Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng rầm rộ huy động vốn
Trong tháng đầu tiên của năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản giữ vị trí quán quân trên thị trường phát hành trái phiếu với giá trị đạt 14.470 tỷ đồng.
- 15-02-2022Truy tìm giám đốc doanh nghiệp BĐS “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hàng chục tỉ đồng
- 15-02-2022Giá chung cư Hà Nội và TP.HCM tăng trong tháng đầu năm 2022
- 15-02-2022Hà Nội lập tổ công tác rà soát quy hoạch, quỹ đất phát triển nhà ở
Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 1/2022, bất động sản và xây dựng hiện là hai nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 14.470 tỷ đồng và 7.130 tỷ đồng, chiếm 55,8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng.
Trong đó, nhóm ngành bất động sản, CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhất với 3.930 tỷ đồng với kỳ hạn 1 năm, CTCP Phát triển Đất Việt có khối lượng phát hành lớn thứ hai với 1.600 tỷ đồng, với mức trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Còn trong nhóm ngành Xây dựng, CTCP Xây dựng Minh Trường Phú và CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải lần lượt phát hành 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng, cả 2 mã trái phiếu đều có kỳ hạn 1 năm.
Nhìn chung toàn thị trường, trong tháng 1 vừa qua đã có tổng cộng 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 25.923 tỷ đồng. Con số này sụt giảm mạnh so với tháng 12/2021 khi có tới tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 65.757 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 12/2021, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Sau đó, phía Ngân hàng Nhà Nước cũng đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/1/2022. Trong đó, các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng. Ngoài ra, Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nợ xấu dưới 3%.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Trước việc dòng vốn đổ vào bất động sản bị siết chặt, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định rằng, việc Chính phủ siết chặt tín dụng đổ vào bất động sản sẽ tạo khó khăn cho thị trường.
“Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, có thể thấy, việc đó lại có lợi cho thị trường khi mà siết chặt tín dụng nhiều chủ đầu tư đang “găm” đất, dự án phải “nhả” ra - đưa hàng hóa vào thị trường để tạo ra thanh khoản, hút vốn về.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ FDI, nguồn vốn kiều hối đổ vào thị trường BĐS tăng. Cho nên, tôi đánh giá nguồn vốn thị trường bất động sản không phải vấn đề nghiêm trọng trong năm 2022”, ông Đính cho biết.