MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bán lẻ niêm yết 2018: Kẻ tăng tốc, người miệt mài đi tìm thị trường mới

27-12-2018 - 08:34 AM | Doanh nghiệp

Kết thúc 2018, nhìn lại tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bán lẻ niêm yết ghi nhận một năm khá tốt với mức tăng trưởng lãi ròng dự báo trên 30%.

Ngành bán lẻ với quy mô tỷ đô luôn hấp dẫn doanh nghiệp mặc dù đây là sân chơi mang tính đào thải đầy khốc liệt. Kết thúc 2018, nhìn lại tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết ghi nhận một năm khá tốt với mức tăng trưởng lãi ròng dự báo trên 30%.

Trong đó, Thế Giới Di Động (MWG) mặc dù "ngậm ngùi" đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui.com, bù lại Bách Hóa Xanh có vẻ đang đi đúng hướng, cùng với tăng trưởng tương đối tại phân khúc Điện Máy Xanh. Tương tự, VinMart+ của "đại gia" Vingroup (VIC) tiếp tục mở 117 cửa hàng tiện lợi tại cả 3 miền Bắc – Trung – Nam ngay ngày cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm giai đoạn cao điểm.

FPT Retail (FRT) thì tìm kiếm tăng trưởng tại thị trường mới, đặc biệt mảng dược được đánh giá triển vọng, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tiếp tục tăng tốc trong ngành bán lẻ trang sức còn nhiều dư địa. Một đơn vị phân phối khác, Digiworld (DGW) thì đánh chiếm thị trường ngách, tập trung nhóm sản phẩm Xiaomi và Nokia.

Thế giới Di động – Tiếp tục quá trình chuyển đổi cửa hàng

Đầu tiên điểm qua Thế giới Di động (MWG), nếu đầu năm Công ty đặt kế hoạch tham vọng với 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh thì đến nay doanh nghiệp đã chuyển hướng trong đó tập trung về chất lượng thay vì số lượng.

Thời gian đầu, mô hình cửa hàng nhỏ nằm trong khu dân cư cho thấy là một sai lầm, doanh thu trung bình/cửa hàng giảm mạnh từ 730 triệu/tháng vào cuối năm 2017 xuống còn 570 triệu/tháng trong tháng 2/2018. MWG sau đó thay đổi chiến lược từ quý 2 với cửa hàng có quy mô từ vừa đến lớn và nằm trên các trục đường chính dẫn vào khu dân cư. Thêm vào đó, mô hình "thịt tươi – cá lội" cũng được phổ biến để tạo khác biệt so với các chuỗi minimart khác.

Kết quả của sự thay đổi trên là doanh thu trung bình tăng lên 1,2 tỷ/tháng vào tháng 11, biên LNG cũng tăng từ 12% lên 17% trong cùng giai đoạn và chuỗi Bách Hóa Xanh đang tiến rất gần tới điểm hòa vốn.

Còn Điện Máy Xanh, chiếm 55% doanh thu, mảng này là yếu tố chính hỗ trợ MWG đạt mức tăng trưởng 34% doanh thu và 33% LNST trong 11 tháng. Năm 2018, Điện Máy Xanh được mở mới 104 cửa hàng, trong đó khoảng 1/3 được chuyển đổi từ cửa hàng Thế Giới Di Động để tăng doanh thu, doanh thu theo đó tăng 65% còn Thế Giới Di Động chỉ tăng 1%. MWG cho biết vẫn sẽ tiếp tục quá trình chuyển đổi cửa hàng trong năm 2019.

Mặt khác, trong tháng 12, MWG đã đưa vào thử nghiệm mô hình "2 giá" cho Điện Máy Xanh: Giá gốc sẽ bao gồm đầy đủ dịch vụ vận chuyển nhanh, lắp đặt và bảo hành từ nhà bán lẻ trong khi sản phẩm mua với giá chiết khấu sẽ chỉ có bảo hành từ hãng. Mô hình này đang được áp dụng lên một số sản phẩm, với khác biệt về giá là 3%.

VinMart+ đã đạt 1.700 cửa hàng

Doanh nghiệp bán lẻ niêm yết 2018: Kẻ tăng tốc, người miệt mài đi tìm thị trường mới - Ảnh 1.

Tổng số cửa hàng đã được nâng lên con số 1.700 đơn vị, dẫn đầu về số lượng.

Còn VinMart+ của Vingroup, bắt đầu tham gia thị trường từ cuối năm 2014, đến nay tổng số cửa hàng đã được nâng lên con số 1.700 đơn vị, dẫn đầu về số lượng. Được biết, các siêu thị mini và cửa hàng tiện ích (VinMart+) có quy mô nhỏ hơn với diện tích dưới 1.000 m2 thuộc chuỗi VinMart - còn bao gồm các siêu thị lớn với diện tích lên đến hơn 10.000 m2. Những siêu thị và cửa hàng tiện ích thuộc VinMart nằm tại các khu vực đông dân cư và có vị trí giao thông thuận lợi, bao gồm các Trung tâm thương mại, khu đô thị hay Trung tâm văn hóa thể thao giải trí...

Các cửa hàng tiện lợi VinMart+ mới có diện tích từ 80-200m2, được bố trí nằm trên những con phố chính có mật độ dân cư cao tại các tỉnh thành trọng yếu trên toàn quốc như: Hà Nội, Tp.HCM, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nha Trang, Vũng Tàu… 117 cửa hàng tiện lợi VinMart+ mới này mục tiêu phục vụ nhu cầu mua sắm hàng ngày của người tiêu dùng và du khách.

FRT – Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang đi đúng hướng

Doanh nghiệp bán lẻ niêm yết 2018: Kẻ tăng tốc, người miệt mài đi tìm thị trường mới - Ảnh 2.

Studio vấp phải khó khăn trong việc mở cửa hàng do những quy định khó khăn về địa điểm của Apple.

Với FRT, mặc dù thị trường điện thoại đang chậm lại, Công ty vẫn tìm được cách để tăng doanh thu mặt hàng này. Đón lấy đà tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, FRT xúc tiến 2 chương trình trả góp đặc biệt F.Friends và Subsidy. Hiện 2 chương trình này đang đóng góp gần 10% doanh thu cho FRT và là một trong những trọng tâm phát triển của Công ty trong năm sau.

Về quy mô, mở mới 71 FPT Shop tính đến hiện tại, như vậy kế hoạch 100 cửa hàng mới trong năm nay là khó có thể đạt được, VDSC cho biết. Còn Studio vấp phải khó khăn trong việc mở cửa hàng do những quy định khó khăn về địa điểm của Apple. Chỉ có 3 cửa hàng mới được mở trong năm nay, thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng.

Riêng chuỗi nhà thuốc Long Châu đang đi đúng hướng với 11 cửa hàng được mở mới đến nay. Biên gộp tăng từ 14% lên 17% trong khi biên LNST giảm từ 5% xuống 1,6% do chi phí quản lý tăng.

PNJ – Duy trì SSSG cao nhờ thị trường trang sức tăng trưởng ổn định

Doanh nghiệp bán lẻ niêm yết 2018: Kẻ tăng tốc, người miệt mài đi tìm thị trường mới - Ảnh 3.

Mảng bán đồng hồ vẫn còn khá nhỏ, hiện Công ty đang bán khoảng 1.000 mẫu đồng hồ thông qua trang web online và 14 điểm bán lẻ, tất cả đều ở Tp.HCM.

Tiếp tục tăng tốc có PNJ hoàn thành kế hoạch mở cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018 với 44 cửa hàng được mở mới, nâng tổng số cửa hàng lên 308. Doanh thu và LNST tăng lần lượt 35% và 38% trong 9 tháng và ước đạt trên 35% cho cả năm. SSSG cửa hàng vàng duy trì ở mức cao (23%) nhờ thị trường Tp.HCM còn nhiều dư địa, trong khi con số này của cửa hàng bạc chỉ là 1% do chiến lược sản phẩm chưa thực sự hợp lý.

Trong năm nay, PNJ đã tách mảng bán sỉ ra và thành lập công ty riêng chuyên về bán sỉ và mở 1 trung tâm bán sỉ. Công ty muốn thúc đẩy mảng này để vươn tới miếng bánh thị phần của 12.000 cửa hàng vàng tư nhân (chiếm 70% thị phần trang sức cả nước).

Ngược lại, mảng bán đồng hồ vẫn còn khá nhỏ, hiện Công ty đang bán khoảng 1.000 mẫu đồng hồ thông qua trang web online và 14 điểm bán lẻ, tất cả đều ở Tp.HCM.

DGW – Tăng trưởng mạnh mẽ năm 2018 nhờ vào Xiaomi

Doanh nghiệp bán lẻ niêm yết 2018: Kẻ tăng tốc, người miệt mài đi tìm thị trường mới - Ảnh 4.

Trong tháng 9, DGW đã ký kết hợp đồng với Nokia HMD, cho phép Công ty phân phối sản phẩm Nokia tại Việt Nam.

Trở thành nhà phân phối độc quyền cho Xiaomi từ năm 2017, DGW đặt kế hoạch khá tham vọng, tăng trưởng 22% doanh thu và 30% LNST trong năm 2018 (trong khi tăng trưởng doanh thu và LNST năm 2017 chỉ đạt lần lượt 0% và 16%). Kết quả thực tế thậm chí còn tốt hơn kỳ vọng, doanh thu và LNST trong 11 tháng đạt lần lượt 5.460 tỷ và 103 tỷ, hoàn thành 116% và 102% kế hoạch năm.

Trong đó, thị phần điện thoại Xiaomi tăng 70% (tháng 7 so với tháng 1) kéo theo tăng trưởng 300% doanh thu DGW từ của mảng điện thoại di động (9 tháng), mảng này đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu Công ty.

Trong tháng 9, DGW đã ký kết hợp đồng với Nokia HMD, cho phép Công ty phân phối sản phẩm Nokia tại Việt Nam. DGW kỳ vọng hợp đồng này sẽ làm tăng doanh thu mảng điện thoại ít nhất 50% trong năm 2019.

Ngoài ra, mảng kinh doanh mới về FMCG và thực phẩm chức năng, mặc dù có biên lợi nhuận gộp cao (trên 40%), chỉ mới đóng góp hơn 1% doanh thu và chưa thể trở thành động lực tăng trưởng mới.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên