MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đoàn Đại biểu QH TP HCM yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình việc có quốc tịch Síp

27-08-2020 - 16:45 PM | Xã hội

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã yêu cầu đại biểu Phạm Phú Quốc giải trình về thông tin ông này có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus) từ giữa năm 2018 mà chưa từng có văn bản báo cáo cơ quan quản lý.

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã yêu cầu đại biểu Phạm Phú Quốc giải trình về thông tin ông này có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus) từ giữa năm 2018 mà chưa từng có văn bản báo cáo cơ quan quản lý.

Chiều nay 27-8, trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM - cho biết hiện nay Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã yêu cầu ông Phạm Phú Quốc (đại biểu Quốc hội Đoàn TP HCM) giải trình.

 Đoàn Đại biểu QH TP HCM yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình việc có quốc tịch Síp  - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Phú Quốc phát biểu tại thảo luận tổ ở Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM - Ảnh: Văn Duẩn

"Sau khi có báo cáo giải trình của ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM sẽ trao đổi và báo cáo Thường trực Thành ủy TP HCM, đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cũng sẽ báo cáo lên Ban Dân nguyện, Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội, để xem xét giải quyết sự việc đúng pháp luật" - bà Tô Thị Bích Châu nói.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cũng cho biết tinh thần là sẽ có kết luận sớm nhất. "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tham gia vào quá trình này theo đúng quy định pháp luật" - bà Tô Thị BíchChâu thông tin.

Trong khi đã yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình, song bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho biết chưa nhận được đề nghị từ Ban Công tác đại biểu Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động, việc năm 2016 ông Phạm Phú Quốc là người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM hiệp thương giới thiệu ứng cử. Vậy Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM còn lưu hay sao lưu hồ sơ của ông Phạm Phú Quốc hay không? bà Tô Thị Bích Châu cho biết: "Theo quy định, sau khi bầu cử xong, hồ sơ bản chính của đại biểu Phạm Phú Quốc sẽ được chuyển cho Hội đồng bầu cử TP HCM. Hiện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM cũng đang rà soát lại về hồ sơ của đại biểu này" - bà Tô Thị Bích Châu cho hay.

Tại thời điểm Ủy ban MTTQ TP hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc để cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội (tháng 5-2016), ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Việt Nam. Nguyên tắc là nếu giữa chừng thời gian làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội mà có thêm quốc tịch khác thì đại biểu phải báo cáo Ban Công tác đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Phú Quốc cho biết tháng 5-2016, khi ông ứng cử vào Quốc hội thì chỉ có một Quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân, nên năm 2018 gia đình ông Quốc đã thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cộng hoà Síp cho ông để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.

Ông Quốc cho biết vợ và con đều là doanh nhân, trong đó con trai có nhiều năm sinh sống tại Anh. Vị ĐBQH khẳng định thông tin mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD là không chính xác.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, cho biết đã nắm được thông tin về việc này và giao các đơn vị chức năng xác minh. Ông Tuý cho biết theo quy định, đại biểu Phạm Phú Quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM phải có báo cáo cụ thể về việc này gửi Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành các bước xác minh, xử lý tiếp theo.

Ông Phạm Phú Quốc, sinh năm 1968, quê quán: xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải , Quảng Trị; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế.

Ông Quốc hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Quốc là đại biểu Quốc hội khoá XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện đang có hiệu lực quy định tiêu chuẩn ĐBQH tại điều 22 chỉ yêu cầu ĐBQH đáp ứng 5 tiêu chuẩn (không có tiêu chuẩn về quốc tịch), bao gồm:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1-1-2021) bổ sung điểm a vào sau khoản 1 Điều 22 với yêu cầu ĐBQH "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

Theo Phan Anh-Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên