Doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội
Sau khi vượt "sóng dữ" COVID-19, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp dù gặp những thách thức mới nhưng vẫn tìm được giải pháp hiệu quả để giữ đà tăng trưởng, thậm chí là vươn ra "biển lớn".
- 22-01-2023Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023?
- 22-01-2023Đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Đương đầu sóng gió
Những ngày Tết cận kề, chị Đinh Thị Giang, công nhân tại Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc phòng) - một doanh nghiệp dệt may chuyên xuất khẩu đang hối hả cùng đồng nghiệp sản xuất đơn hàng cho dịp Tết và năm mới 2023. Các phân xưởng của nhà máy rộn rã tiếng máy móc hoạt động, công nhân tất bật hoàn thành công việc của mình. Chị Giang cho biết, chị rất vui mừng khi lãnh đạo công ty thông báo tiền thưởng Tết năm nay sẽ tăng hơn so với năm ngoái. “Kinh tế năm nay khó khăn mà chúng tôi vẫn có công việc đều, thưởng Tết cao hơn năm ngoái nên ai cũng rất phấn hởi, hăng say làm việc”, chị Giang vui mừng chia sẻ.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 cho biết, năm 2022 doanh nghiệp gặp không ít khó khăn với những bất lợi của tình hình thế giới khiến nguồn cung nguyên liệu bị ảnh hưởng, có thời điểm bị đứt gãy, thậm chí bị giảm doanh thu tại một vài thị trường. “Với nỗ lực của toàn thể người lao động, cán bộ công nhân viên, công ty đã duy trì mức tăng trưởng trên 20% so với năm 2021. Mức thưởng Tết 2022 bình quân 2,2 tháng lương/người, tăng hơn so với năm ngoái”, ông Lê Văn Chiến cho biết.
Ông Chiến cho biết, để có được những thành quả đó, ngay từ cuối năm 2021, doanh nghiệp đã làm việc với các bạn hàng lớn để triển khai kế hoạch kinh doanh. Dự kiến năm 2023, nền kinh tế sẽ có nhiều khó khăn, sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp là châu Âu và Mỹ sẽ giảm. Tuy nhiên, từ tháng 9, Công ty Z76 đã đàm phán đơn hàng mới và hiện doanh nghiệp đang triển khai đơn hàng cho quý 1/2023. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và để hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, công ty đang tích cực tìm kiếm đối tác cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hoá cao nhất.
“Đồng thời, doanh nghiệp cũng tìm kiếm thêm khách hàng ở nhiều nơi. Hiện có thêm 3 khách hàng nữa muốn đặt hàng, chúng tôi đã xuất thử lô hàng đầu tiên, hi vọng năm 2023 sẽ có nhiều khởi sắc”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Công nhân tại nhà máy Z76.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho biết, năm 2022 là một năm đầy biến động với doạnh nghiệp ngành may nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022, doanh thu của May 10 vẫn tăng trưởng so với năm 2021. Đến quý 3/2022, doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng (vượt 42% so với cùng kỳ 2021); tạo việc làm cho gần 12.000 lao động, thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng; đóng góp xã hội, từ thiện hàng tỷ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm để “vượt sóng” thành công trong năm 2022, ông Việt cho biết, doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng uy tín trong chuỗi dệt may, khai thác tối đa thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do.
Công ty đã “chuyển mình” khi chấp nhận đơn hàng thời trang đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn... Tuy vậy, chi phí để “nuôi” một xưởng may có 300 lao động may thô, máy móc tiên tiến lên tới khoảng 10 triệu USD là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp.
Ông Việt nhận định, quý 1/2023 và có thể kéo dài sang quý 2/2023 sẽ là giai đoạn khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành may mặc nên công ty sẽ triển khai nhiều giải pháp để giữ chân 12.000 lao động tại 18 nhà máy vì tuyển được người may khéo léo, trình độ tốt là điều không đơn giản.
Vươn ra biển lớn
Không chỉ “vượt sóng” thành công, mà trong năm 2022, không ít doanh nghiệp Việt đã “vươn ra biển lớn”. Sự kiện VinFast xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế vào tháng 11 vừa qua được đánh giá dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thành quả bước đầu sau 5 năm của VinFast đã mở ra kỷ nguyên xe ô tô điện tại Việt Nam, đủ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành ô tô thế giới.
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN.
Cùng với đó, năm 2022 cũng được đánh giá là năm thành công của xuất khẩu cá tra. Từ con cá bán ở chợ quê, cá tra vươn mình thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của đất nước. Vượt qua bao thăng trầm, đến nay cá tra đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại giá trị hàng tỉ USD cho nước nhà. Năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỉ USD - kỷ lục lịch sử của ngành hàng.
Mặc dù có những kết quả tích cực trong năm 2022, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế, đồng thời cần xem xét lại vai trò của nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển.
Báo Tin tức