MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khu công nghiệp mong ngân hàng sớm thực hiện Thông tư số 03

Hệ luỵ từ đợt dịch COVID- 19 thứ tư này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động, tuy nhiên họ vẫn "ngóng" sự xuất hiện, cứu giúp đến từ phía các ngân hàng.

Ngay khi dịch bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều công ty "bị tê liệt" phải tuyên bố phá sản. Không chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả những "ông lớn", những khu công nghiệp có trách nhiệm lớn về vai trò kinh doanh, xuất nhập khẩu cũng lao đao trong đợt dịch này.

Doanh nghiệp khu công nghiệp mong ngân hàng sớm thực hiện Thông tư số 03 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp khu công nghiệp, mong được giảm lãi vay theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, ngoài rào cản về nguồn cung do đứt chuỗi cung ứng, thì chủ doanh nghiệp còn gặp vô vàn những khó khăn khác, khó có thể gượng dậy nổi, như giá thành của sản phẩm bị đẩy lên rất cao vì nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển logistics tăng mạnh. Trong khi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, đơn đặt hàng từ đối tác giảm, tiếp đó lại gặp thêm quả "đấm bồi" từ đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, khiến doanh nghiệp dần "suy yếu", dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài và đây là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, hoặc tạm dừng hoạt động.

Khó khăn là thế nhưng theo phản ánh từ các Hiệp hội doanh nghiệp thì đến nay vẫn chưa nhận được sự từ phía ngân hàng, các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp "cấp cứu" hỗ trợ doanh nghiệp khoanh nợ, giảm lãi suất vay.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP HCM (HBA) cho biết: "Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp , khu chế xuất trong TP HCM đang gặp khó khăn, ngưng trệ sản xuất do COVID-19. Cụ thể hàng trăm công nhân F0 và hàng chục ngàn công nhân là F1, F2… con số liên tục tăng, khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Bế tắc đang bủa vây tại khu chế xuất Tân Thuận, tại nhà máy Nidec Khu Công nghệ cao, khu Freetrend, khu chế xuất Linh Trung 1 với 21.000 công nhân, tại Long Rich KCX Linh Trung 2 với 4.000 công nhân ….đang gặp khó.

Với thực trạng dịch bệnh lây lan nhanh lên đến 3 con số, nhiều nhà máy, nhiều công ty có công nhân F0 và F1 đã bị động, lúng túng khi phải lưu giữ tại chỗ hàng ngàn công nhân. Bởi vào lúc này họ phải thực hiện "mục tiêu kép" vừa sản xuất – kinh doanh và vừa phòng chống dịch".

Trước đó Ngân hàng Nhà nước có ban hành Thông tư Số: 03/2021/TT-NHNN ngày 02 tháng 4 năm 2021 về việc; sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19.

Doanh nghiệp khu công nghiệp mong ngân hàng sớm thực hiện Thông tư số 03 - Ảnh 2.

Doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại giảm ngay 1% lãi suất tín dụng của tất cả các dư nợ hiện hữu của doanh nghiệp theo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó tại Điều 5 Thông tư này nêu rõ: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021."

Mặc dù thông tư đã có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn đang cầm hơi để tiếp tục chờ đợi ngân hàng lên tiếng, ra tay để "cấp cứu" cho doanh nghiệp.

Không chỉ riêng doanh nghiệp khu công nghiệp bị ảnh hưởng, một số lĩnh vực khác như nhà hàng, du lịch, hàng không… cũng rơi vào cảnh "chết lâm sàng" từ năm ngoái đến giờ vẫn chưa có cơ hội để vượt qua. Điển hình như ngành du lịch, chia sẻ tới báo giới, ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa, cho biết do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn trên địa bàn phải đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Với tình hình hiện tại, doanh nghiệp lẫn ông chủ có khả năng trở thành con nợ, khó có thể làm lại để hoạt động nổi.

Trước những khó khăn cấp bách trên, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP HCM kiến nghị, để cứu các doanh nghiệp bị thiệt hại nói chung và các khu công nghiệp nói riêng, "chúng tôi đề xuất các ngân hàng thương mại cần có chính sách giảm ngay, giảm sâu lãi vay đối với tất cả các dư nợ hiện hữu của doanh nghiệp và nhà máy".

Đặc biệt mong muốn các ngân hàng thương mại giảm ngay 1% lãi suất tín dụng của tất cả các dư nợ hiện hữu của doanh nghiệp theo ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện trong hội nghị mới đây của Ngân hàng Nhà nước vào thứ Sáu ngày 09/07/2021.

Theo Phương Thanh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên