Doanh nghiệp ĐBSCL ứng phó với các kịch bản của dịch Covid-19
Những ngành hàng thế mạnh của vùng ĐBSCL sẽ phát triển nhanh và đóng góp chung vào tăng trưởng của đất nước.
Tại Hội nghị Hội viên thường niên năm 2020, dành cho các doanh nghiệp 13 tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra ngày 7/7 tại Cần Thơ với chủ đề “Kinh tế Việt Nam sau Đại dịch Covid-19 – Kịch bản cho ĐBSCL và sự lựa chọn của doanh nghiệp”, các diễn giả đã phân tích đánh giá những tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các kịch bản cho kinh tế ĐBSCL.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cả nước đạt mức 1,81%. Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 5%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%.
Đối với vùng ĐBSCL, tổng sản phẩm GRDP của vùng tăng trưởng khoảng 2,08%. Trong đó, tăng trưởng quý 2 đạt 0,45%, cao hơn mức tăng trung bình cả nước, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các khách mời trao đổi về phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm có hơn 4.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Theo đánh giá, nền kinh tế còn tiếp tục ảnh hưởng trong những tháng cuối năm và những năm sắp tới.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Một số thị trường chủ lực bị giảm, trong đó trái cây giảm hơn 21%; cá tra giảm hơn 39%; tôm giảm 14,5%.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp, chế biến nông sản hiện đang tồn kho, hoạt động cầm chừng, trong khi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực du lịch, xây dựng, vận tải, logistics, may mặc và da giày vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh.
Với những ảnh hưởng trên, qua 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn của vùng ĐBSCL chỉ tăng 2,08%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Mặc dù trước những tiêu cực do khủng hoảng từ dịch bệnh, nhưng Chính phủ và chính quyền các địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp vùng ĐBSCL đang nỗ lực vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Phương Lam cũng cho rằng, mức tăng trưởng 2,08% ở ĐBSCL tuy thấp nhưng vẫn dẫn đầu cả nước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao hơn so với bình quân cả nước; xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt hơn 6,9 tỷ USD.
Một số mặt hàng không chịu nhiều ảnh hưởng và đang thuận lợi để cung ứng cho thị trường như lúa gạo tăng hơn 26%, các sản phẩm y tế đều tăng trưởng nhất định, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung cả vùng. Do đó, nếu thị trường thế giới phục hồi, những ngành hàng thế mạnh của vùng ĐBSCL sẽ phát triển nhanh và đóng góp chung vào tăng trưởng của đất nước.
Để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội sau dịch Covid-19, VCCI sẽ tiếp tục liên hệ với các hiệp hội, tổ chức, các phòng thương mại trên thế giới để có sự liên kết và cập nhật thông tin về tiêu thụ, thị trường và những điều kiện đầu tư để cung cấp cho doanh nghiệp.
“VCCI luôn cập nhật tình hình, diễn biến dịch bệnh ở các thị trường và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở các quốc gia để cung cấp cho các doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp dự báo, tính toán được giai đoạn nào có thể tiếp cận xuất khẩu trong điều kiện tốt nhất. Đối với những hiệp định đã được thông qua và sắp có hiệu lực, VCCI sẽ xây dựng những tổ tư vấn để làm sao doanh nghiệp chuẩn bị và nắm bắt ngay cơ hội này”, ông Lam cho biết thêm./.
VOV