MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ế nước sạch, người dân thiếu để dùng

30-03-2024 - 09:13 AM | Xã hội

Theo số liệu mới nhất, tổng lưu lượng nước được cấp giấy phép khai thác, sử dụng cho việc cấp nước sinh hoạt tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là 77.000 m3/ngày đêm, do Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng (Lawaco) quản lý, vận hành.

Lượng nước này đủ cho nhu cầu sử dụng của người dân trong các ngày bình thường, chưa đáp ứng được trong các ngày lễ, Tết và định hướng phát triển trong tương lai. Dịp trong và sau Tết Nguyên đán 2024, nhiều khu vực tại Đà Lạt và Lạc Dương thiếu nước sinh hoạt.

Hồ Đan Kia là nơi cung cấp khoảng 78% lượng nước nói trên. Tuy nhiên, hồ đang bị bồi lắng, xả thải, sụt giảm trữ lượng và chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Cùng với đó, mạng lưới đường ống xuống cấp, chưa được đầu tư, nâng cấp, cải tạo; chưa vươn tới nhiều khu vực trong đô thị; thiếu các bể chứa, đài nước tại các khu vực bất lợi nên nhiều khu vực chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ngoài nguồn nước từ hồ Đan Kia, hiện Lâm Đồng có nguồn cung cấp khác từ nhà máy nước (NMN) của Công ty CP Cấp nước Tuyền Lâm (Công ty Tuyền Lâm) đã đấu nối vào hệ thống cấp nước TP Đà Lạt. Trước đây, Công ty Tuyền Lâm cung cấp khoảng 4.000 m3/ngày đêm cho Đà Lạt thông qua việc bán nước cho Lawaco. Sau đó, Công ty Tuyền Lâm không hiệp thương được giá mua bán nước với Lawaco nên hợp đồng này dừng lại.

Công ty Tuyền Lâm khẳng định nhiều thời điểm TP Đà Lạt thiếu nước kéo dài trong khi công ty này dư thừa lại không cung cấp được, vừa thiệt thòi cho người dân vừa thiệt hại cho doanh nghiệp. Công ty Tuyền Lâm muốn hiệp thương giá để bán 4.000 m3/ngày đêm nước sinh hoạt cho Đà Lạt nhưng bất thành, do Lawaco cho rằng họ đang thừa công suất cấp nước, nếu thêm sẽ tiếp tục thừa, ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư trong Lawaco, nên chỉ xem xét khi nào Lawaco có nhu cầu.

Doanh nghiệp ế nước sạch, người dân thiếu để dùng- Ảnh 1.

Hồ Đan Kia cung cấp 78% lượng nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương

"Hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước đang quá tải do nhu cầu sử dụng nước của khách hàng ngày càng tăng, nên việc tiếp nhận thêm nguồn sẽ không có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề thiếu nước cục bộ" - Lawaco lý giải về việc không mua nước trong thời điểm nhiều khu vực TP Đà Lạt thiếu nước cục bộ.

Về vấn đề này, cơ quan chức năng Lâm Đồng nhận định bất cập là nguồn nước từ NMN Tuyền Lâm đã đấu nối vào hệ thống cấp nước TP Đà Lạt nhưng do 2 đơn vị cấp nước chưa đạt được thỏa thuận về giá nên mới có tình trạng thiếu hụt nguồn nước nhưng lại không thể sử dụng nguồn nước này để cấp bổ trợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Lawaco nguồn vốn nhà nước nắm giữ là 39,99%; 60,01% còn lại thuộc về các nhà đầu tư ngoài nhà nước (1 cá nhân và 3 doanh nghiệp). Doanh nghiệp này còn nắm giữ cổ phần tại 2 doanh nghiệp cấp nước là Công ty CP Cấp nước và Xây dựng Di Linh (huyện Di Linh) và Công ty CP Cấp nước và Xây dựng Đức Trọng (huyện Đức Trọng). Thời gian qua, tại 2 huyện này cũng xảy ra tình trạng thiếu nước.

Trong tổng công suất 72.000 m3/ngày đêm mà Lawaco bán tại Đà Lạt và Lạc Dương có đến 60.000 m3 được khai thác từ hồ Đan Kia. Trong đó, NMN Đan Kia 1 của Lawaco công suất 30.000 m3/ngày đêm và NMN của Công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Đan Kia công suất 30.000 m3/ngày đêm, bán cho Lawaco với giá 6.132 đồng/m3.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nhận định về lâu dài, cần sớm đầu tư hồ chứa nước thượng nguồn hồ Đan Kia theo quy hoạch để bảo đảm về chất lượng và trữ lượng nước. Như đã phân tích về việc khai thác nước hồ Đan Kia để bán như nêu trên, thế nhưng Sở Xây dựng lại đề xuất UBND tỉnh dùng ngân sách để đầu tư hồ chứa nước thượng nguồn hồ Đan Kia.

Điều này gây khó hiểu, khi Lawaco và Công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Đan Kia khai thác nước hồ Đan Kia để bán và thu lợi nhưng nhà nước phải bỏ vốn đầu tư hồ nước thượng nguồn tại đây. Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, do cổ phần hóa các đơn vị cấp nước nên một số nội dung khó đáp ứng kịp thời theo quy hoạch, kế hoạch, yêu cầu quản lý nhà nước dẫn đến nhà nước thiếu tính chủ động trong quản lý, điều hành.


Theo Trường Nguyên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên