MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp muốn tiến xa và phát triển bền vững, bảo vệ thế hệ trẻ là việc cần làm

Doanh nghiệp muốn tiến xa và phát triển bền vững, bảo vệ thế hệ trẻ là việc cần làm

Đầu tư vào sự phát triển của thế hệ trẻ là một sự đầu tư hiệu quả về chi phí để thúc đẩy sự thịnh vượng chung, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, mở rộng cơ hội bình đẳng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối với mỗi 1 USD chi cho sự phát triển thời thơ ấu, lợi tức đầu tư có thể lên tới 13 USD.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã nhất mạnh: “Bên cạnh những doanh nghiệp có hoạt động chủ đích vào đối tượng là trẻ em thì hầu như tất cả doanh nghiệp đang hoạt động đều tương tác với trẻ em mặc dù không trực tiếp và không có chủ đích. Trẻ em có thể làm việc trong nhà máy, trên cánh đồng, là thành viên trong gia đình của người lao động và là thành viên của cộng đồng tại địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động”.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới mà trẻ em đang sống thông qua hành động, ảnh hưởng và cách sử dụng các nguồn lực, Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI – cơ quan quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng: “Cần ưu tiên thực hành tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị ( ESG) vì việc này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước khi tiếp cận với thị trường quốc tế, thúc đẩy các thực hành kinh doanh có trách nhiệm và góp phần vào việc xây dựng tương lai bền vững vì tương lai của tất cả chúng ta, trong đó có thế hệ trẻ”.

Doanh nghiệp muốn tiến xa và phát triển bền vững, bảo vệ thế hệ trẻ là việc cần làm - Ảnh 1.

Diễn đàn doanh nghiệp “Kinh doanh có trách nhiệm vì Tương lai Bền vững cho Thế hệ trẻ Việt Nam” đã được tổ chức bởi Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UNICEF chiều ngày 30 tháng 05 năm 2023 tại Hà Nội cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết, tầm quan trọng của thực hành kinh doanh có trách nhiệm, thúc đẩy doanh nghiệp tôn trọng quyền trẻ em vì kinh doanh tác động đến cuộc sống của trẻ em bằng nhiều cách, thậm chí nhiều doanh nghiệp cũng không hề nhận ra điều này.

Do sự phát triển nhanh về thể chất, tinh thần và tình cảm đặc biệt của trẻ em, bất kỳ tác động tiêu cực hiện có hoặc tiềm ẩn nào do hoạt động kinh doanh cũng có thể gây ra những hậu quả không thể khắc phục được đối với sự phát triển của trẻ em.

Trong quy mô kinh tế hơn 400 tỷ USD của Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong khi đó, trẻ em là liên quan chính trong kinh doanh, các em là khách hàng, là người trong gia đình của nhân viên, là lao động trẻ, là những nhân viên và là nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai.

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức kinh tế tư nhân khác có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm nhằm tôn trọng quyền trẻ em.

Đặc biệt, Bà Rana Flowers nhấn mạnh: “Càng trong những thời khắc càng khó khăn, càng cần quan tâm hơn đến trẻ em. Bởi khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, người lao động và gia đình mới thực sự là những bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trực tiếp nhất!

Tại ấn bản “Quyền trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh” (xuất bản tháng 8/2017) của UNICEF, tất cả các doanh nghiệp cần thực hiện các nguyên tắc sau để thúc đẩy và tôn trọng quyền trẻ em. Cụ thể bộ nguyên tắc và công cụ khác hướng dẫn thực hành doanh nghiệp có trách nhiệm với lợi ích của trẻ em có thể tham khảo tại website (crbp.com.vn).

Doanh nghiệp muốn tiến xa và phát triển bền vững, bảo vệ thế hệ trẻ là việc cần làm - Ảnh 2.

Quyền trẻ em và 10 Nguyên tắc kinh doanh. Nguồn: UNICEF, VCCI, CRBP.

Trong khi đó, sự chuyển dịch nhận thức đi cùng với các hành động cụ thể nhằm tích hợp trách nhiệm kinh doanh vào mọi khía cạnh của hoạt động vận hành doanh nghiệp thì mới giúp họ giảm thiểu rủi ro liên quan tới pháp lý, gây tổn hại với uy tín, danh tiếng của công ty.

Đây chính là lúc các doanh nghiệp cần nhận ra trách nhiệm xã hội của mình và ưu tiên các thực hành kinh doanh có trách nhiệm để đem lại lợi ích cho xã hội và thành công cho chính họ một cách bền vững. Một số chương trình cụ thể và thiết thực có thể kể đến như sau.

Doanh nghiệp nên thực hiện các hoạt động bình đẳng giới. Cụ thể, các doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trong quá trình thai sản và nuôi con nhỏ, có giờ làm việc linh động và sẵn sàng luân chuyển vị trí làm việc để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đảm bảo quyền tham gia đóng góp xây dựng của phụ nữ trong phát triển doanh nghiệp.

Việc thực hiện đảm bảo quyền phụ nữ góp phần bảo vệ quyền trẻ em giúp tăng tính kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp. Qua đó, người lao động có nhiều động lực cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.

Đặc biệt, việc trao quyền cho trẻ em sẽ đóng vai trò tích cực trong việc định hình các hoạt động kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp nên lắng nghe ý kiến của trẻ em để đưa ra các sản phẩm phù hợp. Việc đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ em góp phần giúp doanh nghiệp tăng trưởng ổn định, bền vững trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Để đảm bảo quyền của người lao động và quyền trẻ em được bảo vệ và thúc đẩy trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, việc tăng cường hợp tác giữa công đoàn, doanh nghiệp và chính phủ là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh cũng đòi hỏi sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội. Những tổ chức này có thể đóng góp quan trọng vào công tác giám sát, đánh giá các hoạt động kinh doanh liên quan đến trẻ em, đồng thời đưa ra các giải pháp và sự hợp tác giữa các tổ chức này và các bên liên quan khác cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động bảo vệ trẻ em trong kinh doanh.

UNICEF nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tôn trọng quyền trẻ em thể hiện qua các hành động như tích cực cùng nhà nước trong việc bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em. Cụ thể, doanh nghiệp cần thực hiện hành vi có trách nhiệm, như nộp thuế để tạo nguồn thu cho nhà nước. Từ đó, các chính phủ sử dụng nguồn thu để đảm bảo thực hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em.

Tại Việt Nam, thời gian qua các ban, bộ, ngành đã phối hợp cùng cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các buổi hội thảo quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về quyền trẻ em trong sản xuất kinh doanh. Bộ LĐTBXH đã từng phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và VCCI tổ chức hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

Trên thực tế, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể. Theo Bộ LĐTBXH, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 6,6% năm 2011. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với đó, một số cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả mà các doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức xã hội thực hiện để thúc đẩy và bảo vệ quyền của trẻ có thể kế đến như tổ chức các hội thảo, diễn đàn giải quyết các vấn đề mà người lao động và trẻ em đang gặp phải trong từng giai đoạn cụ thể.

Việc quan tâm chăm sóc cho gia đình người lao động sẽ đóng góp lớn vào nâng cao tinh thần, từ đó họ có thể đóng góp cho doanh nghiệp tốt hơn bằng cách nâng cao năng suất lao động, hay cải thiện bầu không khí và văn hóa chung của doanh nghiệp. Điều đó cuối cùng sẽ dẫn tới tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, và sẽ đem lại lợi nhuận tốt hơn , bà Rana Flowers cho biết.

Doanh nghiệp muốn tiến xa và phát triển bền vững, bảo vệ thế hệ trẻ là việc cần làm - Ảnh 3.

Điền hình như Unilever Việt Nam đã trở thành một trong những công ty rất thành công trong việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm nhằm xây dựng tương lai bền vững cho tất cả mọi người và đặc biệt là trẻ em.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Phát triển bền vững, Unilever Việt Nam cho biết nhìn chung nhiều người tin rằng có sự đánh đổi giữa kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững với sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với Unilever thì không có sự đánh đổi, trong ngắn hạn có thể có những hạn chế nhất định nhưng trong dài hạn lại tạo sự tăng trưởng bền vững, ổn định nhờ định hướng phát triển theo hướng bền vững. Cũng theo bà Nhi, có 4 động lực để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình trong kinh doanh.

Thứ nhất, năm 2022, nền kinh tế bắt đầu có nhiều khó khăn, người tiêu dùng bắt đầu thay đổi chi tiêu trong tiêu dùng để phù hợp với những giai đoạn khó khăn phía trước.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn rất quan tâm tới sản phẩm của những doanh nghiệp có định hướng phát triển thân thiện với cho trẻ em, môi trường và xã hội. Trên thực tế, 82% người mua hàng mong muốn doanh nghiệp thực hiện phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, công ty hay các nhãn hàng thực hiện kinh doanh theo hướng bền vững có nhiều khả năng để giúp tăng trưởng kinh doanh.

Thứ hai, những sản phẩm phát triển bền vững đều có tăng trưởng rất tốt, vượt trội hơn những ngành hàng khác, bà Nhi nhấn mạnh. Thứ ba, phát triển bền vững giúp tiết kiệm chi phí. Cụ thể, Unilever đã tiết kiệm được 1,2 tỷ Euro trên toàn cầu nhờ việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo giúp bản vệ sức khỏe cộng đồng. Thứ tư, những doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững thường có vị trí tốt hơn trên thị trường.

Như vậy, việc quan tâm đến quyền lợi của trẻ em trong kinh doanh sẽ giúp tăng tính uy tín cho doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm tốt hơn, thúc đẩy sự sáng tạo trong sản xuất và đạt được sự phát triển bền vững.

Chính vì vậy, để có sự phát triển bền vững, tất cả các doanh nghiệp cần hành động như thông điệp mà Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Lồng ghép quyền trẻ em vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là điều nên làm mà còn là một công cụ hiệu quả cho quá trình ra quyết định cân nhắc đến các yếu tố về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) giúp các doanh nghiệp tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người”.

PV

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên