MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đội chi phí trăm tỷ đồng do giá điện tăng bất ngờ

21-03-2019 - 15:36 PM | Doanh nghiệp

Thông báo tăng giá điện được đưa ra bất ngờ khiến doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá bán cho các đơn hàng đã chốt.

Bỗng dưng lỗ 28 tỷ đồng trong lần giá điện tăng năm 2017

Đợt tăng giá điện ngày 1/12/2017 từ 0h nhưng 17h chiều 30/11, chủ một doanh nghiệp hoá chất ở miền Bắc mới nhận được thông báo.

"Chúng tôi vừa chốt xong đơn hàng cách đó một tuần thì họ đột ngột báo tăng giá điện", ông chia sẻ. Theo đặc thù, các đơn hàng cho quý tiếp theo phải chốt vào tháng cuối cùng của quý trước. Doanh nghiệp không thể thay đổi được giá đã ký với khách hàng. Đợt tăng giá điện ấy, công ty này thiệt hại khoảng 28 tỷ đồng.

"Còn lần này, đến giờ vẫn chưa có thông báo chính thức trong khi giá điện đã tăng rồi", ông chủ doanh nghiệp nói trên bày tỏ trưa 20/3 khi thấy thông tin giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 8,36%. Ông bày tỏ tăng 8,36% là "hơi sốc".

Lãnh đạo doanh nghiệp hóa chất cho biết mỗi giờ, doanh nghiệp dùng hết 150 MW. Tiền điện mỗi năm khoảng 1.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất. Do đó, giá điện quyết định giá thành sản xuất và cả giá bán. "Khi không có thông tin từ trước, chúng tôi không có cơ sở nào để yêu cầu khách hàng tăng giá lên", ông chia sẻ.

Như lần tăng giá điện này, doanh nghiệp đội chi phí thêm gần 113 tỷ đồng. Để tốt nhất cho doanh nghiệp, ông cho rằng lộ trình tăng giá điện nên báo trước khoảng 2 tháng. Bên cạnh đó, cơ sở của mức tăng giá như thế nào nên được giải thích một cách minh bạch.

Doanh nghiệp đội chi phí trăm tỷ đồng do giá điện tăng bất ngờ - Ảnh 1.

Giá điện tăng bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất không kịp điều chỉnh kế hoạch, giá bán. Ảnh: Reuters.

Với Công ty cổ phần Thép Việt Ý, đợt tăng giá điện ngày 20/3, một tấn phôi thép được sản xuất theo dây chuyện điện lò cao của doanh nghiệp này ước tính sẽ tăng thêm 61.000 đồng, tương ứng giá thành tăng thêm khoảng 2%.

Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Thép Việt Ý, cho biết bản chất sản xuất phôi thép lò điện đang không cạnh tranh được về mặt chi phí với các lĩnh vực sản xuất phôi thép theo công nghệ khác như lò cao và trung tần. Lĩnh vực sản xuất phôi thép của công ty lỗ từ lâu. Từ đầu năm nay, công ty cắt giảm sản lượng còn khoảng 120.000 tấn đáp ứng 2/3 nhu cầu nội bộ cho nhà máy thép của doanh nghiệp ở Hưng Yên.

"Giá điện tăng, tăng thêm chi phí, doanh nghiệp chỉ lỗ thêm thôi", lãnh đạo nói trên chia sẻ và cho hay công ty cũng xác định, lường trước chuyện này. Tuy nhiên, thời gian điều chỉnh giá điện thông báo bất ngờ khiến doanh nghiệp khó xác định, tính toán sẽ chỉ tăng thêm lỗ.

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Phát triển chiến lược Sợi Thế Kỷ, cũng chia sẻ hiện giờ chưa có thông báo chính thức và bảng giá chi tiết cho điện sản xuất nên chưa thể tính toán được chi phí sẽ tăng thêm ra sao.

Tiền điện của doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất nhưng theo bà Chi, giá điện tăng đột ngột như vậy cũng khiến doanh nghiệp khó khăn. Bà cho biết đơn hàng của Sợi Thế Kỷ theo tháng nên đỡ hơn so với các bên nhận hàng theo kỳ dài. Theo lãnh đạo, việc tăng giá điện cần có lộ trình, rõ ràng minh bạch hơn với doanh nghiệp.

"Lần điều chỉnh này vẫn nằm trong khung giá"

Trả lời Người Đồng Hành liên quan phản ánh của doanh nghiệp về thời gian thông báo tăng giá gấp gáp và con số, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực, cho biết Bộ Công Thương điều chỉnh theo Quyết định 34 trong đó có khung giá và lộ trình.

"Lần điều chỉnh này vẫn nằm trong khung giá ấy. Theo quy định, cứ 6 tháng phải điều chỉnh giá điện một lần nếu có biến động. Không biến động thì thôi. Bộ Công Thương chỉ thực hiện theo quy định", ông Tuấn cho biết.

Doanh nghiệp đội chi phí trăm tỷ đồng do giá điện tăng bất ngờ - Ảnh 2.

Giá điện trong vòng 10 năm qua. Đồ họa: Châu Anh.

PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách, chỉ ra theo thống kê lộ trình tăng giá điện trong vòng 10 năm qua của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy trung bình mỗi năm giá điện Việt Nam tăng khoảng 6%.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tương đối thấp, trong khoảng 2-3%. Như vậy, giá điện tăng nhanh hơn các mặt hàng khác.

Giá điện rất quan trọng trong nền kinh tế, tất yếu phải tăng theo thời gian. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng thay vì bất ngờ về cả con số và thời điểm thì mỗi năm ngành điện nên có sự điều chỉnh tăng khoảng 3%.

Việc điều chỉnh này nên được duy trì đều đặn cùng với tính toán chi phí sản xuất diện và sự tăng giá các mặt hàng khác trong nền kinh tế thay vì sử dụng công cụ điều tiết mệnh lệnh hành chính. Việc giữ giá điện không tăng trong suốt năm 2018 nhưng bất ngờ điều chỉnh vào tháng 3 năm nay với mức 8,36% gây nhiều bất ngờ cho doanh nghiệp.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

Trở lên trên