MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bia, nước ngọt lo bị sốc?

12-07-2024 - 09:43 AM | Doanh nghiệp

Đề xuất tăng lên 100% thuế tiêu thụ đặc biệt khiến ngành rượu bia lo ngại khó chồng khó. Các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường cũng lo trở tay không kịp. Chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh sốc cho doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Trở tay không kịp?

Hôm nay (11/7), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trình bày tóm tắt dự thảo, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế VCCI chỉ ra một số điểm đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030.

Nước giải khát có đường được đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Thuốc lá điếu, sợi, xì gà, thuốc lào cũng nằm trong nhóm có thể bị điều chỉnh tăng thuế .

Doanh nghiệp bia, nước ngọt lo bị sốc?- Ảnh 1.

VCCI tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia góp ý hoàn thiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong dự thảo lần này, ngành đồ uống có 2 đề xuất liên quan và tác động lớn, là nước giải khát có đường và rượu bia.

Với đồ uống có đường, theo bà Vân Anh, việc áp thuế khó khả thi trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, do sản phẩm này không phải nguyên nhân chính và duy nhất.

Nếu nước giải khát có đường bị áp thuế, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ các loại thực phẩm, đồ uống có đường và calo cao khác trên thị trường. Các sản phẩm sản xuất thủ công như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về (như trà sữa, cà phê mang đi) là phân khúc khó khả thi để thu thuế và quản lý chất lượng.

Theo đó, VBA đề xuất không bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt .

Đại diện Tân Hiệp Phát, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư 300 triệu USD cho các dây chuyền, kế hoạch dài hạn về thuê đất, xây nhà xưởng, tuyển dụng công nhân… Nếu lập tức áp thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với nước giải khát có đường, doanh nghiệp không kịp ứng phó, điều chỉnh kế hoạch.

“Giá bán các sản phẩm trong ngành rất nhạy cảm, chỉ thay đổi 200 – 300 đồng/chai nước đã làm thay đổi tính cạnh tranh. Hiện, chúng tôi có 700.000 nhà phân phối, hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng trà cung ứng, nếu nước sản phẩm khó tiêu thụ, ảnh hưởng hệ thống là rất lớn”, ông Hưng nói.

Tăng trưởng âm

Điểm qua tình hình của các doanh nghiệp trong ngành, bà Vân Anh cho biết, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường Việt Nam của Heineken ghi nhận sự sụt giảm tới hai con số. Từ năm 2021 đến nay, Sabeco tăng trưởng âm cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Habeco giảm 30% sản lượng tiêu thụ âm so với năm 2019, phải cắt giảm 25% lao động. Các doanh nghiệp đều ghi nhận sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, đã có nhà máy phải đóng cửa.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Heineken Việt Nam kiến nghị thuế suất đối với bia sẽ giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ ngày Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực. Sau đó, 3 năm tăng thuế một lần, không quá 3-5% mỗi lần.

Ông Phúc cho rằng, cần xem xét cẩn trọng việc tăng thuế ở thời điểm này, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau giai đoạn khó khăn. Các nhà máy bia có đóng góp quan trọng cho kinh tế nhiều địa phương, vùng.

Doanh nghiệp bia, nước ngọt lo bị sốc?- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp bia đều ghi nhận sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, đã có nhà máy phải đóng cửa (ảnh minh hoạ).

Với bia, rượu, trong bối cảnh khó khăn của ngành đã kéo dài từ năm 2020 đến nay, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị lùi thời hạn và giảm mức thuế, tối đa chỉ 80% vào năm 2031, thay vì 100% như dự kiến của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng được đề xuất kể trên cần đảm bảo minh bạch , công bằng, không để doanh nghiệp “gồng” quá sức.

TS Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) khuyến nghị, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý, đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Cơ quan soạn thảo cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, một số quốc gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt dẫn đến người dân chuyển sang các sản phẩm giá rẻ hơn, phi chính thức, dẫn đến thất thu thuế.

Theo Việt Linh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên