MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ

20-09-2021 - 06:53 AM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ

Chính phủ đã dành nhiều gói hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất. Các gói hỗ trợ được xem là “phao cứu sinh”, và dù điều kiện tiếp cận đã được nới lỏng song DN vẫn khó tiếp cận.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
292 bài viết

Điều kiện ngặt nghèo

Hai năm qua, cơ sở may Phú Sinh (TP Thủ Đức) không thể hoạt động do dịch bệnh. Mặc dù rất khó khăn nhưng cơ sở này vẫn không thể tiếp cận được bất cứ nguồn vốn vay ưu đãi nào từ ngân hàng. Ông Nguyễn Thành Sinh, chủ cơ sở cho biết, tất cả các khoản vay tại ngân hàng của cơ sở đều phải trả theo lãi suất thương mại và cũng không được giãn nợ, dù đơn vị ngày càng kiệt sức. “Nhiều lần chúng tôi hỏi ngân hàng về các chương trình hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu phản hồi”, ông Sinh cho biết.

Theo ông Sinh, khi biết Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân, ông liền liên hệ để vay, nhưng cơ sở lại vướng điều kiện là “không có nợ xấu”. “Thực sự yêu cầu này rất khó đáp ứng, bởi kinh doanh khó khăn, hầu như rất ít DN không có nợ xấu”, ông Sinh nói.

Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc Công ty Du lịch L.V (quận 1, TPHCM) chia sẻ, quy định phải có thêm bản sao quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 của cơ quan thuế là gây khó cho DN lĩnh vực du lịch, lữ hành. Theo ông Duy, một số DN đã liên hệ với cơ quan thuế ở TPHCM thì được thông báo là cơ quan này chỉ xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của DN trong năm 2020, còn bản sao quyết toán thuế thì chưa có, vì quyết toán thuế chỉ được thực hiện sau vài năm.

Theo ông Bùi Minh Trí-Trưởng BQL Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng khiến hàng nghìn DN trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động, chỉ có gần 1.400 nhà máy hoạt động “3 tại chỗ”. Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho biết, tính đến ngày 13/9, tỉnh này mới có 2 DN vay trả lương cho 243 lao động mất việc và đã được NHCSXH chi nhánh Bình Dương giải ngân với số tiền là 1,7 tỷ đồng. Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai cũng cho biết, tính đến ngày 17/9, có 9 lượt DN sử dụng 516 người lao động đã được NHCSXH chi nhánh Đồng Nai giải ngân 4,11 tỷ đồng để trả lương cho lao động ngừng việc, hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM cho hay, TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhân viên các công ty không thể đi lại được. Ngay cả việc ra ngân hàng để làm thủ tục thanh toán cũng phải tạm ngưng, hàng sản xuất ra còn để tại kho vì không có xe giao nhận chuyển đến cho đối tác... Chính vì vậy, một số DN hội viên có tìm hiểu nhưng thấy phải làm nhiều thủ tục, xác nhận thì sẽ mất nhiều thời gian nên thực tế không có ai thực hiện được.

Thêm nữa, muốn tiếp cận gói vay này, DN phải dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc cho người lao động ngừng việc, tối thiểu 15 ngày liên tục (từ 1/5 đến hết tháng 3 năm sau). Điều kiện cần tiếp theo là DN không có nợ xấu tại ngân hàng. Ngoài ra, để vay lãi suất 0%, DN phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Trong khi theo pháp luật về thuế, DN có thể quyết toán thuế chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Trong khi đó, tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn của các DN tại TPHCM mới đây, Cục Thuế TPHCM cũng khẳng định cơ quan này chỉ có thể xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của DN trong năm 2020 mà không thể có bản sao thông báo quyết toán thuế.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, bên cạnh quy định về bản sao quyết toán thuế mà DN không thể có, việc yêu cầu DN không có nợ xấu ngân hàng tại thời điểm vay vốn cũng đang gây khó khăn cho nhiều đơn vị. Thực tế, đa số DN đang có nhiều khoản vay cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ bởi phải tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm nhiều hoạt động từ 3 - 4 tháng qua nên gặp khó khăn về dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Ngay cả những công ty đang duy trì hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” cũng gặp nhiều khó khăn nên mong được tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

DN vẫn ngoài vòng hỗ trợ

Chính vì khó khăn về thủ tục nên gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% dành cho DN để trả lương cho người lao động mất việc vì COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 gần như giậm chân tại chỗ.

Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ hỗ trợ DN vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 17/9, hệ thống đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền trên 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Trong đó đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh thành phố.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ngoài gói vay 0% lãi suất, gói giãn nợ, giảm lãi được nới lỏng các điều kiện thì cần xây dựng một tổ hợp tín dụng có sự tham gia của tất cả các ngân hàng, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước. Tổ hợp này phải có hạn mức tín dụng đến 300.000 tỷ đồng, cho vay không cần thế chấp với lãi suất chỉ 3-5%/năm. Các ngân hàng trong tổ hợp tín dụng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của mình với mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện nay chỉ khoảng 0,1%/tháng để cho vay. “Chỉ có cách này mới cứu được các DN vì hiện tại họ đang rất khó khăn. Để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng từ việc vay tín chấp, thì tổ hợp này phải được bảo lãnh tín dụng. Hiện tại, mỗi địa phương đều có quỹ bảo lãnh tín dụng, hãy sử dụng quỹ này để bảo lãnh. Nếu quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương quá nhỏ thì cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Trường hợp DN không còn khả năng chi trả, quỹ nãy phải bồi thường chi phí cho các ngân hàng thì xem đây là chi phí Chính phủ hỗ trợ DN”, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

UYÊN PHƯƠNG

Riêng tại TPHCM, chiều hôm qua (19/9), ông Trần Văn Tiên-Giám đốc NHCSXH Chi nhánh TPHCM cho Tiền Phong biết, tính đến ngày 15/9, tại TPHCM có 23 DN được vay trả lương cho 1.507 lao động với 6,4 tỷ đồng. Hiện có 2 DN đã được xét duyệt hồ sơ và sẽ giải ngân trong tuần này, với số tiền 4,8 tỷ đồng, để trả lương cho 1.538 lao động. Ngoài ra, hiện còn có 18 DN đã đăng ký vay với số tiền 19,7 tỷ đồng để trả lương cho 4.642 lao động, nhưng hồ sơ chưa hoàn thiện, đang trong giai đoạn bổ túc.

Theo ông Tiên, sở dĩ vẫn còn quá ít DN nộp hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động so với nhu cầu là bởi hiện tại còn đang giãn cách xã hội, việc đi lại rất khó khăn; mặt khác DN đang còn tập trung chống dịch. “Sau 30/9, khi TPHCM hết giãn cách, DN sẽ đến nộp hồ sơ nhiều”, ông Tiên dự báo. Tuy nhiên, ông Tiên cho biết, nhiều DN phản ánh đang gặp những khó khăn trong các điều kiện vay vốn, nhất là yêu cầu DN phải có quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 và hiện không có nợ xấu. “Trong điều kiện dịch dã kéo dài, những yêu cầu đó là quá khó với DN”, ông Tiên nói, đồng thời cho biết Bộ LĐ-TB và XH đang lấy ý kiến trình Chính phủ để sửa đổi những quy định này trong Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Đại Dương - Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên