Doanh nghiệp, chuyên gia hiến kế nâng hạn mức ví điện tử
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang lấy ý kiến cho sửa đổi dự thảo Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
Tuy nhiên, xung quanh dự thảo này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về các quy định đối với hạn mức giao dịch và số lượng ví điện tử (VĐT). Cụ thể, về hạn mức giao dịch, dự thảo quy định, tổng hạn mức giao dịch của một VĐT cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng. Tổng hạn mức giao dịch của một VĐT của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Đồng thời, dự thảo cũng quy định mỗi tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT chỉ được phép mở một VĐT cho một khách hàng.
Hạn mức chưa hợp lý
Trước đây nhiều năm, việc giao dịch qua VĐT chưa phổ biến. Thế nhưng, vài năm gần đây, số lượng người sử dụng VĐT ngày càng tăng, số lượng giao dịch qua VĐT có nơi còn tăng gấp 3 lần. “Nếu áp dụng hạn mức của cá nhân là 100 triệu đồng/tháng thì trong sắp tới có thể sẽ không phù hợp. Chúng tôi nghĩ nên tăng hạn mức này lên ít nhất 200 triệu đồng/tháng mới đáp ứng trước sự phát triển nhanh và mạnh của thị trường thanh toán”, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Công ty thanh toán MoMo chia sẻ.
Ông Huỳnh Trung Tín (Giám đốc Công ty du lịch ở TP.HCM) cho biết: “Trong bối cảnh phát triển của xu hướng thanh toán trực tuyến hiện tại, rất nhiều giao dịch đã có giá trị lên tới hàng chục triệu đồng. Tại công ty của tôi, mỗi ngày mỗi khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch như mua vé máy bay, mua tour hay đặt phòng… có giá trị vượt hạn mức được quy định…”. Vì vậy, hạn mức đưa ra theo như dự thảo sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc sử dụng VĐT để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử có giá trị tương đối lớn nói trên.
Kể cả khi không áp dụng hạn mức giao dịch theo ngày thì hạn mức 100 triệu đồng/tháng như đề xuất trong dự thảo cũng gây ra hạn chế và phiền toái không đáng có cho người sử dụng. Có thể nói, áp đặt hạn mức giao dịch VĐT như vậy sẽ làm hạn chế nhu cầu chi tiêu chính đáng của người tiêu dùng, cản trở doanh nghiệp VĐT cung cấp, mở rộng dịch vụ cho khách hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV), hạn mức 20 triệu đồng/ví/ngày có thể là hợp lý. Tuy nhiên, nên cân nhắc giới hạn 100 triệu đồng/tháng bởi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng nhanh, chi tiêu dùng rất lớn. Hơn nữa, ở mức 100 triệu đồng/tháng cũng chưa có nguy cơ cao về đánh bạc hay rửa tiền.
Phát biểu tại hội thảo góp ý Dự thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong tháng 5 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) cho rằng, cần đảm bảo quản lý của nhà nước nhưng không được tạo ra rào cản đối với sự phát triển nói chung.
Những quy định về sử dụng VĐT cần phải hợp lý để không tạo ra rào cản cho người dùng và sự phát triển chung
Cần giải pháp an toàn nhưng vẫn hợp lý với nhu cầu sử dụng ví
Trong khi đó, với đề xuất giải pháp linh hoạt hơn, ông Nguyễn Anh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, nên quy định hạn mức 100 triệu đồng/tháng là mặc định khi mở VĐT. Tuy nhiên, “khách hàng có nhu cầu thanh toán cao có thể chọn hạn mức cao hơn”.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị nâng hạn mức tháng của VĐT đối với cá nhân lên mức 150 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng/tháng. “Còn riêng với hạn mức của các doanh nghiệp đang là 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng thì ngay cả với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn mức như vậy cũng là quá thấp”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực đưa ra ý kiến về hạn mức giao dịch của ví điện tử
Theo quan điểm của đại diện VĐT MoMo, doanh nghiệp đề xuất không áp dụng việc giới hạn hạn mức với VĐT của doanh nghiệp bởi có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện chi trả hàng ngày cho rất nhiều đại lý, nhân viên, đối tác...
Trao đổi bên lề một hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, hạn mức 20 triệu đồng/ngày có thể được đề xuất bỏ. Tuy nhiên, mức 100 triệu đồng/tháng là ngưỡng cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Giới hạn này không chỉ liên quan đến việc tiêu dùng mà còn liên quan đến nhiều vấn đề trong đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán.
Ngoài ra, dự thảo còn quy định mỗi tổ chức cung ứng VĐT không được phép phát hành hơn một VĐT cho một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ tại Khoản 6a, Điều 9. Trong bản giải trình của NHNN về điều khoản này cho rằng, việc hạn chế số VĐT cho một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ là nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng mở ví tràn lan, dẫn đến dùng ví không thực chất. Bên cạnh đó, quy định này sẽ giúp ngăn chặn hành vi mở nhiều VĐT để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng quy định nên mở một ví cho một tổ chức cung ứng dịch vụ là phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn, việc hạn chế số ví của một khách hàng tại một tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT sẽ tạo hạn chế không hợp lý và không cần thiết. Khách hàng hoàn toàn có thể có nhiều tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản của mình để mở ví và quản lý chi phí cho người thân (bố mẹ, con cái...) phục vụ việc chi tiêu, mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
Qua đó thấy rằng, Dự thảo Thông tư 39 /2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán vẫn còn nhiều bất cập, cần được sửa đổi hoàn thiện hơn, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dùng và tiềm năng phát triển của ngành dịch vụ thanh toán điện tử .
Pháp luật TPHCM