nạn lao động, 2 bàn tay bị dập và mất khả năng lao động. Hiện gia đình ông chủ yếu sống dựa vào quầy tạp hóa nhỏ của vợ ông nên khá cơ cực. "Một số đồng nghiệp cùng xưởng với tôi ngày xưa khi nghỉ không hưởng BHXH một lần, nay có lương hưu nên cuộc sống khá ổn. Tôi cũng đã liên hệ cơ quan BHXH xin nộp lại số tiền BHXH một lần đã nhận và gộp với thời gian đóng tiếp đó để hưởng lương hưu nhưng không được chấp nhận vì Luật BHXH hiện hành không có quy định này" - ông Diên rầu rĩ.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận khoản BHXH một lần đúng là đã giúp không ít người lao động (NLĐ) giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt, song xét về lâu dài, NLĐ sẽ rất thiệt thòi, đặc biệt là khi hết tuổi lao động. Mặt khác, nếu so sánh quyền lợi giữa việc nhận BHXH một lần và hưởng lương hưu thì rõ ràng chế độ hưu trí có nhiều ưu việt hơn. Cụ thể, với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hằng tháng thì một năm tổng mức đóng BHXH là 2,64 tháng lương. Nhưng khi hưởng BHXH một lần, với mỗi năm đóng, NLĐ chỉ được hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, NLĐ khi lãnh BHXH một lần sẽ thiệt thòi hơn. Mặt khác, ngoài hưởng lương hưu hằng tháng, người hưởng chế độ hưu trí còn được cấp thẻ BHYT miễn phí để khám bệnh.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-4

Kỳ tới: Cần hoàn thiện chính sách BHXH

Người nhận BHXH một lần khi về già không được hưởng hưu trí, phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn có nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh và nằm viện, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. "Vì vậy, việc cân nhắc lựa chọn nên nhận BHXH một lần hay không là rất quan trọng với mỗi NLĐ. Đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già" - ông Triều khuyến nghị.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên