MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lo tỷ giá tăng

Kinh tế có dấu hiệu hồi phục khiến doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng nhập khẩu nguyên, vật liệu để phục vụ sản xuất. Tuy vậy, trong bối cảnh tỷ giá tăng cao cùng với giá cước vận chuyển leo thang, DN rơi vào tình trạng khó chồng khó.

Chia sẻ với PV Tiền Phong , ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, ngành điều đang gặp khó khăn đủ đường. Năm nay, do khô hạn kéo dài, sản lượng điều ở một số nước châu Phi giảm mạnh, dẫn tới các đối tác quốc tế đang làm khó DN Việt Nam. Họ yêu cầu phải thanh toán với giá cao hơn nhiều so với giá hợp đồng đã ký. Hiện tại, giá điều thô tăng hơn 40 - 50% so với hồi đầu năm.

Doanh nghiệp lo tỷ giá tăng- Ảnh 1.

Trong bối cảnh hiện nay biến động tỷ giá vẫn được cho là đang ở mức hợp lý. Ảnh: Như Ý

Theo ông Uy, trong khi giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, việc tỷ giá tăng cao khiến DN phải mất thêm một số tiền chênh lệch lớn để thanh toán cho các đối tác. Từ đầu năm 2024, tỷ giá tăng khoảng 5%, cứ 1 tấn điều thô (khoảng 1.500 - 1.600 USD), DN hiện phải chi thêm khoảng 75 USD (gần 2 triệu đồng) do tỷ giá tang so với đầu năm. “Trung bình nếu một lô hàng nguyên liệu nhập khẩu cả trăm tấn điều, DN mất thêm hàng tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá”, ông Uy chia sẻ.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, chỉ riêng năm ngoái, Việt Nam đã chi tới gần 3,2 tỷ USD nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn điều thô. Còn tính đến nửa đầu tháng 6 năm nay, con số này đạt khoảng 1,6 tỷ USD. “Tỷ giá, cước phí và giá nguyên liệu đều đồng loạt tăng mạnh, khiến DN ngành điều như ngồi đống lửa, rất nhiều DN đang kêu thua lỗ”, một lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ.

Không chỉ ngành điều, hiện nhiều DN trong ngành thủy sản, dệt may, đồ gỗ, phân bón chịu tác động đáng kể từ biến động tỷ giá. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt trong quý I đều ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, thực tế khi tỷ giá tăng sẽ có những biến động trái chiều, trong đó đa phần sẽ khiến DN lo lắng. Đồng USD tăng giá giúp DN xuất khẩu thu được lợi hơn. Tuy nhiên, hiện tại hoạt động sản xuất của DN xuất khẩu Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường thế giới nên tỷ giá tăng cũng tạo rủi ro cho DN.

Các DN phải nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất sẽ bị bội chi về phí nhập khẩu…, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 190 tỷ USD, tăng 14,5%, nhập khẩu đạt 178,4 tỷ USD, tăng 17%.

Chia sẻ với PV Tiền Phong , TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, việc nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt có thời điểm xuất hiện nhập siêu chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các DN bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh tỷ giá tăng cao, DN nhập khẩu có gặp chút áp lực vì phải chi số tiền nhiều hơn để nhập khẩu sản phẩm. Ông Nghĩa nhận định mức tăng 5% giữa đồng VND/USD kể từ đầu năm là hợp lý và áp lực tỷ giá trong tình huống hiện tại không quá lớn trong bối cảnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và thặng dư thương mại vẫn ở mức cao.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên