MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lo phá sản, công nhân trầm cảm khi sản xuất '3 tại chỗ'

05-08-2021 - 09:58 AM | Doanh nghiệp

90% doanh nghiệp dệt may tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do không thể thực hiện "3 tại chỗ"

90% doanh nghiệp dệt may tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do không thể thực hiện "3 tại chỗ"

Hoảng loạn, lo lắng khi bỏ gia đình để vào công ty ở lại làm việc trong thời gian dài, đã khiến nhiều công nhân không còn muốn tiếp tục công việc.

Công nhân chỉ muốn về nhà

Chiều ngày 4/8, tại hội thảo trực tuyến về Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch COVID 19 – Vấn đề và giải pháp do Phòng Thương mại & Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và các Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ những khó, vướng mắc cũng như cần sự tháo gỡ từ chính phủ để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng dịch, vừa sản xuất”.

Tại hội thảo, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) cho rằng, nếu DN lương thực thực phẩm không sản xuất thì sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng hoàn toàn ngành hàng chủ lực.

“Tuy nhiên, đã trải qua hơn 20 ngày sản xuất “3 tại chỗ”, tâm lý của mọi người từ cán bộ đến công nhân viên đều ngao ngán. Hàng ngày, chủ DN ngoài lo ăn 3 bữa, lo tiền, có nơi còn bồi dưỡng 200.000 đồng/ngày khi công nhân vào nhà máy… cũng không đủ sức tiếp tục giữ công nhân. Tất cả công nhân đều muốn rời khỏi nhà máy, không yên tâm tiếp tục làm việc nữa bởi ai cũng có gia đình, ai cũng muốn về nhà. Nếu tiếp tục thì không giữ vững sản xuất, còn nếu cho về thì tất cả phải làm sạch lại từ đầu” – bà Kim Chi nêu thực tế.

 Doanh nghiệp lo phá sản, công nhân trầm cảm khi sản xuất 3 tại chỗ  - Ảnh 1.

Vissan cũng thực hiện "3 tại chỗ" nhưng vẫn không tránh khỏi nhân viên mắc F0 tại doanh nghiệp

Do đó, theo bà Chi, cần có kịch bản trong thời gian tiếp theo như thế nào? Bởi có thể dịch nhiều khả năng còn kéo dài 2-3 tháng tiếp theo. Cũng theo bà Chi, hiện nay có 7 nhóm đối tượng được ra ưu tiên ra đường nhưng không có ngành lương thực thực phẩm.

“Để có thể đến nhà máy, có thể giao dịch với ngân hàng vì không thể làm việc online… chúng tôi đều phải “đi chui”, hoặc năn nỉ người trực chốt… để được đi qua. Thực sự rất vất vả” – Chủ tịch FFA nêu khó.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, đã có trường hợp phát hiện F0 trong công ty khiến công nhân hoảng loạn, tháo chạy ra ngoài. Đó mới là vấn đề đáng sợ. Do đó điều quan trọng là làm sao để người lao động an tâm, tin tưởng vào DN, Chính phủ.

“Ngay cả xưởng của công ty của tôi ở Khu công nghiệp cũng ngưng 2 tuần khi áp dụng có quy định về “3 tại chỗ”. Trong 2 tuần đó, khách hàng, hàng hóa rối loạn. Nhưng khi chúng tôi xây dựng thêm khu để công nhân ở lại thì không ai muốn đến làm việc.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam thông tin, 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã xuất khẩu hơn 22 tỷ USD (tăng 20,25% so với cùng kỳ năm 2020), đây là nỗ lực của ngành dệt may Việt nam. Hiện, ngành dệt may chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, vượt qua Bangladesh và Ấn Độ. Tuy nhiên từ tháng 8, ngành có những khó khăn cực kỳ phức tạp.

 Doanh nghiệp lo phá sản, công nhân trầm cảm khi sản xuất 3 tại chỗ  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp "3 tại chỗ" chi cả trăm triệu đồng để xét nghiệm COVID-19 cho công nhân

Ông Giang cho rằng, Chỉ thị 16 tạo áp lực lớn với cộng đồng DN, làm tê liệt hoàn toàn sản xuất của 19 tỉnh phía Nam. Nhiều địa phương không linh hoạt khi áp dụng Chỉ thị 16, nhiều DN chưa bị F0 vẫn phải đóng cửa.

Công nhân không được đi làm, nhưng bộ phận phát triển mẫu cũng không cho đi. Nhiều tỉnh địa phương cũng không cho DN bố trí văn phòng cho người đi làm. Mới đây, hàng hóa chuyển từ xưởng này sang xướng khác, dù không xa bao nhiêu nhưng nhiều nơi cũng cho là hàng không thiết yếu, không đồng ý lưu thông. Các địa phương kiểm soát hàng chuyển từ Nam ra Bắc và ngược lại cũng không được, việc xét nghiệm PCR của lái xa, có nơi cho 5 ngày, có nơi chỉ đồng ý giấy xét nghiệm thời gian 3 ngày… Chính sự không thống nhất này đã tạo thêm sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất” – ông Giang cho biết.

Ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký Hiệp hội logistic Việt Nam ví von, vận tải hàng hóa hiện nay như “một ổ khóa và có 4 chìa khóa”. Chiếc “chìa khóa” đầu tiên là Bộ Y tế quy định lái xe có xét nghiệm âm tính; “chìa khóa” thứ hai bà Bộ Giao thông vận tải can thiệp vào mã nhận diện QR code và “luống xanh”; tiếp theo Bộ Công thương quy định khái niệm hàng hóa thiết yếu vận tải hàng hóa thiếu yếu; “chìa khóa” cuối cùng là chốt phòng dịch do địa phương thành lập có điều kiện phòng dịch riêng.

“4 yếu tố ràng buộc này tạo sự khó khăn cho vận tải. Nhà máy đã khó khăn để tồn tại, nay thêm khâu vận tải không thuận lợi nên khó càng nhân đôi” – ông Minh nhìn nhận.

Để DN tự chủ

Theo ông Vũ Đức Giang, nên có hướng dẫn, tạo điều kiện cho công nhân ở một số lĩnh vực, một số DN, một số vùng không có F0 được đi làm; đồng thời truy vết, thực hiện 5K, DN tự chịu trách nhiệm. Đồng thời phải tạo ra sự thống nhất về vắc-xin cho DN dệt may. Hiện ngành dệt may chưa tới 1% công nhân tiêm đã tạo tâm lý không yên tâm khi họ đi làm việc.

“Nếu dịch còn kéo dài thì DN chẳng lẽ phải tiếp tục đóng cửa, người lao động không có việc làm. Hiện hàng loạt lao động dệt may đi về địa phương, nếu DN tái khởi động thì là một thách thức lớn, dự kiến thiếu khoảng 40% lao động” – ông Giang cho biết.

Bà Thu Sắc kiến nghị, làm sao giúp cho DN tự chủ được quản lý y tế tại chỗ. “Chúng tôi đã mua hàng ngàn kit test để tự kiểm tra công nhân của mình. Nếu DN tự chủ và tự chịu trách nhiệm cũng là cách chia sẻ gánh nặng với Chính phủ, giảm tải với lực lượng y tế” – bà Thu Sắc nêu ý kiến .

 Doanh nghiệp lo phá sản, công nhân trầm cảm khi sản xuất 3 tại chỗ  - Ảnh 3.

Nhiều Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất dừng thực hiện "3 tại chỗ", thay vào đó, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm cũng như đảm bảo an toàn cho công nhân

Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành AmCham Vietnam cho rằng, qua quan sát thực tế, bà thấy rằng mô hình vòng bảo vệ “3 tại chỗ” chỉ hiệu quả như cơ chế tạm thời, nhưng nếu duy trì thời gian dài thì có chế này có thể không bền vững ở góc độ bảo vệ sức khỏe cho người lao động, sản xuất cho DN...

“Do đó, chúng tôi đề xuất nới lỏng mô hình “3 tại chỗ” bằng cách cho phép DN đưa rước công nhân về nhà, chịu trách nhiệm đưa đón công nhân đến nơi làm việc; đảm bảo quy trình sức khỏe nghiêm ngặt nhất.

Khuyến nghị cho DN mua các dụng cụ test nhanh… Nếu làm như vậy thì nguồn vật tư y tế phải được cung cấp dồi dào, đầy đủ. Cải thiện hiệu quả các F0, F1, F2… thông qua truy vết nhanh chóng; những trường hợp âm tính, cách ly an toàn thì nên giải phóng. Cũng cần quy định thời gian phù hợp cho người bệnh được cách ly trong thời gian nào, bao nhiêu lần âm tính thì được cho về” – bà Mary nêu giải pháp.

Bà Mary Tarnowka cũng khuyến nghị Tổ công tác COVID-19 được thành lập tại địa phương cần có đại diện DN hoặc các ngành, để đáp ứng mới diễn tiến của dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục, phê duyệt hỗ trợ cũng như cung cấp các dịch vụ bên ngoài như nhà ở cho công nhân.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, hiện Chính phủ đang rất tích cực triển khai các giải pháp đã ban hành, cũng như những giải pháp mới để hỗ trợ DN. Những ý kiến của DN sẽ được VCCI gửi đến Chính phủ trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đại dịch này, hơn lúc nào hết cần cải cách thể chế thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho DN. Đề nghị các tổ công về rà sát thúc đẩy các dự án không chỉ được thành lập ở cấp chính phủ mà nên thành lập ở cấp bộ ngành địa phương, tận các huyện xã để xem xét các dự án của DN trong các lĩnh vực thì có khó khăn vướng mắc nào để địa phương thực sự tìm cách cùng DN tháo gỡ, đẩy nhanh các dự án.

Việc kết hợp các giải pháp kết hợp giảm các thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện các tổ công tác, rà soát hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ các dự án là hết sức quan trọng để đẩy mạnh việc đầu tư công.

“Chúng ta có nhắc đến việc không đánh đổi sức khỏe nhân dân để đổi lấy sức tăng trưởng. Nhưng quan trọng nhất kinh tế là sinh kế của nhân dân, bảo vệ được sinh kế của người dân cũng rất quan trọng do đó cần kết hợp cả 2 mục tiêu này, chứ không chỉ vì mục tiêu chống dịch mà bỏ lơi chức năng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cứu các DN.

Trong trường hợp đấy sẽ đẩy người lao động, người dân vào tình trạng không có việc làm, thiếu thu nhập. Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy ưu tiên phòng dịch bệnh nhưng cũng phải cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh” – ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, VCCI đã đề xuất đến Chính phủ các kiến nghị như: giảm tiền điện cho các DN hiện nay, giảm phí công đoàn trước mắt là 1% chứ không phải 2% ít nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, giảm các chi phí khác, hỗ trợ các DN chi phí mà họ bỏ ra trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên