MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bất động sản ‘đau đầu’ vì bị nhái thương hiệu - Bài cuối: Khởi kiện ra toà và yêu cầu bồi thường

12-06-2021 - 10:19 AM | Bất động sản

Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, đơn vị không phải là chủ đầu tư của dự án Khu căn hộ Hưng Thịnh Sunshine. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Nhà Hưng Thịnh không thuộc hệ thống công ty thành viên, cũng không có bất cứ mối quan hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh. Ảnh: NV

Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, đơn vị không phải là chủ đầu tư của dự án Khu căn hộ Hưng Thịnh Sunshine. Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Nhà Hưng Thịnh không thuộc hệ thống công ty thành viên, cũng không có bất cứ mối quan hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh. Ảnh: NV

Việc nhái thương hiệu địa ốc hiện không còn là việc gây nhầm lẫn ở mức độ cá nhân mà đã phát triển thành tổ chức với các kịch bản được tính toán gây nên những tổn thất lớn cho doanh nghiệp lớn, uy tín. Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, tình trạng đạo nhái các thương hiệu địa ốc, chủ đầu tư uy tín trên thị trường bất động sản phía Nam đang ngày càng phổ biến, ông đánh giá thế nào về việc này?

Luật sư Trần Đức Phượng: Khoảng 5 năm trở lại đây, trong lĩnh vực bất động sản, có tình trạng một số công ty cố ý gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác (quy mô lớn, có thương hiệu trên thị trường) nhằm mục đích thu hút được người quan tâm, dẫn dụ được người giao dịch sản phẩm mà công ty đang phân phối. Điều đáng lo ngại, không còn là một vài trường hợp nữa mà đã xảy ra thường xuyên và trong phạm vi rộng hơn.

Doanh nghiệp bất động sản ‘đau đầu’ vì bị nhái thương hiệu - Bài cuối: Khởi kiện ra toà và yêu cầu bồi thường - Ảnh 1.
Trong thời gian qua cũng có một số vụ việc mà doanh nghiệp yêu cầu thay đổi tên doanh ngiệp, nhãn hiệu hàng hóa... được xét xử tại tòa án, đây là những tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp sẽ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Về hình thức, các công ty này này đặt tên doanh nghiệp bằng cách thêm các từ ngữ ngành nghề để không trùng tên doanh nghiệp lớn, thiết kế logo tương tự, lấy luôn tên dự án và dùng tên viết tắt công ty tương tự trên thực tế khi quảng cáo, giới thiệu dự án.

Thông thường, có những công ty có thể có tên, logo, dự án… tương tự nhau nhưng không có sự cố ý gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác nên đây chỉ là những vi phạm hoặc tranh chấp về từng vấn đề cụ thể. Ngược lại, khi xâu chuỗi lại những điểm này, có thể thấy đây là sự cố ý và mục đích là gây nhầm lẫn với một doanh nghiệp lớn nhằm mục đích lừa dối khách hàng.

Theo luật sư, việc đạo nhái thương hiệu thời gian gần đây xuất phát từ những nguyên nào?

Luật sư Trần Đức Phượng: Về nguyên nhân, do kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều sản phẩm được hình thành (từ dự án nhà ở và cá nhân phân lô)… nên các hình thức bán, chuyển nhượng được thực hiện qua bên môi giới. Mặt khác, chính các chủ đầu tư cũng không còn duy trì bộ máy bán hàng vì dự án mở bán nhanh chỉ trong vài đợt, thậm chí là trong một ngày. Từ đó, khoảng 10 năm nay, công việc của môi giới bất động sản hình thành khá đông đảo với nhiều công ty và môi giới tham gia hoạt động.

Nếu nhìn nhận sự bùng nổ của môi giới bất động sản có lẽ là do xuất hiện việc phân lô và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của các cá nhân và hiện tượng công ty đầu tư nhưng cho cá nhân đứng tên sổ. Các sản phẩm này được đưa sang các công ty môi giới để giới thiệu, phân phối. Trong khi đó, các công ty môi giới tuyển mộ nhiều nhân viên hoạt động theo hình thức ký hợp đồng hợp tác ăn chia khi giao dịch thành công, mối quan hệ khá lỏng lẻo, gọi là nhân viên công ty nhưng không có hợp đồng lao động, không được trả lương.

Thị trường bất động sản phía Nam phát triển sôi động trong mấy năm vừa qua, kéo theo nhiều doanh nghiệp, sàn môi giới mới được thành lập. Từ đây, cũng có nhiều người tham gia vào lĩnh vực môi giới và thành lập công ty bất động sản. Vậy theo ông, động cơ nào đã khiến các doanh nghiệp, nhân viên môi giới nhái thương hiệu bất động sản uy tín?

Luật sư Trần Đức Phượng: Do áp lực hưởng tiền theo từng giao dịch thành công và mức độ cạnh tranh hiện nay rất lớn nên nhiều môi giới bất chấp nhận họ là nhân viên của doanh nghiệp lớn hoặc xuyên tạc luôn dự án của họ đang phân phối thành một dự án mới, gây nhầm lẫn hay ngộ nhận với một dự án có tiếng khác.

Để đạt được ngay kết quả kinh doanh, nhiều công ty môi giới bất chấp nên đã cố ý xây dựng một số hình thức (tên công ty, tên viết tắt, logo, tên dự án…) để thu hút, dẫn dụ được khách hiệu quả hơn. Trên thực tế, khi giao dịch trực tiếp với khách hàng hoặc các hình thức như nhắn tin, gửi thư thì họ không ngại nhận luôn là doanh nghiệp lớn khác.

Ở góc nhìn của tôi, những người điều hành ở doanh nghiệp này có những người trưởng thành từ môi giới và thành lập doanh nghiệp để kinh doanh nên họ nắm bắt rất rõ tình hình thị trường, đồng thời tổ chức những "chiêu trò" có kịch bản cùng nhiều nhân viên gây bức xúc, thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp mà họ cố ý gây nhầm lẫn.

Dù đã phát đi những thông báo về việc bị đạo nhái, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các doanh nghiệp, sàn môi giới mới thành lập vẫn lợi dụng tên tuổi của các "ông lớn" để bán các dự án. Về góc độ cá nhân, luật sư cũng đã tiếp xúc, giải quyết những vụ việc này, vậy doanh nghiệp cần phải làm gì để bảo vệ thương hiệu của mình?

Luật sư Trần Đức Phượng: Với mỗi doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường, vấn đề bảo vệ thương hiệu đã được đặt ra từ trước đây.  Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận trong tình hình mới và phải đi trước khi nó xảy ra để có biện pháp tối ưu. Hiện nay, nhái thương hiệu không còn là việc gây nhầm lẫn ở mức độ nhân viên, con người riêng lẻ mà đã phát triển thành tổ chức với các kịch bản được tính toán trước, do đó sẽ gây tổn thất lớn, chi phí cho doanh nghiệp bảo vệ cũng sẽ nhiều hơn.

Để bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp cần phải hiểu kỹ về nguyên nhân, hình thức, chủ thể vi phạm, tình hình đang xảy ra từ đó vận dụng các quy định pháp luật để bảo vệ cho mình. Hiện nay, doanh nghiệp không đơn thuần việc đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ mà còn cần đến tổ chức thực hiện việc bảo vệ thông qua nhân viên chuyên trách kết hợp với các luật sư tư vấn. Sau đó, bằng việc phát hiện và củng cố hồ sơ để gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý, khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa.

Một trong những vấn đề khác doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đó là yêu cầu bồi thường thiệt hại để có hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu, các đối tượng vi phạm sẽ e dè hơn khi có ý định xâm phạm đến doanh nghiệp. Theo Luật sở hữu trí tuệ, trong các vụ kiện được tòa án phân xử và chấp nhận thì bên vi phạm phải chịu các chi phí cho luật sư của nguyên đơn, đây cũng là một trong các quy định để doanh nghiệp vận dụng và gia tăng vụ việc để bảo vệ mình. Ngoài ra, trong diễn biến hiện nay thì có thể phải khởi kiện các vụ về cạnh tranh không lành mạnh để giải quyết đúng vấn đề, đầy đủ và triệt để hơn.

Đây là công việc phát sinh đang cần phải giải quyết và cũng là một gánh nặng đối với doanh nghiệp về nhân lực và chi phí, tuy nhiên thông qua vài vụ việc xử lý cụ thể thì doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tốt hơn, đối tượng vi phạm cũng sợ với quyết tâm của doanh nghiệp, sự bảo vệ khách hàng của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua cũng có một số vụ việc mà doanh nghiệp yêu cầu thay đổi tên doanh ngiệp, nhãn hiệu hàng hóa... được xét xử tại tòa án, đây là những tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp sẽ quyết liệt hơn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.

Pháp luật cũng đã có những quy định, luật liên quan đến việc nhái thương hiệu. Thế nhưng, hiện nay có nhiều vụ việc xảy ra vẫn chưa thể xử lý triệt để. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong việc này thưa ông?

Luật sư Trần Đức Phượng: Pháp luật cũng đã có những chế tài xử lý cụ thể về quảng cáo không đúng, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa… thế nhưng, do nhiều nguyên nhân nên trong lĩnh vực bất động sản rất ít vụ việc được xử lý. Đây là một trong những nghịch lý khi vật lưu chuyển ngoài thị trường thì xử lý được nhưng bất động sản (không di dời) thì lại ít được xử lý.

Theo tôi, nguyên nhân chính là từ phía các cơ quan nhà nước khi nhiều cơ quan cùng quản lý theo ngành ngang và địa phương quản lý nhưng ít được quan tâm xem xét. Để giải quyết về vấn đề này thì lãnh đạo của ban ngành và địa phương cần có sự thay đổi để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tránh tình trạng bất ổn.

Đối với doanh nghiệp, khi có những vụ việc xâm phạm đến quyền lợi của mình, ngoài phương thức chọn tòa án để phân xử thì doanh nghiệp cũng vẫn có thể lập hồ sơ chuyển đến các cơ quan hành chính Nhà nước để xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các hành vi đối với các dự án ma.

Xin cám ơn ông!

Theo Nguyên Vũ (thực hiện)

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên