Doanh nghiệp chật vật vì bị trễ hoàn hàng nghìn tỷ VAT
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) được triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) hồi phục sau dịch COVID-19 đã lâu, nhưng đến nay DN cho biết, vẫn chưa thể nhận được số tiền hoàn thuế. Nguyên nhân có sự chậm trễ, lúng túng của cơ quan chức năng. Trong lúc khó khăn do giảm sút đơn hàng, việc được chậm hoàn thuế càng khiến DN thêm chật vật khi bị kẹt hàng chục đến cả nghìn tỷ đồng.
- 22-12-2022Quà Tết khủng hút khách
- 22-12-2022Bí quyết nào giúp Thái Lan bỏ xa Việt Nam về đón khách quốc tế?
- 22-12-2022Gạo Thái Lan nỗ lực tìm lại vị thế
Bị “giam” hàng nghìn tỷ tiền hoàn thuế
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các DN xuất khẩu gỗ sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các DN sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như: dăm, ván bóc, ván ép, viên nén đang đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn lại VAT.
Theo quy định, thời gian hoàn VAT cho DN không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các DN không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5, thậm chí một số DN chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022.
Hàng trăm DN ngành gỗ đang “ngồi trên đống lửa” vì cơ quan thuế chậm hoàn cả nghìn tỷ đồng VAT
“Ước tính, lượng VAT mà các DN sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm DN hiện chưa được hoàn thuế. Có DN chưa được hoàn cả 200 tỷ đồng, nhiều DN chưa được hoàn 40-50 tỷ đồng. Thời gian chậm hoàn thuế dẫn đến một số DN kinh doanh khó khăn, phải dừng xuất khẩu; một số DN hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều DN sẽ phải đóng cửa”, ông Lập chia sẻ.
Theo đại diện Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc chậm hoàn thuế do cơ quan thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Do đó, những đơn vị này yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.
Cục thuế Lạng Sơn cho biết, đã phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc hoàn VAT. Để hỗ trợ DN xuất khẩu nông, lâm sản không phải ứng tiền để nộp VAT khi mua hàng hoá từ cơ sở chế biến nông, lâm sản, hải sản vừa ngăn chặn hành vi gian lận, trục lợi tiền hoàn VAT, Cục thuế Lạng Sơn kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét không áp dụng phải kê khai tính thuế đầu ra đối với nông sản, lâm sản, hải sản có nguồn gốc từ sản xuất trong nước đã qua chế biến khi bán cho cơ sở kinh doanh thương mại để xuất khẩu.
Cụ thể, khi các DN nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả hồ sơ, yêu cầu DN cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Thậm chí, chi cục thuế ở hầu hết các địa phương và chính quyền còn đi xác minh, diện tích rừng trồng là bao nhiêu, có hợp pháp không, có tranh chấp không; người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực, có đủ năng lực cung cấp hàng, gỗ có đủ tuổi để khai thác?
“Điều này không những mâu thuẫn với quy định của Bộ NN&PTNT về xác minh nguồn gốc lâm sản, mà còn làm ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra tâm lý lo sợ trong cộng đồng DN, dù việc hoàn thuế là chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn”, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, không chỉ các DN gỗ, hàng loạt DN khai thác, chế biến cao su, nhựa, sắn cũng phản ánh…đang gặp khó khăn về dòng tiền vì chưa được hoàn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thuế mỗi DN. Thậm chí nhiều DN đã đợi 1-2 năm vẫn chưa được hoàn lại VAT.
Ông Phạm Vũ Hà - Tổng thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp chế biến sắn chưa được hoàn khoảng 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là cơ quan thuế yêu cầu hồ sơ của DN phải có thông tin xác minh về khách hàng, người mua hàng từ Trung Quốc dẫn đến dừng hoàn VAT của DN xuất khẩu sắn.
“Quy định hiện nay về hoàn thuế giá trị gia tăng không có nội dung xác nhận thông tin của khách hàng nước ngoài, nhưng cơ quan thuế lại vẽ ra. DN cũng không có nghĩa vụ và năng lực xác minh nên không thể thực hiện”, ông Hà cho hay.
Ông Hà nhấn mạnh câu chuyện này đã kéo dài hơn 2 năm. Hiệp hội Sắn và các DN đã gửi kiến nghị lên Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã có 3 văn bản chỉ đạo nhưng đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa xử lý, khiến nhiều DN phát sinh nợ xấu với ngân hàng và đối mặt nguy cơ dừng hoạt động.
Ông Phạm Văn Thành, Thành viên HĐQT Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng cho biết, do chậm trễ của cơ quan thuế, hiện nay nhiều DN cao su bị “giam” từ 50 đến100 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 5 DN cao su lớn là thành viên Tập đoàn Cao su Việt Nam, số thuế chưa được hoàn đã vào khoảng 290 tỷ đồng. “Trong hoàn cảnh giá cao su xuất khẩu đang ở mức thấp, các DN lại đang phải gồng mình trả lãi vay, việc chậm hoàn thuế đang làm cho ngành cao su khó càng thêm khó”, ông Thành chia sẻ.
Ngừa rủi ro, lách thuế?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm hoàn thuế VAT xuất phát từ Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro về hoàn VAT. Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu việc kiểm tra hoàn thuế phải xác minh qua các khâu trung gian từ F1, F2, F3... đến khâu cuối cùng. Nếu các DN F1, F2, F3... không thuộc địa bàn quản lý, cục thuế làm công văn gửi cục thuế các địa phương có liên quan để rà soát, đối chiếu, xác minh đến khâu cuối cùng.
Tuy nhiên, theo các DN, việc xác minh DN F1, F2, F3 là không khả thi; không nên vì một nhóm nhỏ DN gian lận thuế mà “giam” tiền hoàn thuế của hàng nghìn DN chân chính, gây thiệt hại lớn cho cả cộng đồng.
Theo Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng Cục Thuế, đến ngày 14/12, cơ quan thuế ban hành gần 19.500 quyết định hoàn VAT với tổng số tiền hoàn là 142.384 tỷ đồng. Năm 2022, ngành Thuế thực hiện hơn 6.000 cuộc thanh tra, kiểm tra về hoá đơn, hoàn VAT. Tổng số thuế truy hoàn và phạt lên đến 630,8 tỷ đồng. Các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Thuế phối hợp đánh giá dữ liệu của 11.829 DN phát sinh đề nghị hoàn VAT (từ ngày 1/1/2018 đến hết 30/8/2021), xác định 70 DN có rủi ro cao về hoàn thuế. Sau khi xác định DN rủi ro cao, ngành Thuế triển khai biện pháp kiểm tra và phát hiện, xử lý nhiều vụ việc gian lận hoàn thuế VAT.
Về việc phản ánh của DN liên quan hồ sơ hoàn VAT tồn đọng lớn, thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế kiểm tra trước kéo dài, Tổng cục Thuế cho biết, đã chỉ đạo cục thuế địa phương bố trí đầy đủ nguồn lực, đôn đốc đơn vị trực thuộc triển khai kiểm tra hoàn thuế.
“Tổng cục Thuế đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra công tác hoàn thuế tại 5 cục thuế có số tiền hoàn lớn (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) để nắm bắt vướng mắc, hạn chế”, đại diện Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng Cục Thuế) cho biết.
Tiền Phong