Doanh nghiệp dệt may TP.HCM “gồng mình” thực hiện mục tiêu kép
TP.HCM chiếm hơn 35% kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước. Năm nay, Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40 tỷ USD, tuy nhiên hết tháng 5 chỉ mới được hơn 6 tỷ USD.
- 17-06-2021Đơn hàng rớt giá thảm, doanh nghiệp dệt may lao đao
- 12-06-2021Project Syndicate: Nhờ đâu Bangladesh vượt các nước Nam Á, trở thành nhà xuất khẩu dệt may lớn, chỉ sau Việt Nam và Trung Quốc?
- 11-06-2021Dệt may “đói” lao động
Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp dệt may ở thành phố đang vừa “gồng mình” phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống cho công nhân.
Thời điểm này, Công ty Cổ phần may Bình Minh ở quận Bình Thạnh nhận đơn hàng đến hết quý 3 từ khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Doanh nghiệp chỉ dám nhận số đơn hàng bằng khoảng 70% so với năm 2019 để khi có tình huống xấu, xảy ra ca bệnh, có thể chuyển đơn hàng cho các nhà máy của công ty ở khu vực khác sản xuất.
Ông Võ Quốc Hào, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Bình Minh cho biết: Điều quan trọng nhất của công ty hiện nay không phải là năng suất và sản lượng, mà là chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và đảm bảo an toàn cho người lao động. Mỗi sáng thức dậy, ông Hào sợ nhất là có thêm khu vực nào đó bị căng dây phong tỏa, vì hơn 500 công nhân công ty ở rải rác tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Quận 12... Vốn thiếu hụt lao động, nay lại có khoảng 60 người bị cách ly tại các khu phong tỏa, công ty luôn phải căng thẳng điều phối lao động ở các dây chuyền sản xuất.
Vừa sản xuất đảm bảo tiến độ giao hàng, doanh nghiệp vừa đảm bảo tuyệt đối việc phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Tại các bàn ăn đều có vách ngăn, mỗi chuyền sản xuất trước đây 45 người, nay còn 25 người, khoảng cách tối thiểu 1,5m. Doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, phát thêm các loại vitamin cho công nhân sử dụng để tăng sức đề kháng.
“Để đảm bảo tiến độ giao hàng thì trước khi nhận đơn hàng chúng tôi tính toán chọn hàng thuộc sở trường của mình. Thời hạn giao hàng phải giãn ra, thiếu lao động thì các dây chuyền khác đôn lao động lên, khâu nào thiếu người, thiếu lao động thì luân chuyển người trong chuyền hoặc đưa người từ khối gián tiếp hỗ trợ khối sản xuất trực tiếp” - ông Võ Quốc Hào nói.
Còn tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, mỗi ngày các xưởng ở TP.HCM phải sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm để 1 tuần có đủ 5 container hàng giao cho khách ở Mỹ, châu Âu và Nhật. Trong khi lao động thiếu khoảng 20% và phải thực hiện giãn cách nên doanh nghiệp buộc phải tăng lên 2 ca. Dù hơn 1.000 công nhân đã được tiêm vaccine, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo giãn cách trong sản xuất, ăn trưa, nghỉ giữa ca và khử khuẩn liên tục các khu vực này.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, công ty đang sửa lại nhà xưởng rộng hơn để trong tình huống buộc phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc bị cách ly, doanh nghiệp sẽ bố trí cho công nhân vừa làm việc vừa ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ.
“Sau giờ nghỉ giữa ca làm việc, nghỉ ăn trưa, đổi ca… thì tất cả phải được khử khuẩn, đảm bảo phòng chống dịch hàng giờ, hàng ngày, giãn cách ở khu vực nhà ăn. Chúng tôi chuẩn bị thêm trang thiết bị, trong trường hợp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phong tỏa khu vực thì công ty vẫn đảm bảo sản xuất” - ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa giữ vững sản xuất, các doanh nghiệp doanh nghiệp dệt may đang rất khó khăn do thiếu lao động, chi phí sản xuất lại cao hơn do giá nguyên liệu, phí vận chuyển, logistics... đều tăng và phải thực hiện các biện pháp phòng dịch. Nhiều doanh nghiệp cho biết giá nguyên liệu dệt may đã tăng từ 3-5% so với năm trước dẫn tới chi phí sản xuất tăng 8%, trong khi giá các đơn hàng trong thời điểm này đều giảm.
Theo Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng, có cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị cho những đơn hàng sắp tới và có tiền trả lương cho công nhân.
“Trong lúc chi phí sản xuất tăng, giá nhận đơn hàng giảm, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế … đến cuối năm, giảm, giãn các loại thuế để doanh nghiệp chủ động hơn về tài chính lo cho sản xuất trước mắt” - ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho hay.
Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp dệt may TP.HCM không dám nhận đơn hàng cho quý 4. Điều họ mong muốn nhất lúc này là Chính phủ đẩy nhanh việc tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp dệt may phục hồi sản xuất, tăng tốc thực hiện những đơn hàng cuối năm./.
VOV