Doanh nghiệp 'gồng mình' chống đỡ
Cộng đồng doanh nghiệp vừa có hơi hướng thoát dịch đã lập tức rơi vào cảnh liêu xiêu. Lần này, các doanh nghiệp xác định: sẽ vừa tập trung phòng chống dịch, vừa cố gắng bám thị trường.
- 05-08-2020Trung Quốc khẳng định 99,1% doanh nghiệp nước ngoài sẽ ở lại
- 05-08-2020Vừa giúp vừa lo thì không cứu được doanh nghiệp!
- 05-08-2020Vụ doanh nghiệp gỗ kêu cứu 3 bộ: Bộ Tài chính lập đoàn kiểm tra
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần may Hưng Yên cho biết, trong bối cảnh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trở lại, DN sản xuất tập trung chủ động phòng chống dịch. Khi nhận được thông báo về các địa phương có người nhiễm bệnh, công ty cho lao động tại khu vực này tạm nghỉ việc. DN khởi động các biện pháp phòng chống dịch như đo nhiệt độ, rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo, DN phải đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Hầu hết DN Việt chủ yếu hướng tới xuất khẩu nên phải giao hàng đúng hạn. Trong bối cảnh khó khăn, DN xuất khẩu phải bằng mọi cách giữ được tăng trưởng xuất khẩu.
Ông Dương dự báo, cuối năm nay các thị trường chính như Mỹ, châu Âu của ngành may mặc sẽ giảm 50% nhu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lao động. Từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, lượng hàng của DN may mặc Việt Nam có thể giảm nhiều.
“Trong bối cảnh nhu cầu thị trường giảm, các DN phải nâng cao sức cạnh tranh với DN các nước khác. DN “giữ” khách bằng giao nhanh, hàng hóa đảm bảo chất lượng. Có những đơn hàng, các công ty phải tập trung làm trong một tuần để xong đơn hàng rồi tạm nghỉ, đợi đơn tiếp theo”, ông Dương cho biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN chịu “cú sốc” kép, cả ở phía cung và cầu tới 2 vòng. Vòng thứ nhất, dịch bệnh khiến DN ngưng trệ sản xuất, nhiều nhà máy đóng cửa, giãn cách xã hội. Vòng thứ 2, khi dịch tạm lắng, nền kinh tế và các DN mở cửa, sản xuất trở lại nhưng các chuỗi cung ứng bị xáo trộn, thiếu nguyên liệu, linh kiện sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, dịch bệnh khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Một trong những ưu tiên chính sách lớn hiện nay là cứu doanh nghiệp, “cứu” lao động. Với các DN “chết lâm sàng”, Chính phủ không nên cứu. Chính phủ nên cứu những DN bị mất thanh khoản tạm thời hỗ trợ cho các DN này.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho rằng, nửa cuối năm 2020, cộng đồng DN sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng tạo ra cầu cho DN đang ở mức thấp nên khó có cơ sở cho DN phát triển. Bên cạnh đó, DN Việt rơi vào 6 tháng cơ cực, đến nay, họ rất khó có đủ nguồn lực để bung ra phát triển. Nhìn 6 tháng cuối năm, bối cảnh toàn cầu ảm đạm.
“Cộng đồng DN đang suy yếu, nếu không có sự “trợ thở” từ Chính phủ sẽ không đủ sức để bung ra. Từ giờ đến cuối năm, chỉ cần DN bảo toàn lực lượng đã là may mắn”, ông Tự Anh cho biết.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng, đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục khiến cộng đồng DN chịu tổn thất nặng nề, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Hiện nay, hầu hết DNNVV có tiềm lực tài chính thấp.
Tiền phong