MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, công nhân lâm vào cảnh mất việc

Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, công nhân lâm vào cảnh mất việc

Năm nay, doanh nghiệp tại Bình Dương gặp khó khăn về đơn hàng ít nên phải cắt giảm nhân công, khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp.

Nhiều tháng không xin được việc làm

Trước đây, ông Nguyễn Hữu Thanh (42 tuổi, quê An Giang) làm công nhân cho công ty gỗ ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhưng sau đó phải nghỉ vì công ty cắt giảm lao động. Để có tiền trang trải cuộc sống, ông tiếp tục xin làm ở một công ty gỗ khác nhưng được vài tháng lại thất nghiệp vì công ty gặp khó khăn về đơn hàng.

Ông Nguyễn Hữu Thanh tâm sự, mỗi tháng đủ thứ tiền phải chi như tiền ăn, tiền ở, tiền học cho con nên thất nghiệp ngày nào là mất ăn, mất ngủ ngày đó.

“Mấy tháng nay làm không có tiền nên muốn tìm công việc ổn định, nhất là ở những công ty có tăng ca để tăng thu nhập, lo cuộc sống và mẹ già ở quê” - ông Thanh chia sẻ.

Mấy tháng nay, cuộc sống gia đình chị Lý Cẩm Vân (35 tuổi, quê Sóc Trăng) lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau do công ty của bà ít đơn hàng, mỗi tuần làm việc có 3 ngày, chỉ nhận được 70% lương, tương đương khoảng 3 triệu đồng. Vì lẽ đó, bà đã làm đơn xin nghỉ việc. Rời công ty cũ, chị tưởng rằng sẽ dễ dàng có cơ hội làm việc mới, thế nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu, không tuyển dụng.

Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, công nhân lâm vào cảnh mất việc - Ảnh 1.

Không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động khiến hàng loạt công nhân ở Bình Dương bị thất nghiệp, phải đi tìm việc mới.

Cầm trên tay bộ hồ sơ đứng trước một công ty ở Khu công nghiệp Kim Huy, thành phố Thủ Dầu Một, chị Lý Cẩm Vân cho biết: “Bây giờ thất nghiệp nhiều lắm, đi xin việc đông nhưng công ty không tuyển. Chỉ có công ty này tuyển nhưng sáng giờ họ nhận vài người, chắc là có người quen gửi. Chứ ở đây nhiều người đang đứng chờ mà không thấy tuyển dụng”.

Trước đây, khi thị trường lao động ở Bình Dương sôi động, doanh nghiệp chủ động đi tìm công nhân; việc tuyển dụng cũng rất dễ dàng, bỏ qua kiểm tra bằng cấp, tay nghề. Nhưng nay thì ngược lại, người lao động phải tự đi tìm việc và điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp cao hơn, yêu cầu phải có tay nghề. Điều này khiến lao động phổ thông ở Bình Dương đem hồ sơ nộp khắp nơi nhưng vẫn thất nghiệp.

Anh Ngô Quang Dạch (33 tuổi, quê Long An) cho biết, trước đây thấy chỗ nào đăng tuyển dụng chỉ cần đến phỏng vấn vài câu là được nhận ngay, giờ thì phải “đỏ mắt” đi tìm.

“Đôi khi lên điện thoại coi đăng tuyển trên mạng thì tìm đến. Hay chạy lòng vòng thấy công ty nào tuyển thì vào hỏi bảo vệ. khi nào có tuyển thì mình xin ứng tuyển” - anh Dạch nói.

Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, công nhân lâm vào cảnh mất việc - Ảnh 2.

Nhiều công nhân do không xin được việc đành trả phòng trọ để về quê, nhiều khu trọ ở Bình Dương trở nên vắng vẻ.


Doanh nghiệp “khát” đơn hàng

Tại buổi gặp gỡ giữa các hiệp hội với lãnh đạo tỉnh Bình Dương vào tháng 8/2022, các doanh nghiệp thông tin, thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, chỉ 30-50% công suất. Khó khăn nhất là các doanh nghiệp ngành may mặc, gỗ, cơ khí...

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân, doanh nghiệp ngành gỗ đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng.

“Để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chúng tôi sẽ đi tìm những đơn hàng nhỏ một chút và giảm bớt chuyền, hay giảm giờ làm, đợi thị trường phục hồi. Chúng tôi cũng cố gắng hợp tác với nhau có đơn hàng chia sẻ nhau để giữ công nhân” - ông Nguyễn Liêm nói.

Theo dự báo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, quý 4/2022, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp khoảng từ 5.000 -10.000 lao động với tất cả ngành nghề, giảm nhiều so với các năm trước từ 20.000-30.000 lao động. Các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng chủ yếu là các vị trí việc làm, như: bảo trì cơ điện, thợ điện, cơ khí, kế toán, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng.

Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, công nhân lâm vào cảnh mất việc - Ảnh 3.

Cán bộ phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Dầu Một kiểm duyệt hồ sơ người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Chính phủ.


Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, doanh nghiệp cắt giảm nhân công nên 9 tháng qua đã có nhiều hồ sơ của người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có 68.000 người có quyết định hưởng trợ cấp. Để giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, đơn vị đã chi hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08 cho khoảng 80% trường hợp được hưởng chính sách.

“Chúng tôi cố gắng đẩy nhanh tiến độ chi trả, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng tiếp nhận thường xuyên để tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho người lao động khi họ đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp” - ông Phạm Văn Tuyên nói.

Bình Dương được xem là “thủ phủ công nghiệp” với hàng ngàn doanh nghiệp, thu hút số lượng lớn người lao động các tỉnh về làm việc. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, nên chăng chính quyền cần có thêm những chính sách hỗ trợ để “giữ chân” lao động ở lại. Đây cũng là động thái giúp nhiều nhà đầu tư lựa chọn Bình Dương làm điểm đến, thu hút nguồn lao động dồi dào khi tình hình kinh tế ổn định./.

Theo Thiên Lý

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên