Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng gì ở Thủ tướng trong cuộc đối thoại sắp tới?
Năm 2017, từ kết quả các phiên làm việc của doanh nghiệp và căn cứ các ngành kinh tế mũi nhọn mà Chính phủ xác định, VPSF đã lựa chọn ra 3 nội dung để đối thoại, trong đó có lĩnh vực du lịch...
- 04-07-2017Mục tiêu 35 tỷ USD và tâm tư doanh nghiệp du lịch trước ngày gặp Thủ tướng
- 30-06-2017Ngành du lịch dự tính thu về 30 tỷ đô vào năm 2020, các nhà đầu tư và vận hành khách sạn đang tìm cơ hội gì ở Việt Nam?
Vì sao lại chọn ngành du lịch trong cuộc đối thoại với Thủ tướng?
Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) 2017 dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017 với sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp .
Năm 2017, từ kết quả các phiên làm việc của doanh nghiệp và căn cứ các ngành kinh tế mũi nhọn mà Chính phủ xác định, VPSF đã lựa chọn ra 3 nội dung để đối thoại, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Theo ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký VPSF, ngành du lịch đã tăng trưởng khá nhanh những năm qua, nhưng tính bền vững thấp. Để đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ông Giám cho rằng, một số vấn đề mang tính hệ thống và nội tại ngành đang được đặt ra.
“Với sự đối thoại từ cấp doanh nghiệp tư nhân, tới cấp bộ, ngành và tới vòng Chính phủ trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những nút thắt này để giúp biến những hứa hẹn, tiềm năng của ngành du lịch thành thực tế”, Tổng thư ký VPSF cho biết.
Nói về các điểm nghẽn của du lịch, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ, Công ty Du lịch Vietravel cho biết một trong các vấn đề cần Chính phủ quan tâm tháo gỡ đó là vấn đề chính sách.
“Chính sách của Chính phủ cần có độ mở, trong đó có visa và xúc tiến du lịch và chính sách về kinh tế nhằm kiến tạo, tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và môi trường xã hội”, ông Kỳ nói.
Theo vị này, độ mở của chính sách sẽ giúp du lịch có thể mang về cho Việt Nam 35 tỷ USD cùng rất nhiều việc này. Ngành này xứng đáng để Chính phủ đầu tư ngân sách trong việc nghiên cứu quốc tế, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và chính sách visa.
“Nhật Bản năm 2011 có tốc độ xuất phát điểm như Việt Nam là 6,5 triệu lượt khách nhưng tới năm 2015 đã là 9,5 triệu còn chúng ta mới là 7,5 triệu. Như vậy để thấy tốc độ chúng ta phát triển chậm hơn so với Nhật”, ông Kỳ nói và cho biết, để làm nên thành công này Nhật Bản đã mở rộng về chính sách visa.
Riêng về môi trường kinh doanh, ông Kỳ cho rằng chúng ta đang quá chú trọng đảm bảo an ninh. Ông Kỳ nhấn mạnh, an toàn là cần thiết nhưng cần có độ mở nhất định để cho doanh nghiệp du lịch phát triển. Dịch vụ du lịch chúng ta thu trong giờ là chủ yếu, còn ngoài giờ, các hoạt động về đêm thì ít.
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Group cũng cho rằng visa là một trong các vấn đề ngành du lịch Việt Nam cần ưu tiên.
“Chính sách về visa nếu được tháo gỡ sẽ tạo ra sự đột phá cho du lịch Việt Nam. Chúng ta e ngại rất nhiều nhưng phải đặt mọi việc cả thuận lợi và rủi ro trong một bài toán tổng thể thì mới quyết định được điều nào có lợi cho phát triển ngành này cũng như nền kinh tế nói chung”, ông Kiên nói.
Kể lại câu chuyện về chuyến đi công tác Thái Lan, ông Kiên chia sẻ, cá nhân ông gặp một đoàn khách 16 thanh niên của New Zealand ở sân bay Thái Lan với tình huống trớ trêu khi không tìm hiểu kỹ.
“Họ nghĩ vào Việt Nam được miễn visa nên dù đã bay sang Việt Nam nhưng lại đành phải quay về Thái Lan. Dù thế nào, họ cũng đã có một ấn tượng không được đẹp để sau này có thể kéo họ tới với Việt Nam”, ông Kiên cho biết.
Theo ông Kiên, cần đặt ra câu hỏi nếu Việt Nam miễn thị thực tiếp cho 20 nước thì có những vấn đề gì? Hoặc nếu nâng mức miễn visa cho 30 ngày và sau đó du khách được quay lại thoải mái thì tác động của nó như thế nào với nền kinh tế? Khi có những nội dung ấy thì các doanh nghiệp cần làm gì? Chúng ta cần đánh giá cụ thể trước khi trình lên Thủ tướng kiến nghị.
Miễn visa có tác động như thế nào tới du lịch?
Tháng 7 năm 2015, Chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha) trong vòng 1 năm, với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Ngày 30/6/2016, Chính phủ gia hạn thêm 1 năm nữa miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước nói trên.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho biết, tổng số lượt khách từ 5 quốc gia này tăng trung bình 15,4% trong vòng 12 tháng kể từ khi chính sách miễn thị thực được ban hành.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 32%, Đức 18%, Italia tăng 16%, Pháp tăng 13% và Anh tăng 13%. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến từ các thị trường này thường cao hơn nhiều so với khách du lịch trong khu vực đi các chuyến ngắn ngày ước tính khoảng 1.316 USD/ khách, gấp đôi chi tiêu trực tiếp và gián tiếp của khách du lịch đến từ các thị trường gần.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, với các thị trường xa như 5 nước được miễn thị thực nói trên thì đó là mức tăng trưởng rất lớn vì những thị trường này tăng không dễ như những thị trường gần.
"Số lượng du khách từ các thị trường này tuy không đông như những du khách ở khu vực gần nhưng thời gian lưu trú dài ngày (ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng) và mức chi tiêu cao, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngành du lịch mà cả những ngành nghề khác", ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, hiện các quốc gia trong khu vực cũng đẩy mạnh miễn visa cho các nước trên thế giới, chẳng hạn như Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn thị thực cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ...
BizLive