Doanh nghiệp Mỹ trước tác động của virus corona: Người lạc quan, kẻ lo sợ
Tốc độ lây lan nhanh chóng của virus viêm phổi đang là lo ngại lớn của một số doanh nghiệp lớn nhất thế giới.Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lạc quan về chuỗi cung ứng.
Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc xác nhận tính đến cuối ngày 29/1 có thêm 38 người tử vong vì virus viêm phổi corona và 1.737 người nhiễm mới. Như vậy, tổng số ca tử vong vì loại virus viêm phổi này là 170 và số người nhiễm bệnh là 7.711.
Tốc độ lây lan nhanh chóng của virus viêm phổi đang là nỗi lo ngại lớn của một số doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Có 27 doanh nghiệp đề cập đến tác động của dịch bệnh này trong các cuộc thảo luận về kết quả kinh doanh quý IV/2019 và triển vọng của quý tiếp theo.
Với Apple, định hướng về triển vọng cho quý tới nhiều hơn so với bình thường. Theo CEO Tim Cook, nguyên nhân cho sự thay đổi này là dịch viêm phổi cấp đang lan rộng ở Trung Quốc.
"Chúng tôi đã đóng một cửa hàng bán lẻ và một số đối tác phân phối hiện cũng đóng cửa hàng rồi. Với những cửa hàng vẫn mở cửa, giờ hoạt động được giảm xuống. Chúng tôi sẽ triển khai thêm các biện pháp phòng chống dịch và thường xuyên lau dọn kỹ lưỡng cửa hàng cũng như kiểm tra thân nhiệt cho nhân viên. Doanh số bán hàng của chúng tôi tại Vũ Hán khá nhỏ nhưng dịch bệnh khiến lượng người tới mua hàng ở các khu vực khác trên khắp Trung Quốc có xu hướng giảm trong vài ngày qua".
Cũng theo Apple, công ty đang làm việc với các nhà cung cấp tại Vũ Hán để giảm thiểu mức thiệt hại về sản xuất.
Tính đến cuối ngày 29/1, tổng số ca tử vong vì loại virus viêm phổi này là 170 và số người nhiễm bệnh là 7.711. Ảnh: AP.
Trong khi đó, chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks cũng đóng cửa hơn một nửa cửa hàng ở Trung Quốc. Starbucks cho biết số lượng cửa hàng bị đóng và thời gian đóng cửa là 2 yếu tố chính sẽ tác động đến tình hình kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, những quán Starbucks duy trì hoạt động đều ghi nhận doanh số giảm so với trước đó, theo ban lãnh đạo công ty.
Giám đốc Tài chính Starbucks, Patrick Grismer, cho biết lượng khách tới các quán cà phê tại Trung Quốc giảm do người dân ngại tới trung tâm thương mại. Đây là một vấn đề lớn với chuỗi cà phê này.
"Chúng tôi điều chỉnh giờ mở cửa đối với những cửa hàng vẫn hoạt động. Chúng tôi cũng điều chỉnh thực đơn dựa trên tình hình nguồn cung từ chuỗi cung ứng", một lãnh đạo cho biết. Starbucks cũng cho hay còn quá sớm để công ty thay đổi triển vọng lợi nhuận.
Với McDonald, CEO Chris Kempczinski nói: "Chúng tôi đóng cả tất cả nhà hàng tại tỉnh Hồ Bắc, tức là hàng trăm nhà hàng đã ngừng hoạt động. Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng số nhà hàng trên toàn cầu của chúng tôi nhưng chỉ chiếm khoảng 4 - 5% tổng doanh số và khoảng 3% tổng thu nhập của toàn hệ thống. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường quan trọng và chúng tôi rất lo ngại về tình hình dịch bệnh tại đây. Tác động thực sự của dịch bệnh này lên hoạt động kinh doanh của chúng tôi dự báo là khá nhỏ".
3M dường như là công ty được hưởng lợi vì là nhà cung cấp các sản phẩm bảo vệ đường hô hấp như mặt nạ. Trong khi nhiều doanh nghiệp toàn cầu dừng hoạt động tại Trung Quốc, 3M lại lên kế hoạch sản xuất tối đa tại thị trường này. "3M đang nỗ lực hết sức để sản xuất khẩu trang, duy trì hoạt động trong cả mùa Lễ hội Xuân", theo thông báo của công ty.
CEO Mike Roman của 3M nói: "Chúng tôi sẽ đẩy công suất lên 100%. Chúng tôi sẽ sản xuất 24/7". Công ty sẽ tăng cường sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và các quốc gia châu Á khác. Riêng cơ sở tại Trung Quốc đã hoạt động hết công suất.
A.O. Smith
"Hiện tại, chúng tôi dự báo chuỗi cung ứng không gặp vấn đề và sẽ vận hành bình thường. Chúng tôi thận trọng đôi chút với triển vọng kết quả kinh doanh quý I vì tết Âm lịch của Trung Quốc rơi vào tháng 1. Bất cứ khi nào tết rơi vào tháng 1, chúng tôi đều thấy tình hình kinh doanh thiết bị bị gián đoạn nhiều hơn và có ít động lực tăng".
Crane & Co.
"Về dịch viêm phổi corona, chúng tôi nhận thấy đây không phải rủi ro quá lớn đối với cơ sở vật chất hiện có và những đơn vị liên quan của công ty. Dịch viêm phổi sẽ ảnh hưởng nhiều tới một số lĩnh vực như xử lý chất lượng, thanh toán và bán hàng; ảnh hưởng ít tới lĩnh vực kỹ thuật điện và tự động hóa, và không ảnh hưởng tới ngành vật liệu chế tạo".
United Technologies
"Quay lại quá khứ vào năm 2003 và cùng nhìn xem tác động của dịch SARS. Nếu bạn nhớ thì các hãng hàng không khi đó ghi nhận lượng khách chuyên chở giảm đáng kể trong khoảng 3 tháng... Tuy nhiên, thực tế cho thấy giao thông hàng không hiện vẫn tăng trưởng mạnh và có thể vẫn có điểm sáng cho hàng không châu Á trong quý này".
Whirlpool
"Rõ ràng, khi khách hàng không tới các cửa hàng, thị trường sẽ giảm. Mọi người đều biết rằng sự tiếp xúc của chúng tôi với thị trường Trung Quốc khá hạn chế. Nhà máy duy nhất mà chúng tôi xuất hàng từ đó đi lại cách gần 1.600 km so với Vũ Hán".
PolyOne
"Chúng tôi không có cơ sở sản xuất trực tiếp nào ở Vũ Hán, nhưng lại có một số đối tác ở đó. Vì vậy, chúng tôi vẫn hạn chế đi lại đối với tất cả đối tác".
Polaris
"Chúng tôi thuê sản xuất một số bộ phận ở Trung Quốc nhưng không nhận thấy bất kỳ sự gián đoạn nào từ dịch virus corona. Các lệnh hạn chế mà chính quyền áp dụng là đối với con người chứ không phải các thiết bị. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy an tâm rằng chuỗi cung ứng của chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động trơn tru".
Người đồng hành