Doanh nghiệp của các đại gia, tỷ phú đã đóng góp như thế nào vào công tác phòng chống Covid-19?
Tài trợ vaccine, hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến, bình ổn giá sản phẩm doanh nghiệp, tận dụng nguồn lực sẵn có để giảm tải cho hệ thống y tế,... là những phương án mà một vài doanh nghiệp lớn như Vingroup hay Công ty Ba Huân lựa chọn để cùng Chính phủ cũng như người dân có thể vượt qua đại dịch Covid-19.
- 07-08-2021Vì sao Hà Nội phải kéo dài thời gian giãn cách thêm 15 ngày?
- 07-08-2021Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đàm phán mua vaccine cho 4 hiệp hội doanh nghiệp
- 06-08-2021Giải mã hiện tượng ngay trong đại dịch Covid-19, số triệu phú USD mới nhiều hơn bao giờ hết
1. Vingroup – Xây dựng nhà máy sản xuất vaccine
Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022.
Theo đó, Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ đặt nhà máy sản xuất vaccine tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất 200 triệu liều mỗi năm. Công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành, việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11/2021.
Ngoài sản xuất vaccine, Vingroup cũng tài trợ cho nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19
Ngoài sản xuất vaccine, Vingroup cũng tài trợ cho nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19 thông qua việc sản xuất và tài trợ máy thở, tài trợ nghiên cứu vaccine, tài trợ các chuyến bay nhân đạo.
Vingroup đã triển khai sản xuất máy thở các loại (xâm nhập, không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Trong tháng 8/2020, tập đoàn đã tặng 3.000 máy thở Vsmart VFS - 410 và 200 máy thở xâm nhập VFS - 510 cho Bộ Y tế.
Đầu năm 2021, Vingroup đã tài trợ 20 tỷ đồng cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC, thuộc Bộ Y tế) để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac phòng Covid-19.
Gần đây nhất, Vingroup cũng đã tài trợ 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị Covid-19 được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) Mỹ cấp phép sẽ về Việt Nam trong tháng 8/2021, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân Covid-19.
2. Công ty Ba Huân – Từ chối nâng giá vì người nghèo
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng nổ đã buộc Hà Nội, TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành tại phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm gia tăng.
Do giãn cách khiến việc vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm dẫn đến tình trạng thua lỗ. Trước tình hình đó, Sở Công Thương TP HCM đồng ý với chủ trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường.
Tổng giám đốc Công ty Ba Huân – bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá trứng vì người nghèo
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân – bà Ba Huân không đồng ý và từ chối đề nghị nâng giá. Theo bà Ba Huân, các doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu tăng giá khiến giá trứng sẽ biến động lên cao.
Được biết, Công ty Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu trứng mỗi ngày. Dù có tình trạng thiếu trứng cục bộ trong những ngày đầu giãn cách, hiện các hệ thống phân phối đã đáp ứng đủ nhu cầu người dân.
Theo Dân trí, tại buổi họp tìm cách tháo gỡ khó khăn trong cung ứng lương thực với UBND TP.HCM, nữ doanh nhân khẳng định: "Dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng".
3. CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của đại gia địa ốc Trương Mỹ Lan – Hỗ trợ xây bệnh viện dã chiến
Vào tháng 7, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là đơn vị tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng, cơ sở vật chất và trang thiết bị vật tư y tế cho bệnh viện dã chiến số 5 tại The Garden Mall (trước đây là Thuận Kiều Plaza).
Bệnh viện dã chiến số 5 gồm 3 tầng với tổng diện tích hơn 30.000 m2, quy mô gần 1.000 giường bệnh, chuyên tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 (F0) nhẹ hoặc không có triệu chứng.
The Garden Mall (trước đây là Thuận Kiều Plaza) được dùng để làm bệnh viện dã chiến
Các phân khu chức năng cơ bản gồm: khu điều hành, hành chính; khu tiếp nhận sàng lọc và phân loại người bệnh; khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm; khu chăm sóc, điều trị người bệnh ở mức độ nhẹ; khu chăm sóc đặc biệt; khu cung cấp thức ăn; khu tiếp nhận hàng hoá thân nhân; khu xử lý rác thải…
Ngoài ra, nơi này còn có buồng khử khuẩn di động được đặt tại khu tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc và phân loại người bệnh.
Bên cạnh đó, hai bệnh viện dã chiến khác bao gồm bệnh viện nằm trên đường Đào Trí (Quận 7) và bệnh viện dã chiến 9AB (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) với tổng quy mô giường bệnh lên tới 7.000 cũng đang được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư, thi công, dự kiến sẽ được bàn giao vào đầu tháng 8.
4. Doanh nhân Hồ Huy và Tập đoàn Mai Linh – Hỗ trợ đưa đón người dân và bệnh nhân trong thời gian giãn cách
Cũng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam đơn cử như TP HCM, nhu cầu vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến các cơ sở chữa bệnh luôn ở trong tình trạng quá tải, trong khi số lượng xe y tế chuyên dụng lại hạn chế đã gây ra rất nhiều khó khăn cho cả người dân lẫn bộ phận y tế.
Trước tình hình đó, Tập đoàn Mai Linh đã huy động khoảng 400 chiếc taxi phân bổ đều cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhằm phục vụ cho người dân trong các tình huống khẩn cấp: bệnh nhân bị chấn thương nặng cần đến bệnh viện, Trung tâm Y tế; bệnh nhân nhi, sản phụ, bệnh nhân lớn tuổi xuất viện mà không thể đi lại bằng phương tiện mô tô, xe máy.
Mai Linh đã trang bị những thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ vận chuyển cấp cứu, chuyển viện tại TP.HCM
Đặc biệt, hãng đã trang bị những thiết bị chuyên dụng để hỗ trợ vận chuyển cấp cứu, chuyển viện tại TP.HCM và hoạt động 24/24 giờ. Cụ thể, từ ngày 28/7 đến nay đã có 55 xe taxi trong tổng số 200 xe ở địa bàn TP HCM đã được hoán cải trở thành xe cấp cứu. Tất cả các xe đều có nhân viên y tế đi kèm và các trang thiết bị y tế cơ bản như: bình oxy, mask thở, máy đo SpO2, kit xét nghiệm nhanh, găng tay, hồ sơ bệnh nhân…
Bên cạnh đó, đội ngũ lái xe tham gia đội phản ứng nhanh được hướng dẫn đảm bảo 5K, trang bị đồ bảo hộ và tập huấn y tế, đồng thời được tiêm vaccine mũi 1 hoặc mũi 2 và đã có kinh nghiệm khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội trước đó.
Trong suốt thời gian từ khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện từ năm 2020 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 có lẽ là đợt dịch phức tạp nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt. Đây chỉ là những đóng góp của một vài doanh nghiệp lớn trong số rất nhiều doanh nghiệp đã góp sức để có thể giúp Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19.