MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lãi lớn, kỳ vọng cuối năm

Loạt ngân hàng, doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong quý III và 9 tháng đầu năm, mở ra kỳ vọng tăng trưởng cho nền kinh tế dịp cuối năm

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, một loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết, ngân hàng (NH) đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 và 9 tháng đầu năm nay với những kết quả tích cực. Bức tranh lợi nhuận quý III khả quan trong bối cảnh nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Loạt "ông lớn" báo lãi đậm

Chiều 1-11, NH Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tính đến hết quý III, tổng tài sản VietinBank tăng 9,7% so với đầu năm; cho vay khách hàng tăng 9% với dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực phù hợp với định hướng và hạn mức tín dụng của NH Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng tại cuối quý III tăng 7,5% so với đầu năm.

Nhà máy ô tô của VinFast, công ty con của Tập đoàn Vingroup tại Hải Phòng

Nhà máy ô tô của VinFast, công ty con của Tập đoàn Vingroup tại Hải Phòng

Thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm của VietinBank đạt 46.100 tỉ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của "ông lớn" NH này đạt hơn 19.500 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, đưa VietinBank lên vị trí thứ 5 trong tốp các NH thương mại có kết quả lợi nhuận tốt nhất trong 9 tháng qua.

Quán quân của danh sách này là Vietcombank với 31.533 tỉ đồng, tiếp đến là Techcombank 22.842 tỉ đồng, BIDV 22.047 tỉ đồng và MB 20.736 tỉ đồng.

Trong danh sách những NH thương mại có lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng của 9 tháng đầu năm còn có VPBank, ACB và HDBank. NH tiếp tục là một trong những ngành có kết quả hoạt động kinh doanh khả quan trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng GDP đạt 6,82%.

Không chỉ NH, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khác, bức tranh lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của DN cũng tích cực.

Tập đoàn Vingroup công bố tổng doanh thu thuần hợp nhất trong 9 tháng đạt tới 126.916 tỉ đồng, ghi nhận sự thay đổi tích cực trên toàn bộ các trụ cột kinh doanh chính bao gồm công nghiệp (VinFast), bất động sản nhà ở, du lịch - nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Lợi nhuận 4.069 tỉ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty thành viên của Vingroup đều mang về kết quả khả quan, như Vinhomes lãi trước thuế 24.596 tỉ đồng, Vincom Retail lãi ròng hơn 3.000 tỉ đồng. Công ty "con cưng" của Vingroup là VinFast dù chưa công bố con số cụ thể nhưng cho biết trong 9 tháng đầu năm đã bàn giao tới 44.260 ô tô điện, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng 108% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines tiếp tục lấy lại phong độ sau vài năm khó khăn, khi tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt hơn 85.466 tỉ đồng, tăng hơn 24,64% so sánh cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6.263 tỉ đồng. Riêng quý III/2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 862 tỉ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết mức lợi nhuận đạt được chủ yếu do tiếp tục cải thiện hiệu quả công ty mẹ và cộng hưởng hệ sinh thái các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, hãng có lãi nhờ khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế, mở thêm các đường bay mới cùng hoạt động khai thác tăng cao trong giai đoạn cao điểm hè…

Tương tự, trong 9 tháng đầu năm 2024, hãng hàng không Vietjet ghi nhận 52.200 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.405 tỉ đồng, 564% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ghi nhận, một loạt DN niêm yết trong các ngành sản xuất, kinh doanh khác như bán lẻ, dệt may, chứng khoán, bất động sản… cũng có kết quả lợi nhuận khả quan trong quý III và 9 tháng đầu năm.

Triển vọng tích cực vào cuối năm

Cùng ngày, S&P Global đã công bố kết quả Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, với kết quả đạt 51,2 trong tháng 10, tăng đang kể so với mức 47,3 điểm của tháng 9, chính thức lấy lại ngưỡng 50 điểm sau thời gian bị gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định dữ liệu tháng 10 cho thấy sản xuất của Việt Nam phục hồi thời gian gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra. Các công ty ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới tăng và họ có thể mở rộng sản xuất. Có điều, một số công ty vẫn đang chịu ảnh hưởng của cơn bão, từ đó tốc độ tăng trưởng bị hạn chế. "Hy vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng khi nhiều nhà sản xuất hoạt động trở lại với công suất tối đa vào cuối năm" - ông Andrew Harker nói.

Con số tích cực của chỉ số PMI phản ánh đơn hàng xuất khẩu đã tăng trở lại và khởi sắc hơn vào giai đoạn cuối năm.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết vài tháng gần đây, tình hình đơn hàng xuất khẩu đã tích cực hơn trong một số ngành như dệt may, chế biến gỗ, một số sản phẩm nông nghiệp… Nhu cầu vay vốn tại các NH để phục vụ sản xuất trong những tháng cuối năm cũng tăng trở lại.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, NH Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6%) nhờ kết quả GDP của quý III khả quan hơn dự kiến. Quý IV dự kiến tăng trưởng ở mức 6,9% và năm 2025 đạt khoảng 6,7%.

Theo các chuyên gia kinh tế của NH Standard Chartered, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.

Thực tế, FDI giải ngân 9 tháng qua đã tăng 8% so với cùng kỳ, trong khi FDI cam kết tăng 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất vẫn là động lực chính giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng."Dù áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại nhưng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Việc Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế có thể giúp duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời gian tới và các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của NH Nhà nước" - ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, NH Standard Chartered nói. 

Chất lượng lợi nhuận rất khả quan

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, chất lượng lợi nhuận của các DN niêm yết tại Việt Nam rất cao, thể hiện qua tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn thị trường dự kiến khoảng 16% vào năm 2025, dù tỉ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 24%. Cả hai chỉ số này đều ở mức khả quan so với các thị trường chứng khoán mới nổi trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines), ROE của các thị trường này dao động từ khoảng 10%-14%.


Theo Lam Giang

Người Lao Động

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên