MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp FDI ở Nghệ An nói gì khi hàng nghìn công nhân đình công?

11-02-2022 - 12:19 PM | Doanh nghiệp

Trụ sở của Công ty TNHH Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vắng bóng khi hàng nghìn công nhân đình công. Ảnh: Văn Dũng

Trụ sở của Công ty TNHH Viet Glory ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vắng bóng khi hàng nghìn công nhân đình công. Ảnh: Văn Dũng

Khi bị hàng nghìn công nhân đình công để đòi quyền lợi thì các hoạt động tại Nhà máy sản xuất, gia công giày dép Viet Glory của Công ty TNHH Viet Glory tại Nghệ An gần như tạm ngưng và đã phải trả lại hay bù lỗ các đơn hàng mới nhận về.

Vào chiều 7/2, tại Công ty TNHH Viet Glory đã xảy ra sự việc ngừng việc tập thể của hàng nghìn công nhân với nội dung yêu cầu quyền lợi như: Đòi Công ty tăng lương cơ bản; đòi phụ cấp thâm niên…

Sau đó, các cơ quan, ban nghành liên quan của huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An đã có mặt để tham gia tuyền truyền, vận động công nhân vào làm việc. Tuy nhiên, đến sáng ngày 8 và ngày 9/2 công nhân vẫn không chấp nhận vào làm việc trong nhà máy.

Ngày 10/2, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Chang Shih Yueh - Phó Giám đốc công ty TNHH Viet Glory cho biết, trong những ngày qua, khi công nhân ngừng làm việc tập thể đã khiến công ty phải trả lại các đơn hàng mới nhận về, nếu không trả lại được thì công ty phải bù lỗ đơn hàng đó.

Theo ông Chang Shih Yueh, hiện tại, tài vụ công ty đang tính toán để đưa ra kết quả nên chưa thống kê chính xác được thiệt hại.

 Doanh nghiệp FDI ở Nghệ An nói gì khi hàng nghìn công nhân đình công? - Ảnh 1.
Ông Chang Shih Yueh (áo vàng) - Phó Giám đốc công ty TNHH Viet Glory cùng phiên dịch trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn. Ảnh: Văn Dũng

Về phương án giải quyết việc đình công của công nhân để ổn định lại sản xuất thì Phó giám đốc công ty TNHH Viet Glory cho hay, công ty sẽ cố gắng làm sao để hai bên có tiếng nói chung, thống nhất nhất định. Khi sự việc đình công xảy ra thì phía công ty hay công nhân cũng đều thiệt hại.

“Chúng tôi chỉ muốn công nhân đi làm vui vẻ và đáp ứng công việc, chứ không có sức ép hay ép buộc công nhân đi làm. Nếu mình ép buộc, hay làm không vừa lòng công nhân thì họ cũng sẽ không gắn bó lâu dài với mình”, ông Chang Shih Yueh nói.

Nếu công ty mà tạo áp lực quá lớn cho công nhân thì chắc chắn công nhân cũng sẽ có những bức xúc nhất định. “Những yêu cầu của công nhân với công ty mà thời gian ngắn công ty chưa thể xử lý ngay được, hoặc chưa có phương án, kế hoạch trong tình hình dịch bệnh như bây giờ thì công ty rất mong công nhân hiểu, thông cảm và cùng đồng hành với công ty”, ông Chang Shih Yueh nói thêm.

Ông Lê Mạnh Hiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, khi xảy ra sự việc Huyện đã yêu cầu Công ty TNHH Viet Glory rút kinh nghiệm và có thái độ hợp tác, thiện chí với các cơ quan chức năng để làm việc đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt môi trường đầu tư và phòng chống dịch trên địa bàn huyện.

 Doanh nghiệp FDI ở Nghệ An nói gì khi hàng nghìn công nhân đình công? - Ảnh 2.

Hình ảnh công nhân lao động đình công được chia sẻ trên mạng xã hội chiều ngày 7/2. Ảnh: Báo Nghệ An

 

Theo ông Hiên, huyện cũng đã đề nghị với lãnh đạo công ty TNHH Viet Glory, những nội dung kiến nghị của công nhân mà thấy chính đáng phải sửa, phải điều chỉnh, bổ sung thì công ty nên điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Còn các nội dung khác, vì quy chế hay vì năng lực tài chính của công ty mà không thể điều chỉnh, bổ sung thì phải có thông báo, giải thích với công nhân cho rõ ràng, công khai và minh bạch.

Ông Hiên cho rằng, hàng nghìn công nhân ngừng việc nhưng cũng chỉ ngừng việc theo tự phát, không có tổ chức, mỗi người mỗi ý nên rất khó để tổ chức một cuộc đối thoại bài bản.

Theo quy chế hợp đồng lao động thì ngày 11/2 (là ngày thứ 5 công nhân nghỉ việc) những công nhân nào vào làm thì cứ đi làm bình thường, còn công nhân nào vẫn tiếp tục nghỉ việc không có lý do chính đáng, doanh nghiệp sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng là việc của doanh nghiệp.

Vai trò của huyện là trung gian, đứng giữa để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho cả đôi bên. “Chúng tôi mong muốn sự việc được giải quyết một cách ổn thoả để đáp ứng một số nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19”, ông Hiên nói.

 Doanh nghiệp FDI ở Nghệ An nói gì khi hàng nghìn công nhân đình công? - Ảnh 3.
Công ty Monld Solution INC chi khoảng 44 triệu USD cho cả hai giai đoạn của dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày dép Viet Glory tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng

Được biết, dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày dép Viet Glory do công ty Monld Solution INC làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2020, diện tích xây dựng giai đoạn 1 là 80.000m2, công suất dự kiến 25 triệu sản phẩn/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD. Dự kiến tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Vào tháng 7/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận cho công ty Monld Solution INC là nhà đầu tư thực hiện dự án Mở rộng nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép Viet Glory (giai đoạn 2 của dự án). Công suất thiết kế giai đoạn 2 dự án khoảng 9,6 triệu sản phẩm/năm, nhu cầu lao động khoảng 6.000 công nhân, với tổng mức đầu tư khoảng 22 triệu USD (tương đương 506 tỷ đồng), 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thời gian hoạt động đến tháng 12/2070, dự kiến đi vào sản xuất chính thức vào tháng 7/2022.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty TNHH Viet Glory là doanh nghiệp thực hiện dự án của nhà đầu tư có trụ sở tại xóm 8, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 19/11/2019. Ông YU, I-LI (SN 1964 – Đài Loan (Trung Quốc)) làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc công ty. Nghành nghề chính của công ty này là sản xuất giày, dép. Khi thành lập, công ty này có vốn điều lệ 506 tỷ đồng.


Theo Văn Dũng

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên