MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đồ gỗ vẫn “ngồi trên lửa”

26-08-2021 - 08:16 AM | Doanh nghiệp

Dù các thị trường lớn đang có dấu hiệu hồi phục, đơn đặt hàng “bay về” Việt Nam nhưng doanh nghiệp ngành gỗ đang như “ngồi trên lửa”, ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.

Là một trong những ngành xuất khẩu duy trì được sự tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Nhưng bắt đầu từ tháng 7, hoạt động xuất khẩu của ngành này bắt đầu có dấu hiệu "đuối sức", khó khăn chất chồng.

Doanh nghiệp đồ gỗ vẫn “ngồi trên lửa” - Ảnh 1.

Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang tới tấp nhận được các đơn đặt hàng từ Mỹ, EU… Tuy nhiên, Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ảnh hưởng bởi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn và giảm tốc.

"Kể từ khi chỉ thị 16 được ban hành chỉ còn khoảng 30–40% trong số 600 hội viên của HAWA còn duy trì hoạt động sản xuất, công suất cũng chỉ đạt được khoảng 35-40%. Bình Dương – một trung tâm sản xuất và chế biến gỗ khác, số lượng doanh nghiệp còn duy trì hoạt động thậm chí ít hơn", ông Phương cho biết.

Đồng thời nhấn mạnh đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ chững lại trong thời gian gần đây.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu tháng 8 chỉ đạt 373 triệu đô la Mỹ, giảm 45,46% so với cùng kỳ tháng 7. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ trong tháng 7 cũng chỉ đạt 1,33 tỉ đô la Mỹ giảm tới 14,4% so với tháng 6. Tính đến hết ngày 15-8, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,95 tỉ đô la Mỹ, trong đó sản phẩm gỗ đạt 7,7 tỉ đô la Mỹ.

Ngành gỗ là một trong những ngành xuất khẩu duy trì được sự tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Nhưng bắt đầu từ tháng 7, hoạt động xuất khẩu của ngành này bắt đầu có dấu hiệu "đuối sức".

Các thị trường nhập khẩu chủ lực của ngành này như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức… đều ghi nhận sự sụt giảm về kim ngạch. Cụ thể, trong tháng 7, xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 853,68 triệu đô la, giảm 16,44%; Trung Quốc đạt 109,48 triệu đô la, giảm 19,99%; Pháp đạt 9,24 triệu đô la, giảm 26,25%; Đức đạt 8,13 triệu đô la, giảm 15,94%; Malaysia giảm 21,07%…

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã phải ngừng sản xuất, tổ chức sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", đàm phán hoãn/giãn thời gian giao hàng, hoặc phải chịu phạt để hủy đơn hàng.

Theo kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mới đây đối với 162 doanh nghiệp gỗ trên địa bàn các  địa phương: TP HCM; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, với tổng số lao động gần 68.000 người trước dịch, cho thấy, có tới 52% doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, số lao động tạm nghỉ việc trên 44.100 người. Số doanh nghiệp còn hoạt động khi thực hiện "3 tại chỗ" thì số lao động cũng giảm gần 50% so với trước dịch.

Hiệp hội cho biết, việc thực hiện sản xuất 3 tại chỗ là chủ trương đúng đắn, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, tuy nhiên, khi thực hiện, gặp một số khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp phải bỏ chi phí cho người lao động để test nhanh cách 3 ngày/ lần và test PCR cách 7 ngày/lần. Với quy mô hàng nghìn lao động thì doanh nghiệp đang phải chi phí dịch vụ xét nghiệm rất cao sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp.

"Theo phản ánh của doanh nghiệp, giá bộ test nhanh nhập về khoảng 100.000 đồng/bộ, nhưng giá test cho doanh nghiệp với hợp đồng từ 100 người trở lên ở mức 280 ngàn đồng/bộ, mức giá test ở phòng khám khi thực hiện test lẻ từ 300- 350 ngàn/bộ, ở tỉnh Đồng Nai chi phí xét nghiệm RT-PCR cho công  nhân tăng cao từ khoảng 1.500.000 đồng-2.000.000 đồng/người/lần test", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho biết.

Ngoài ra, do lực lượng lao động nhiều, nên việc tập trung đông người để kiểm tra, test mẫu cũng làm tăng nguy cơ lây truyền nhiễm cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đồ gỗ vẫn “ngồi trên lửa” - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã phải ngừng sản xuất, tổ chức sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", đàm phán hoãn/giãn thời gian giao hàng, hoặc phải chịu phạt để hủy đơn hàng.

Hiệp hội đánh giá, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ nguồn lực khi dịch kéo dài 2 năm qua, nay khi thực hiện sản xuất "ba tại chỗ" thì doanh nghiệp phải bố trí chỗ ăn ngủ, chi phí y tế, hậu cần tại chỗ … Do đó, chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh, nếu duy trì sản  xuất "ba tại chỗ" kéo dài, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản.

Trong bối cảnh Mỹ và nhiều quốc gia EU đang bắt đầu quá trình phục hồi sau dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp ngành gỗ khá bận rộn do đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết.

Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang tới tấp nhận được các đơn đặt hàng từ Mỹ, EU… Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lan rộng ở trong nước và các quốc gia châu Á, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng.

"Các thị trường nhập khẩu chủ lực của đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ, châu Âu đang tăng cao nhưng vấn đề cung ứng đủ hàng hóa cho đối tác tại các thị trường này trong những tháng còn lại của năm 2021 là gần như không thể", ông Nguyễn Chánh Phương cho biết.

Đặc biệt như đã nói ở trên, tình trạng thiếu hụt lao động đang khiến doanh nghiệp trong ngành như "ngồi trên đống lửa".

Cùng với đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao từ 2-4 lần so với trước đây khi chưa có dịch bệnh, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hợp đồng vận chuyển sản phẩm xuất khẩu.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên