MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bán lẻ “kêu” nông sản trong nước khó lưu chuyển hơn hàng nhập khẩu?

20-09-2021 - 11:01 AM | Doanh nghiệp

Giám đốc Marketing Saigon Co.op Đỗ Quốc Huy cho biết, hiện nay có tình trạng do điều kiện thông thương bị hạn chế dẫn đến giá sản phẩm bị đẩy lên cao.

Giám đốc Marketing Saigon Co.op Đỗ Quốc Huy cho biết, hiện nay có tình trạng do điều kiện thông thương bị hạn chế dẫn đến giá sản phẩm bị đẩy lên cao.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trăn trở, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển nông thuỷ sản bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng nơi sản xuất dư thừa - nơi thiếu hụt hàng hóa.

Theo ông Paul Le, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Central Retail, sản phẩm tôm, cua của Cà Mau rất ngon và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên giá tôm, cua ở nơi sản xuất và trên thị trường có sự chênh lệch lớn. Các địa phương và ngành chức năng cần tìm cách kết nối, làm sao đem sản phẩm ngon và đúng giá đến các siêu thị.

Trong khi đó, Giám đốc Marketing Saigon Co.op Đỗ Quốc Huy cho biết, hiện nay có tình trạng do điều kiện thông thương bị hạn chế dẫn đến giá sản phẩm bị đẩy lên cao. Điều này gây bất lợi cho cả hai phía bán và mua.

Cụ thể hơn, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam Trần Kim Nga thông tin, hiện nay, hiện nay hệ thống siêu thị có 29 nhà cung cấp hải sản nhưng phải tạm ngưng hoạt động do tình hình dịch Covid-19.

Theo bà Nga cho biết, Cà Mau và các tỉnh tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên dẫn đến nhiều khó khăn trong vận chuyển, cung ứng hàng hóa.

Phía MM Mega Market đã có những nhà cung cấp ổn định ở Cà Mau. Hiện nay các mặt hàng chủ lực của Cà Mau như tôm sú, cua Cà Mau được đơn vị mua rất nhiều từ các doanh nghiệp của Cà Mau. Tuy nhiên, từ ngày 23/8 đến nay, tỉnh áp dụng giãn cách xã hội và sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất, dẫn đến nguồn hàng cung ứng cho các siêu thị, nhà phân phối bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể sản lượng sản phẩm đông lạnh chỉ đạt 15-20%, gây khó khăn cho cả bán lẻ và xuất khẩu.

Với các mặt hàng tươi sống, đại diện Mega Market cho biết nhiều quy định phòng chống dịch của các địa phương ở ĐBSCL đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, ví dụ như chỉ tới được Cần Thơ chứ không lên được TP.HCM.

“Lượng khách hàng của Mega Market rất lớn, cung ứng cho toàn thị trường từ Bắc và Nam nên khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị nhu cầu mua sắm của khách hàng”, bà Trần Kim Nga nhấn mạnh.

Theo đó, đại diện Mega Market mong muốn Cà Mau chia sẻ thêm với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, từ đó có thêm các giải pháp để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản.

“Chúng ta phải tránh được tình trạng dư thừa ở vùng nuôi nhưng lại thiếu hụt ở siêu thị”, Giám đốc đối ngoại Mega Market nói và cho biết các sản phẩm tươi sống như tôm sú, tôm thẻ hay cua Cà Mau hoàn toàn không thể đến được với khách hàng của Mega Market.

Cùng quan điểm, Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, nhiều mặt hàng đặc sản của Cà Mau ai cũng biết đến. Tuy nhiên, hàng hóa của Cà Mau để chở ra được Hà Nội cũng rất khó khăn, đó là trong điều bình thường chứ chưa nói đến hiện tại. Chính vì vậy chi phí vận chuyển rất cao.

Doanh nghiệp bán lẻ “kêu” nông sản trong nước khó lưu chuyển hơn hàng nhập khẩu? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp kiến nghị nhận được sự hỗ trợ về thông thương của các địa phương.

“Do đó, chúng ta cần phải làm thể nào để đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Để làm được điều đó, chúng tôi cần địa phương thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua được từ gốc với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp”, bà Vũ Thị Hậu phân tích. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc duy trì các đội thu mua tin cẩn, đảm bảo được từ đầu vào cho đến đầu ra, không gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.

Theo đại diện Hiệp hội bán lẻ, sản phẩm đặc sản của Cà Mau chủ yếu được tiêu thụ trong kênh nhà hàng nên sau khi tình hình dịch được kiểm soát thì sẽ lưu thông tốt trở lại. Trong giai đoạn hiện nay, bà Hậu cho rằng Tổ công tác 970 và tỉnh đã kêu gọi được các nhà chế biến để tăng cường các sản phẩm đông lạnh, sấy khô, hấp phục vụ nhu cầu bán lẻ.

“Điều quan trọng là đảm bảo được chất lượng của sản phẩm chế biến so với sản phẩm tươi sống”, bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm của nhà bán lẻ, bà Hậu cũng gợi ý tỉnh Cà Mau cần đầu tư thêm vào tem nhãn của sản phẩm để thu hút được người mua, bên cạnh đó, nếu có giá bán lẻ tốt thì sản phẩm sẽ nhanh chóng tiếp cận và tạo thói quen cho người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, sau khi dịch được kiểm soát, bà Vũ Thị Hậu nói các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ sẽ kết hợp với nhau để tạo ra những chương trình khuyến mại để đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm và tạo đầu ra bền vững cho các nhà sản xuất thông qua các hợp đồng.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Quốc Huy Phó Chủ tịch HĐQT của Saigon Co-op đưa ra kiến nghị nhận được sự hỗ trợ về thông thương.

Theo ông Huy, hiện nay, giá các mặt hàng nông sản đang xuống thấp nhưng người dân ở các địa phương giãn cách phải mua giá cao, nhất là những kênh bên ngoài do điều kiện thông thương bị hạn chế.

“Đây là bất lợi cho cả người mua lẫn người bán vì người nuôi khó bán, người dùng lại phải mua giá cao. Do đó, Saigon Co-op muốn vấn đề thông thương được giải quyết để bán nông sản với giá tốt nhất cho người mua”, ông Đỗ Quốc Huy nói.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên