Doanh nghiệp bất động sản nói gì trước thông tin thanh tra của Bộ Xây dựng?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 của Thanh tra Bộ. Trước thông tin dự án của các doanh nghiệp này đầu tư sẽ được tiến hành thanh tra trong năm 2019, nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại.
Năm 2019, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ triển khai 90 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý quy hoạch; các công trình, dự án giao thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; các công trình dân dụng công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản…
Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng như: Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội, Tổng công ty MBLand, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, Công ty Cổ phần đầu tư LDG, Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín…
Trước thông tin dự án của các doanh nghiệp này đầu tư sẽ được tiến hành thanh tra trong năm 2019, nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại. Tuy nhiên, đây thực chất là đợt thanh tra thường niên của Bộ Xây dựng và được giao cho Chánh Thanh tra Bộ tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan, định kỳ báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ theo quy định.
Là một trong số những đơn vị nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2019, đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết: "Kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ Xây dựng vừa phê duyệt là kế hoạch thanh tra định kỳ hàng năm, nhưng dư luận lại có cách nhìn chưa đúng về kế hoạch này. Nhiều người cho rằng doanh nghiệp này bị “sờ gáy”, doanh nghiệp kia bị “xử lý”…Những điều đó gây sự phản cảm, không đúng với bản chất của công tác thanh tra định kỳ".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group cho biết: "Việc thanh tra của Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra các dự án là hoạt động hết sức bình thường. Đây là việc thanh tra thường niên đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đối với LDG Group, các dự án nằm trong danh mục thanh tra hoàn toàn đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định và không có điều gì đáng lo ngại".
Ông Khang cũng cho biết, các dự án do doanh nghiệp đầu tư đều tiến hành theo đúng quy định của Bộ Xây dựng việc thanh tra sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng khi mua sản phẩm tại các dự án này. Công ty luôn đảm bảo sự minh bạch và uy tín với khách hàng. Thông tin này cũng không gây ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều khách hàng không nắm rõ nên hiểu sai về thông tin này. Ngoài ra, ông cũng cho biết các hoạt động thanh tra này sẽ có lợi cho khách hàng vì sẽ thúc đẩy các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
Được biết, để hiểu một cách chính xác về kế hoạch thanh tra hàng năm của Bộ Xây dựng cũng như nhiều Bộ, Ngành khác thì cần biết rằng việc lập kế hoạch thanh tra hàng năm là được quy định trong Luật Thanh tra. Các cơ quan thanh tra phải lập kế hoạch thanh tra để trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ký theo thời gian quy định đối với từng cấp trong hệ thống thanh tra Nhà nước.
Trước khi lập kế hoạch thanh tra thì cơ quan tranh tra phải gửi bằng văn bản tới các đối tượng dự kiến thanh tra và nêu rõ các dự án cần được thanh tra. Sau khi các đối tượng thanh tra gửi ý kiến về cơ quan thanh tra thì cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm tổng hợp dự kiến kế hoạch thanh tra.
Dự kiến kế hoạch thanh tra sẽ được xin ý kiến của thanh tra các Bộ, Ngành liên quan, Kiểm toán Nhà nước để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra. Và cuối cùng là Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra đối với thanh tra các Bộ, Ngành. Kế hoạch thanh tra phải được công bố rộng rãi và gửi trực tiếp đến các đối tượng được thanh tra trong kế hoạch được duyệt. Nói như vậy để thấy rằng, các đối tượng thanh tra đã biết trước, đã thỏa thuận về kế hoạch thanh tra chứ không phải là "sờ gáy", "xử lý" như dư luận đã nêu.