Doanh nghiệp dệt may đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đồng ý với phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021 để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo việc làm, không sa thải lao động...
- 19-03-2021Những đối tượng được đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 1/1/2022
- 18-03-2021Việt Nam liên tục hút vốn từ Foxconn, LG... vào chế biến chế tạo, lương của nhân sự trong các ngành này có thể lên tới hơn 100 triệu/tháng
Góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo Chính phủ về tiền lương tối thiểu trong năm 2021, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đồng ý với phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo việc làm, không sa thải người lao động.
Trước đó, tại dự thảo xin ý kiến các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định lựa chọn phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Góp ý về phương án này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thời điểm hiện nay, "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp đang ở mức kém lạc quan nhất và rất mong manh. Riêng ngành dệt may Việt Nam, năm 2020 chỉ đạt 35,06 tỷ USD giảm 9,82% so với năm 2019 (38,9 tỷ USD), chưa bằng mức thực hiện của năm 2018 (36,2 tỷ USD).
Trong 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2020. Nếu tình hình dịch Covid-19 không diễn biến phức tạp thêm, dự kiến cả năm 2021 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 38 tỷ USD (chưa bằng mức 38,9 tỷ USD của năm 2019).
Trong khi đó, theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, với dự báo CPI năm 2020 tăng 4% thì mức lương tối thiểu hiện hành đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%. Thực tế CPI năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên mức lương tối thiểu còn cao hơn mức sống tối thiểu tới 2,28%.
Ngoài ra, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, việc tăng tiền lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cũng đã phải lùi thời hạn 1 năm sang giữa năm 2022.
Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đồng ý với phương án không tăng lương tối thiểu năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo việc làm, không sa thải người lao động.
Về thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang ngày 1/7 hàng năm thay vì ngày 1/1, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đồng ý với đề xuất tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như thực tiễn triển khai điều chỉnh lương tối thiểu trong 20 năm qua tại Việt Nam.
Hiệp hội này cho rằng, thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch sản xuất, tài chính, lao động...của doanh nghiệp.
"Chúng tôi cũng đồng quan điểm là trong điều kiện có những yếu tố biến động bất thường cần phải thay đổi thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu của một năm nào đó so với thông lệ, đề nghị Chính phủ giao cho Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định", Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tăng lương là vấn đề rất tế nhị trong bối cảnh hiện nay. Do đó, chưa nên đề cập đến chuyện tăng lương trong thời điểm này.
Hiện nay, theo Nghị định số 90 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều đặn hàng năm để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Như vậy, nếu phương án chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2021 được chấp thuận thì đây là sẽ là lần đầu tiên lương tối thiểu không tăng sau nhiều năm.
Theo VnEconomy