Doanh nghiệp cá tra tiếp tục lãi lớn trong quý I
Nhờ giá bán thuận lợi, biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp tăng cao và giúp các công ty này tiếp tục lãi lớn trong quý I.
Quý I/2019 tiếp tục là mùa báo cáo lợi nhuận tích cực với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh cá tra. Nhiều công ty công bố lãi tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm trước nhờ sự thuận lợi chung của toàn ngành.
Biên lợi nhuận gộp lên cao, nhiều doanh nghiệp lãi bằng lần
Với Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) hơn 307 tỷ đồng trong quý I, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này của Vĩnh Hoàn là do giá bán các sản phẩm cao hơn cùng kỳ, giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 14% lên đến 24%.
Năm ngoái, Vĩnh Hoàn đã lập kỷ lục lợi nhuận với con số lên đến 1.442 tỷ đồng. Các thị trường lớn vẫn được công ty duy trì và phát triển. Tỷ lệ xuất khẩu vào Mỹ, một thị trường có biên lợi nhuận rất cao của Vĩnh Hoàn tăng từ 40% lên 50% trong năm 2018. Ngoài ra, doanh nghiệp cá tra đầu ngành của Việt Nam còn là nhà cung cấp lớn thứ 3 tại Trung Quốc với thị phần 9%, tập trung ở phân khúc cao cấp.
Năm 2019, Vĩnh Hoàn tiếp tục hưởng lợi từ các thị trường lớn khi công ty vẫn hưởng thuế suất 0% tại Mỹ dù kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 14 (POR14) không được như mong đợi với nhiều doanh nghiệp khác. Cùng với đó, thuế thủy sản vào thị trường châu Âu (EU) sẽ được giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm sẽ là điều kiện để công ty tăng xuất khẩu vào thị trường này (xuất khẩu tại EU quý I tăng 40%).
Vĩnh Hoàn dẫn đầu xuất khẩu cá tra trong quý I. Nguồn VHC.
CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) đang vươn lên mạnh mẽ khi quyết liệt thoái vốn ngoài ngành và đầu tư cho con cá tra. Sau khi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 600 tỷ năm 2018, Nam Việt tiếp tục báo lãi quý I hơn 200 tỷ đồng, tăng 136% nhờ vào tăng trưởng từ các thị trường hiện hữu và chi phí nguyên liệu đầu vào thấp.
Đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp công ty cải thiện mạnh từ 17% trong quý I/2018 lên 30,5% trong quý I/2019. Biên lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 9,3% lên 22%.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh từ thị trường châu Âu (tăng 90%) và các nước ASEAN (tăng 24%). Đây cũng là 2 thị trường lớn nhất chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu trong quý I.
Các thị trường xuất khẩu của Nam Việt. Nguồn ANV.
Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) dù không có quy mô và thị phần lớn như VHC, ANV nhưng cũng có hiệu quả kinh doanh rất cao. Năm ngoái, ACL ghi nhận LNST kỷ lục 230 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2017.
Quý I năm nay, doanh thu của công ty tăng 34% lên 445 tỷ đồng. Tuy nhiên, LNST thu về hơn 54 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ năm 2018. Biên lợi nhuận gộp tăng cao cộng thêm các chi phí không biến động nhiều là yếu tố chính giúp công ty đạt kết quả trên.
Doanh nghiệp cá tra này đã dịch chuyển cơ cấu bán hàng với nhiều phân khúc khác nhau tại nhiều thị trường. Công ty còn chính thức là nhà cung cấp cho siêu thị Walmart, đạt thị phần lớn tại nhiều thị trường truyền thống như Nam Mỹ, Trung Đông,… và thâm nhập sâu vào thị trường châu Á (doanh số tại Trung Quốc tăng 27% năm 2018).
Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng lên 20% trong quý I, nhờ đó công ty báo lãi hơn 11 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2018, công ty lãi gần 67 tỷ đồng, tăng 135% so với 2017.
Công ty thành viên của The PAN Group này không xuất cá tra sang Mỹ mà chỉ tập trung tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu vì đây là những thị trường bền vững và có biên độ lợi nhuận tốt hơn. Lãnh đạo doanh nghiệp hướng tới phát triển chu trình khép kín, từ giống, nuôi và chế biến cá tra, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao hướng tới tiêu thụ ở các thị trường khó tính. Công ty chủ trương cạnh tranh bằng chất lượng, không cạnh tranh bằng giá.
Một số doanh nghiệp khác cũng có kết quả khả quan trong quý I như Camimex Group (HoSE: CMX) báo lãi 24 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng nhờ biên lợi nhuận gộp tăng lên 24% và nguồn thu thanh lý tài sản đột biến. Ngay cả Hùng Vương (HoSE: HVG) cũng bất ngờ báo lãi 6 tỷ đồng trong quý II (1/1-31/3) trong khi cùng kỳ vẫn còn lỗ 387 tỷ đồng.
Xuất khẩu cá tra quý I tăng 7,8%
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 3, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn thị trường xuất khẩu lớn nhất lần lượt là Trung Quốc – Hong Kong, EU, Mỹ và ASEAN.
Bốn thị trường xuất khẩu chính của cá tra Việt Nam. Nguồn VDSC.
Tính đến hết tháng 3, xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 55,17 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá trị xuất khẩu sang Thái Lan tăng 6,5%; Philippines tăng 40,6% và Malaysia tăng 70,9%.
Hiện nay, thuế đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh đang ở mức 0% theo ASEAN (ATIGA); ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).
Theo một báo cáo của chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường EU đã tăng mạnh 76% trong quý I nhờ nhu cầu thủy sản lớn hơn và ảnh hưởng từ Brexit. VDSC nhận định triển vọng xuất khẩu cá tra tại thị trường này thời gian tới vẫn giữ xu hướng tăng nhưng không còn mạnh như trong quý I bởi Brexit mới được dời hạn chót đến 31/10.
Thị trường Mỹ giảm 5% trong quý I do tồn kho cao từ cuối năm 2018 khi các nhà nhập khẩu Mỹ chạy đua nhập hàng thủy sản Trung Quốc trước thời điểm đánh thuế của chiến tranh thương mại. Hiện Mỹ đã có kế hoạch tăng thuế lên 25% với hàng thủy sản Trung Quốc cộng với kết quả POR14 dù không như mong đợi nhưng vẫn thấp hơn POR13 là yếu tố mà VDSC cho rằng thị trường này sẽ đạt mức tăng trưởng dương các tháng còn lại.
Thị trường Trung Quốc – Hong Kong lần đầu tiên sụt giảm 2% trong quý I do mức giảm 13% trong tháng 3. Các diễn biến thị trường này thời gian tới sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có áp thuế 25% lên sản phẩm cá rô hay không, cá tra Việt Nam theo đó có thể phải cạnh tranh gay gắt với cá rô nội địa của Trung Quốc.
NDH