Doanh nghiệp bất động sản: "Muốn lên tàu thì phải mua vé, bỏ đi những thứ rườm rà, mạnh dạn cắt bỏ nợ xấu"
Ảnh minh họa.
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, tới đây, thị trường bất động sản bước lên giai đoạn mới, trưởng thành hơn. Do đó, các doanh nghiệp "muốn lên tàu thì phải mua vé, phải biết bỏ đi những thứ rườm rà, không cho mình lên tàu. Mạnh dạn cắt bỏ nợ xấu, những sản phẩm biết chắc không triển khai được".
- 10-03-2023Nhiều doanh nghiệp bất động sản "sức khỏe" yếu nhưng lại muốn phát hành trái phiếu lớn để "ôm" dự án
- 10-03-2023Không ít nhà đầu tư F0 “đứng ngồi không yên” trước làn sóng chiết khấu, giảm giá của chủ đầu tư tới 40%
Chia sẻ tại một diễn dàn bất động sản được tổ chức ở Hà Nội mới đây, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Cứ 10 năm một lần, thị trường bất động sản trưởng thành hơn. Thị trường đã tài chính hóa thay vì tập trung hóa".
Ông Chung cho rằng, tới đây, chúng ta bước lên giai đoạn mới, thị trường bất động sản trưởng thành, loại đi một số và tiếp nhận một số mới.
"Một con tàu mới khởi hành thì bắt buộc phải lên tàu, thì mới tới được đích. Nhưng lên tàu phải có vé, hàng hóa đủ đúng quy định của toa tàu và quan trọng là phải dám bước lên.
Đối với các doanh nghiệp, muốn lên tàu thì phải mua vé, phải biết bỏ đi những thứ rườm rà, không cho mình lên tàu. Mạnh dạn cắt bỏ nợ xấu, những sản phẩm biết chắc không triển khai được. Mặc dù đau nhưng phải cắt bỏ. Phải tin tưởng giai đoạn tới khốc liệt hơn nhưng thành công cũng cao hơn", ông Chung nói.
Cũng chia sẻ tại diễn đàn, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, một vấn đề nóng của thị trường đó là tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
"Con số 65% hay 70% vướng mắc pháp lý hiện nay đều là con số lớn. Nói đến thể chế là nói đến vai trò của Nhà nước, mà trước hết là vai trò dẫn dắt, tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp và căn cứ vào đó, Nhà nước thể hiện vai trò kiểm tra, giám sát", ông Chiến nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản có lẽ còn tiếp tục kéo dài một thời gian nữa. Sở dĩ như vậy là vì hiện nay Chính phủ đang tập trung xử lý để có thể trình Quốc hội Nghị quyết về ba luật liên quan rất thiết thực đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng thông qua tại kỳ họp thứ VI.
Nếu không có vấn đề gì, 6 tháng sau các luật này sẽ có hiệu lực. Liệu trong thời gian đó, các cơ quan chức năng có kịp thời ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn, nhằm đưa luật vào thực tiễn? Vậy nên chúng ta phải xác định đây là việc lâu dài chứ không thể xong ngay. Tuy nhiên, Chính phủ đang rất tích cực tháo gỡ cho thị trường bất đông sản.
"Trên hết chúng ta phải có niềm tin ở tương lai. Chúng ta tin vào quy luật phát triển của thị trường bất động sản sẽ phải có lúc đi lên, có lúc đi xuống và ngay trong lúc đi xuống cũng có những điểm sáng.
Tự thân doanh nghiệp cũng phải bắt đầu cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với điều kiện của thị trường và doanh nghiệp. Đặc biệt trong năm 2023, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là phân khúc có nhu cầu lớn. Phát triển được phân khúc này, chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được bài toán đầu ra", ông Chiến nói.
Nhịp sống thị trường