MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp "chạy đua" lo Tết cho người lao động

Nhiều doanh nghiệp dệt may nỗ lực đảm bảo nguồn thu nhập cần thiết nhằm góp phần giữ chân người lai động.

Tình hình lạm phát tại các thị trường lớn đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như với ngành dệt may , lượng đơn hàng sụt giảm trong tháng 11 - 12 năm nay và có thể còn kéo dài đến nửa đầu năm sau.

Trong bối cảnh Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang tới gần, nhiều doanh nghiệp đã phải bố trí lại lực lượng lao động, với mong muốn đảm bảo nguồn thu nhập cần thiết, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần giữ chân họ, trong thời gian chờ đợi lượng đơn hàng phục hồi.

Gắn bó với một công ty may suốt 7 năm, chị Oanh (Công nhân Công ty May Tinh Lợi) cho biết, tình hình đơn hàng năm nay có ít đi nhưng công ty vẫn đảm bảo đủ thu nhập và thưởng Tết như mọi năm.

"Hội em vẫn được tăng ca 1 tiếng, vẫn có việc làm bình thường. Em không được tăng ca thì lương của em vẫn 8 - 9 triệu bình thường. Nếu được tăng ca có thể lên đến hơn 10 triệu", chị Vũ Thị Oanh chia sẻ.

Doanh nghiệp chạy đua lo Tết cho người lao động - Ảnh 1.

Doanh nghiệp dệt may đảm thu nhập cho người lao động dịp Tết. Ảnh minh họa.

Mọi năm, vào thời điểm quý IV này, thời gian làm việc của một người công nhân may là 54 tiếng/tuần, có nghĩa là 9 tiếng 1 ngày và làm việc cả ngày thứ 7. Tuy nhiên, năm nay, lượng đơn đặt hàng của doanh nghiệp có phần giảm nên thời gian làm việc chỉ còn 8 tiếng/ngày. Đại diện doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo đủ thu nhập và chính sách phúc lợi cho người lao động.

"Tết cổ truyền cuối năm công ty vẫn trả lương tháng thứ 13 cho người lao động và tất cả các khoản hỗ trợ khác, để người lao động đón một cái Tết an lành, hạnh phúc. Đến bây giờ chúng tôi đã có kế hoạch trả thưởng Tết cho người lao động, thường trả trước Tết Nguyên đán 10 - 15 ngày để công nhân có thời gian sắm Tết", ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc tài chính Công ty May Tinh Lợi cho hay.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho biết, nếu 9 tháng đầu năm, mức thu nhập bình quân của người lao động là 9,8 triệu đồng/tháng, tăng 12% so với năm ngoái. Với tình trạng đơn hàng như hiện nay, khả năng cả năm chỉ đạt mức lương bình quân 8,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo thu nhập cho người lao động dịp cuối năm.

"Trong Vinatex vẫn đảm bảo thu nhập và chăm lo Tết cho người lao động. Chúng tôi quyết định từ 10/12 - 10/1 tổ chức 6 hội chợ hàng hoá riêng cho người lao động trong tập đoàn, với mức giá đặc biệt ưu đãi. Về cơ bản, người lao động sẽ tiết kiệm 30 - 40% chi phí so với đi mua ở ngoài", ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho hay.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, đang triển khai nhiều giải pháp để mở rộng thị trường, phải kể đến như tìm kiếm khách hàng tại thị trường nội địa, hay là chấp nhận sản xuất những đơn hàng nhỏ lẻ nhằm duy trì hoạt động.

Theo PV

VTV.VN

Trở lên trên