MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư dự án nhà ở cho công nhân

22-05-2019 - 08:17 AM | Bất động sản

Hiện ở TP.HCM có khoảng 260.000 công nhân đang làm việc trong các KCX-KCN. Nhu cầu về chỗ ở của công nhân rất lớn nhưng hiện nhà lưu trú cho công nhân (NLTCN) chỉ đáp ứng 14.960 chỗ (tính cả kế hoạch của các nhà đầu tư).

Tại hội thảo Nhà ở cho công nhân tại KCX-KCN, do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 21/5, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM nhận định, nhu cầu về nhà ở cho lao động tại các KCX-KCN là rất lớn. Thời gian qua, TP.HCM cũng đã đầu tư chỗ ở cho công nhân nhưng đến nay con số này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ.

Ông Khanh cho rằng, do thiếu quỹ đất làm nhà ở cho lao động trong KCX-KCN nên hiện nay tại TP.HCM có ba nguồn để thực hiện nhà ở cho người lao động trong KCX-KCN: Một là từ chủ sử dụng lao động; Hai là do các công ty đầu tư hạ tầng; Ba là từ các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó là một lượng rất lớn các hộ gia đình đầu tư nhà trọ để cho công nhân thuê ở.

Trong khi đó, theo ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX-KCN, nhưng nếu tính tại các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với số lượng 1.600 DN đang hoạt động thì số lượng người lao động còn lớn hơn, có thể lên đến 380.000 lao động.

Tuy nhiên, trong số 285.000 người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN thì đến nay TP mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn, các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân.

Ông Đạt cho hay, tại TP.HCM trong các đồ án quy hoạch KCN, KCX đều bắt buộc có quy hoạch khu dân cư phục vụ cho công nhân, chuyên gia nhưng quỹ đất eo hẹp nên rất khó. “Hiện chúng tôi đang xin UBND TP thu hồi quỹ đất do nhà nước sử dụng không hiệu quả để lựa chọn nhà đầu tư làm nhà lưu trú cho công nhân”, ông Đạt nói.

Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư dự án nhà ở cho công nhân - Ảnh 1.

Mô hình phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân của tỉnh Bình Dương thường được nhiều địa phương các học tâm để phát triển.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Đức Vinh – Tổng Giám đốc Trần Anh Group cho rằng là một doanh nghiệp luôn mong muốn xây nhà cho người lao động có thu nhập thấp, 3 năm trước tôi đã đến tỉnh Bình Dương học hỏi mô hình nhà ở xã hội xây dựng ở đây nhưng không dễ làm ở TP.HCM. Bởi công nhân có mức sống rất thấp, nhưng nếu TP.HCM áp dụng tiêu chuẩn sàn xây dựng tối thiểu 40 m2 cho nhà ở thương mại, doanh nghiệp có hạ giá thành hết mức thì tính ra mỗi căn nhà vẫn không dưới 700 triệu đồng.

"Như vậy công nhân sẽ không mua nổi, trong khi đó tỉnh Bình Dương chỉ xây dựng nhà 30 m2. cuối cùng tôi đành phải chuyển các dự án nhà giá thấp về tỉnh Long An đầu tư", ông Vinh nói thêm.

Thế nhưng, theo ông Vinh, 800 căn nhà giá thấp đầu tiên của ông tại tỉnh Long An đã vướng rất nhiều khó khăn liên quan thủ tục hành chính. "Đáng lẽ công ty tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10.000 căn nhà giá thấp nữa cho công nhân nhưng giờ thì tôi đang tính toán lại. Mong cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giảm thủ tục, giảm điều kiện tham gia của đối tượng được mua… như vậy chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư, chứ lợi nhuận thấp, đối tượng mua quá khắt khe thì tôi xây xong bán cho ai", ông Vinh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TP.HCM phát triển như thế này cũng một phần nhờ công đóng góp của người lao động từ các tỉnh, thành khác nên cơ quan chức năng phải có trách nhiệm về chỗ ở cho họ. Thế nhưng, hiện nay, tiêu chuẩn về nhà lưu trú cho công nhân chưa rõ ràng.

Trong khi phân khúc này đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ. Quy trình thủ tục hành chính thì rườm rà còn hơn nhà ở thương mại. Doanh nghiệp chỉ có thể chủ động quyết định được khoảng 30% thủ tục đầu tư, còn lại phụ thuộc hết vào cơ quan chức năng, mà cơ quan chức năng thì quá chậm chạp.

Tại hội thảo nhiều ý kiến đề xuất cơ quan chức năng mạnh dạn cho phép nhà đầu tư chuyển một phần đất KCN sang đất xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia vì tỷ lệ chỉ chiếm 5-10%. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh KCN.

Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Tuy nhiên với quy định của Luật Quy hoạch mới ban hành, việc chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, BĐS công nghiệp gồm BĐS về sản xuất và BĐS về đô thị - dịch vụ.

Trong khi đó, BĐS về sản xuất là các dự án đầu tư xây dựng KCN, nhà xưởng cho thuê, kho bãi, văn phòng cho thuê và các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ sản xuất công nghiệp... Còn BĐS về đô thị - dịch vụ là khu dân cư và các tiện ích, dịch vụ đi kèm như bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu và một số công trình kinh tế xã hội khác. Vì vậy, vấn đề thiết yếu được quan tâm là việc phát triển bền vững KCN phải đi đôi với phát triển khu dân cư và các tiện ích xã hội đi kèm.

Sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, việc quy hoạch KCN – đô thị - dịch vụ là mô hình mới đang được nhà đầu tư quan tâm. Mô hình KCN – đô thị - dịch vụ kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN.

Cụ thể, khi quy hoạch KCN phải gắn liền với phát triển khu dân cư và các công trình xã hội, tạo được sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mô hình này.

Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên