MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú được hỗ trợ trong gói 80.200 tỷ đồng giãn thuế và tiền thuê đất

27-03-2020 - 14:51 PM | Bất động sản

Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang phải chịu nhiều áp lực khi khách du lịch giảm đột ngột.

Ngày 26/3 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ước tính số tiền hỗ trợ khoảng 80.200 tỷ đồng.

Trường hợp hỗ trợ bao gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành như: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất giày; vận tải, đường sắt; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và nghị định quy định chi tiết.

Về thuế GTGT, dự kiến, người nộp thuế được gia hạn thời gian nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6 (đối với trường hợp kê khai thuế theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, II (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý). Thời gian gia hạn là 5 tháng.

Về thuế TNDN, người nộp thuế được gia hạn thời gian nộp với số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào ngân sách và số thuế TNDN tạm nộp của quý I, II. Thời gian gia hạn là 5 tháng.

Về thuế đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020. Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn trước ngày 15/12.

Về tiền thuế đất, người nộp thuế được gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm mà trên quyết định, hợp đồng cho thuê đất có mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế nêu trên.

Riêng với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì được gia hạn toàn bộ tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày 31/5. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế thì người nộp thuế chỉ gửi 1 lần giấy đề nghị gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho toàn bộ các kỳ được gia hạn và thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn chậm nhất vào ngày 30/7.

Như vậy, nếu tờ trình trên được thông qua thì các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng… sẽ giảm tải được nhiều áp lực vì được hỗ trợ giãn thuế, hoãn thời gian đóng các loại thuế. Đây là một tín hiệu tích cực cho toàn thị trường bất động sản có kinh doanh dịch vụ lưu trú giữa lúc ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương: “Đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới, chúng tôi dự báo lượt du khách quốc tế sẽ còn giảm mạnh hơn con số dự kiến này. Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của các quốc gia Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn của khu vực này vào thị trường khách Trung Quốc trong khi đây là quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh”.

Ông Mauro cũng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tương tự do Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành du lịch, chiếm tới 56% lượng khách quốc tế trong năm 2019. Thêm vào đó, trong hai tuần qua, dịch bệnh đã trở nên ngày càng phức tạp hơn tại khu vực Châu Âu và Châu Mỹ, trong khi 2 thị trường này cũng chiếm tới 17% tổng lượt khách đến Việt Nam trong năm 2019.

Tuy nhiên, chuyên gia Savills cũng dự báo khi đại dịch kết thúc thì ngành du lịch sẽ hồi phục nhanh nhất. Thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Trong thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, đặc biệt là ở các thành phố lớn, tiếp theo là khách du lịch tự do (FIT) và khách MICE, sau cùng là khách du lịch theo nhóm. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên