MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp là "bà đỡ" giáo dục nghề nghiệp

Doanh nghiệp là "bà đỡ" giáo dục nghề nghiệp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ chuyện môn, kỹ thuật cao dù đã có nhiều hình thức thu hút giữ chân lao động.

Theo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có trên 200.000 cử nhân đại học thất nghiệp. Tỷ lệ này vẫn ở mức cao, tiếp tục đặt ra bài toán giải quyết việc làm cho sinh viên. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại tự tin về cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ngay sau khi ra trường.

Trên thực tế, trên 90% học sinh, sinh viên các trường nghề ra trường có việc làm. Ngoài vai trò của các nhà trường thì doanh nghiệp đang chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.

Đoàn Đức Long, trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội và Lê Khả Công, trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội là 2 trong số rất nhiều sinh viên trường nghề đã có một công việc tốt với mức lương hấp dẫn ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo em Đoàn Đức Long, em được nhận vào làm tại một nhà hàng 5 sao ở Thủ đô, thu nhập của em khoảng 10 triệu đồng/tháng. Cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đã luôn dạy, đào tạo và tạo những cơ hội mới cho chúng em để có những bước tiến tốt hơn trong tương lai.

Trong khi đó, em Lê Khả Công được nhận vào làm ở một công ty rất tốt, rất sát với chuyên môn đã từng học. Hiện tại em đang quản lý sản xuất dây chuyền điểm keo tự động của cánh tay robot. Em cảm thấy mình rất may mắn được học tập và phát huy được khả năng của mình khi ra trường.

Hiện nay không ít ngành nghề đang khát nguồn lao động trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao dù đã có nhiều hình thức thu hút giữ chân lao động. Không ít doanh nghiệp đã phải tìm đến các cơ sở đào tạo nghề, thậm chí sẵn sàng cung cấp nguyên vật liệu thực hành cho học sinh, sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các em đi thực tế, thực tập tại doanh nghiệp và trả lương cho sinh viên.

Bà Lê Thu Hương, Phó phòng Quản lý khách sạn Inter Continental Landmark Hà Nội và ông Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí xuất khẩu cho biết: “Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của sự kết hợp giữa việc học ở trường và môi trường khách sạn thực tế. Điều đó sẽ giúp cho các em sinh viên có những trải nghiệm thực tế, từ đó cũng giúp khách sạn giảm thiểu thời gian tuyển dụng, gia tăng chất lượng đầu vào và duy trì chất lượng dịch vụ đồng đều.

Vì vậy, chúng tôi cũng mở rộng quan hệ với một số trường để hỗ trợ vào thời điểm khi tăng đột biến đơn hàng để đủ nhân lực làm việc. Nếu không có sự hợp tác này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có những đơn hàng có thể chúng tôi khó đong đếm được vì không có nguồn lao động kịp thời để phục vụ công việc”.

Trong năm 2020, các doanh nghiệp đã tiếp nhận hơn 52.000 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; hỗ trợ tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo ở các trình độ; có 229 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với hơn 12.300 người; tuyển dụng hơn 16.000 học sinh, sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội khẳng định, việc gắn kết đào tạo này giúp cho học sinh, sinh viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn còn doanh nghiệp cũng dễ dàng trong tuyển dụng lao động phù hợp, đồng thời không tốn kém chi phí đào tạo lại.

Theo ông Ngọc: “Chúng tôi quan niệm chất lượng nhà trường thì phải để xã hội đánh giá, doanh nghiệp đánh giá, người học đánh giá, phụ huynh  thừa nhận. Để làm tốt thì chúng tôi cũng xác định rõ là trên tinh thần phục vụ: Một nhà trường phục vụ, một nhà trường linh hoạt và mở, đào tạo linh hoạt theo nhu cầu. Mở là lúc nào cũng chào đón, lúc nào cũng mời chào các doanh nghiệp để tham gia, cùng mời chào thí sinh nào mong muốn học nghề, xin mời vào. Chúng tôi sẽ đào tạo, mà chúng tôi cam kết không để sinh viên thất nghiệp”.

Nắm bắt được xu thế đào tạo gắn với thị trường, nhiều trường nghề đã áp dụng mô hình "đào tạo kép", phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp. Các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, cập nhật cho giáo viên và sinh viên các kỹ năng mới, công nghệ mới…

Hiện tại, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã xây dựng được mối quan hệ với 300 doanh nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Bà Phạm Thị Hương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Chúng tôi xác định rằng, gắn kết với doanh nghiệp việc đầu tiên là tạo ra cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Hai là trong quá trình các em học tập gắn kết doanh nghiệp để cho các em có cơ hội được thực tập có sự gắn kết của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo thì chúng tôi mới có thể đảm bảo để các em ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.

Định hướng về công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp bằng những chính sách phù hợp để hai bên cùng có lợi.

“Cũng đã rất nhiều chủ sử dụng doanh nghiệp nói với chúng tôi doanh nghiệp sẵn sàng bỏ kinh phí để đào tạo với điều kiện theo tiêu chuẩn đầu ra của doanh nghiệp và thực tế rất nhiều trường đã thực hiện. Điều này vì sao có đặt hàng của doanh nghiệp đó chính là yêu cầu theo tiêu chuẩn đầu ra của doanh nghiệp nhưng nói rằng đa số doanh nghiệp làm được điều này thì có thể nói là chưa chính xác.  Vì vậy nên chúng tôi rất mong muốn rằng gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, đó chính là kết quả đầu ra của giáo dục nghề nghiệp với đầu vào của doanh nghiệp” - bà Nhàn cho biết.

Việc gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động không chỉ là "cái bắt tay” của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp mà còn tạo ra sự cân bằng về cung cầu trong thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0./.

Theo Kim Thanh

VOV

Trở lên trên