MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dược báo lãi quý 2 giảm 17%, cổ phiếu quay đầu giảm sâu từ đỉnh

Doanh nghiệp dược báo lãi quý 2 giảm 17%, cổ phiếu quay đầu giảm sâu từ đỉnh

Đây là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp dược này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 517 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2023. Giá vốn tăng mạnh hơn với 28% khiến biên lãi gộp bị co lại đáng kể từ 43,9% xuống còn 38,9% tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 201 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 4% so với cùng kỳ 2023.

Sau khi trừ chi phí, Imexpharm lãi trước thuế 83 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 66 tỷ đồng, cũng giảm 17% so với quý 2/2023. Đây là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp dược này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình, lợi nhuận giảm do biến động giá nguyên liệu đầu vào, giảm sản lượng sản xuất tại nhà máy IMP 1 do thị trường OTC tăng trưởng chậm và nhà máy IMP 4 chính thức đi vào hoạt động (từ quý 3/2023) kéo theo chi phí khấu hao và vận hành tăng.

photo-1721634600282

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.008 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và giảm 19% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 19% xuống còn gần 128 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 43% kế hoạch doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt gần 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng, đều tăng 12% so với thực hiện năm ngoái. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục của doanh nghiệp dược này.

6 tháng đầu năm 2024, Imexpharm đã ra mắt 10 SKU mới và đang triển khai 93 dự án R&D. Ngoài ra, doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Genuone Sciences Inc. để thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến từ Hàn Quốc, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các loại thuốc phức tạp ngoài kháng sinh, bao gồm tiểu đường và tim mạch.

Bên cạnh đó, với các sản phẩm thuốc ở phân khúc giá trị cao, Imexpharm đã tăng sản lượng tại các nhà máy đạt chuẩn EU-GMP là IMP2, IMP3 và IMP4, đồng thời điều chỉnh giảm sản lượng IMP1 để phù hợp với tình hình thị trường OTC đang ảm đạm.

Trên thị trường, cổ phiếu IMP đã quay đầu chóng vánh ngay đỉnh lịch sử sau nhịp tăng nóng trước đó. Cổ phiếu này hiện dừng ở mức 81.000 đồng/cp, giảm hơn 13% so với đỉnh nhưng vẫn cao hơn 59% so với đầu năm 2024. Vốn hóa thị trường tương ứng ở mức hơn 6.200 tỷ đồng.

photo-1721634628634

Ngày 18/7 vừa qua, Imexpharm đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và hủy bỏ phương án thưởng tiền cho nhân sự chủ chốt để thay thế bằng phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP).

Với phương án phát hành thưởng, Imexpharm sẽ phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu, theo tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn chủ sở hữu ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (số dư khoảng 2.085 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong quý 3-4 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Với phương án ESOP, Tuy nhiên, do đợt ESOP diễn ra sau đợt chia thưởng 100%, số lượng phát hành dự kiến là 4,48 triệu cổ phiếu, gấp đôi kế hoạch ban đầu và giá chào bán sẽ giảm phân nửa còn 5.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn phát hành từ vốn chủ sở hữu trên báo cáo kiểm toán, dự kiến diễn ra trong quý 4/2024-I/2025 và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Nếu thực hiện thành công cả 2 phương án phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 770 tỷ lên 1.585 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 12/7, Imexpharm đã chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 20%. Công ty dự kiến chi 70 tỷ để trả cổ tức tiền mặt 10%, đồng thời phát hành thêm 7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên