Doanh nghiệp cần vốn ngay lập tức nhưng... khó
Các doanh nghiệp Tây Nguyên có đặc thù riêng khi tham gia sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đặc trưng của ngành nông nghiệp. Những ngành hàng này mang tính thời vụ, doanh nghiệp cần vốn ngay lập tức, nhưng tiếp cận không dễ.
- 16-03-2023Doanh nghiệp nêu loạt khó khăn tiếp cận vốn vay ngân hàng
- 20-09-2022Phục hồi phát triển sản xuất, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
- 08-05-2022Nhịp sống trở lại nhờ dòng vốn vay
Chiều 20/10, tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk.
Hội nghị này rất quan trọng để ngành ngân hàng lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp.
Bà Huỳnh Thị Thùy Trâm - Giám đốc Công ty JFT Việt Nam tại Lâm Đồng - cho biết, doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu hoa. Đây là mặt hàng đòi hỏi nhu cầu về vốn đầu tư rất cao , nhất là hệ thống nhà lưới, nhà kính để sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận vốn còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp, người dân muốn tiếp cận nguồn vốn thông qua thế chấp tài sản trên đất. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn theo kênh này không dễ. Điều này đã hạn chế nhu cầu mở rộng quy mô, sản xuất của mặt hàng này.
Bà Trâm thông tin thêm, vấn đề doanh nghiệp quan tâm nữa là bảo hiểm tài sản trên đất. Bà Trâm có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới và thấy có triển khai gói bảo hiểm tài sản trên đất, phòng các tình huống bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh… gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Khi có gói bảo hiểm trên, người dân, doanh nghiệp sẽ có ngay vốn để sớm phục hồi sản xuất.
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Cty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp, Gia Lai - chia sẻ, doanh nghiệp đứng top đầu trong xuất khẩu cà phê. Ngành hàng này có tính đặc thù, mang tính thời vụ cao. Vào mùa vụ, doanh nghiệp rất cần vốn và cần rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp muốn được giải ngân vốn ngay để đáp ứng hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu. Do đó, bà Anh kiến nghị phía ngân hàng cần phải có chính sách nới rộng theo tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
“Cho vay về dòng tiền thì mình phải thu hợp đồng ngoài hoặc là hàng hóa. Chứ hiện nay đối với chính sách cho vay bằng tài sản thế chấp, bằng bất động sản không phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu”, bà Anh cho hay.
Tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết, tiếp cận vốn tín dụng là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các Ngân hàng thương mại quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất. Ngân hàng Nhà nước tích cực chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh gia tăng mở rộng tín dụng để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn do tác động kép của nền kinh tế trong nước, thế giới, những khó khăn do dịch COVID-19 để lại.
Qua hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện khá đầy đủ nền kinh tế đặc thù của Tây Nguyên; cũng như tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp việc cần có chính sách vay vốn phù hợp với ngành hàng thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, điều… Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các Ngân hàng thương mại nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp, đảm bảo vốn để doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
“Cây công nghiệp và một số mặt hàng có tính thời vụ nên doanh nghiệp rất cần vốn và cần rất nhanh. Khi không có thời vụ, người vay sẽ trả lại vốn vay đó. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải rất sát sao, nắm được xu hướng, tính hiệu quả và mức thành công của mùa vụ để có chính sách cung cấp vốn kịp thời. Như vậy sẽ không có tình trạng doanh nghiệp mất cơ hội trong chế biến, thu mua, xuất khẩu, tránh trường hợp bị thua thiệt với các doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà…”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ.
Tiền phong