Doanh nghiệp ào ạt lên sàn, bùng nổ cung cổ phiếu
Những động thái quyết liệt có thể sẽ tạo ra cơn lốc lên sàn trong 6 tháng cuối năm 2017...
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ xử phạt những doanh nghiệp cổ phần hoá và ngân hàng đại chúng đủ điều kiện lên sàn UPCoM nhưng chây ỳ, thậm chí “trốn biệt tăm”, đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp không triển khai lên sàn, kể cả cách chức và thuyên chuyển công tác. Những động thái quyết liệt này có thể sẽ tạo ra cơn lốc lên sàn trong 6 tháng cuối năm 2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 14/7 đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ phải công khai danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hoá chưa đăng ký trên UPCoM và yêu cầu các bộ, cơ quan có liên quan cũng như Hội đồng thành viên các tập đoàn, tổng công ty phải khẩn trương thực hiện việc này.
Bản danh sách các doanh nghiệp đã cổ phần hoá song chưa niêm yết đến cuối tháng 6/2017 phải được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Trong danh sách này, Bộ Tài chính sẽ thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá còn vốn nhà nước từ 36% trở lên không chịu đăng ký niêm yết thì thông qua người đại diện vốn chủ sở hữu tại đây bắt buộc niêm yết theo quy định. Đối với các doanh nghiệp nhà nước mà vốn nhà nước không còn hoặc còn lại quá thấp (dưới 36%) thì theo Luật Chứng khoán việc lên sàn là do đại hội đồng cổ đông quyết định.
Đáng chú ý là trong 6 tháng cuối năm 2017, nhiều doanh nghiệp chây ỳ lên sàn sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, sửa đổi Thông tư 217/2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6/2017.
Theo quy định tại thông tư 36, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản yêu cầu thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, nhưng công ty đại chúng không thực hiện, mức phạt cao nhất là 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.
Đặc biệt ngoài xử phạt bằng tiền, Bộ Tài chính sẽ đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp có thái độ chây ỳ, không tích cực triển khai các thủ tục đưa cổ phiếu lên niêm yết, đăng ký giao dịch.
Sau khi xem xét, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ xử lý hành chính như thuyên chuyển vị trí làm việc, bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ khi tổng kết công tác thi đua, khen thưởng cuối năm, hạ bậc lương và không loại trừ các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, những biện pháp quyết liệt và nghiêm khắc của Chính phủ và Bộ Tài chính khiến các lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hoá, đủ điều kiện lên sàn nhưng chây ỳ đang “ngồi trên đống lửa”, lo sợ mất ghế và mất luôn quyền lợi. Do vậy, hàng loạt doanh nghiệp gấp rút làm thủ tục lên sàn.
Chỉ trong vòng 5 ngày, từ 17/7 đến 21/7/2017 có 14 mã chứng khoán chào sàn trên cả 3 sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCoM với tổng cộng hơn 500 triệu cổ phiếu, trong đó riêng trên HOSE có 4 cổ phiếu mới lên sàn, UPCoM có 7 mã cổ phiếu mới.
Đại gia ngành cấp nước, mã BWE của Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (Biwase) sẽ giao dịch trên HOSE với 150 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 14.300 đ/cổ phiếu, tương đương vốn hóa ngày lên sàn xấp xỉ 2.150 tỷ đồng.
Trong ngành dệt may, Tổng công ty Việt Thắng (mã TVT) sẽ đưa 21 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên HOSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 35.000 đ/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa ngày lên sàn xấp xỉ 730 tỷ đồng. TVT đạt lợi nhuận sau thuế năm 2016 gần 118,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với gần 61,7 tỷ đồng đạt được năm 2015.
Trong 5 tháng cuối năm 2017 sẽ có ít nhất 10 tổng công ty nhà nước đã cổ phần hoá và khoảng 15 công ty có vốn nhà nước chi phối sẽ lên sàn chứng khoán với tổng số lượng ước tính lên tới khoảng 1,5 tỷ cổ phiếu, trong đó, lớn nhất là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiêp VN-CTCP, vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng. Tiếp đến là Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp-CTCP, vốn điều lệ 1.420 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp VN-CTCP, vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.
Đặc biệt “bom tấn” Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ IPO vào cuối tháng 8/2017 và tiến tới niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán vào cuối năm 2017.
Hiện Chính phủ đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho PV Power và theo đó, sẽ giảm sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này xuống dưới 50%. Quá trình cổ phần hóa PV Power gồm IPO 3-4% và phần dành cho nhà đầu tư chiến lược lên tới 45% tổng số cổ phần, có thể là 60% phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.
Theo quyết định của Bộ Công Thương, giá trị thực thể của PV Power để cổ phần hoá là 60.623 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước nắm giữ là 33.556 tỷ đồng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất là 18.790 tỷ đồng. PV Power hiện đang quản lý và vận hành 4 nhà máy điện khí, 3 nhà máy thủy điện và 1 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất thiết kế là 4.208 MW.
Trong lĩnh vực ngân hàng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, tuy không bắt buộc lên sàn chứng khoán chính thức, nhưng đều phải lên sàn UPCoM để cải thiện sự minh bạch, cũng như cơ hội tăng vốn, thời hạn lên sàn UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.
Hiện đã quá hạn hơn 6 tháng, do đó, trong 5 tháng cuối năm 2017, ít nhất sẽ có 10 ngân hàng lên sàn UPCoM với tổng vốn điều lệ ước tính lên tới khoảng 95.000 tỷ đồng.
Mới nhất, ngày 17/07, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với hơn 1,33 tỷ cổ phiếu. VPBank cũng vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 10.765 tỷ đồng lên hơn 14.059 tỷ đồng.
VnEconomy