MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ngành mía đường hoang mang trước nguy cơ đóng cửa

14-08-2019 - 19:15 PM | Thị trường

Nhiều nhà máy đã đầu tư vốn lớn nhưng lo phải đóng cửa...

"Mặc dù đến đầu năm sau Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (Atiga) có hiệu lực nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa rõ chính sách hội nhập cụ thể cho ngành mía đường của Chính phủ ra sao. Hiện tại đường lậu đã tràn vào Việt Nam với một số lượng rất lớn...", ông Subbaiah - Tổng giám đốc Công ty KCP Việt Nam chia sẻ.

Theo đó, từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%.

Cũng theo ông Subbaiah, khi Hiệp định Atiga có hiệu lực thì lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam càng lớn và giá đường sẽ phải giảm xuống 15-20%. Với giá đường xuống thấp thì giá thu mua mía của người nông dân chắc chắn sẽ giảm và người nông dân một khi không có lãi họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Không còn cây mía thì nhà máy lấy đâu nguyên liệu sản xuất, tương lai sẽ rất khó khăn...

Hậu cổ phần hóa, các cổ đông của nhiều doanh nghiệp đường có tiềm lực lớn trong nước đã mạnh dạn rót hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để phát triển nhà máy. Như Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, sau khi cổ phần hóa đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để thay mới dây chuyền theo công nghệ mới và lắp đặt thêm thiết bị sản xuất đường tinh luyện cao cấp RE.

Việc đưa dây chuyền công nghệ hiện đại nâng công suất từ 3.000 lên 5.000 tấn mía cây/ngày nhằm đảm bảo việc tiêu thụ hết mía nguyên liệu cho bà con nông dân.

Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng đã chi đến 700 tỷ đồng đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại gồm máy ép thế hệ mới, công nghệ bốc hơi màng rơi… nâng công suất từ 1.200 tấn mía/ngày lên 3.200 tấn mía/ngày.

Ngoài ra các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cũng đầu tư vào công nghệ trị giá trên 300 tỷ đồng để mua mới các thiết bị công nghệ mới cho nhà máy. Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho thiết bị công nghệ với công suất 3.200 tấn mía/ngày để ra được đường FRR chất lượng cao. Công ty KCP còn đầu tư hai nhà máy hiện đại với số vốn hơn tới 130 triệu USD...

Do nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho nhà máy sản xuất của mình nên tỏ ra lo lắng cho chặng đường phát triển phía trước với thị trường trong nước.

Theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), một thực tế đáng báo động của ngành đường hiện nay là tình trạng đường nhập lậu ồ ạt tràn vào Việt Nam với số lượng 500.000 - 700.000 tấn/năm. Bên cạnh đó còn một số lượng lớn đường nhập theo chiêu trò "tạm nhập" nhưng không "tái xuất" đang xâm nhập thị trường nội địa khiến mặt hàng đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh, tồn kho ngày một lớn.

Hiện nay cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường. Như tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La lượng đường đang tồn kho gần 40.000 tấn đường với giá trị tương đương 500 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa đến thời điểm này vẫn khoảng 15.000 tấn đường nằm im trong kho tương đương hơn 170 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Nhà máy đường Tuy Hòa, cho biết, giá đường giảm sâu đương nhiên sẽ đẩy giá mía đi xuống. Các vụ mía từ 3 năm trở lại đây, giá mía trung bình chỉ khoảng 800 đồng/kg. Đây là mức giá theo người nông dân họ vẫn có thể sống được nhưng nếu giá tiếp tục giảm, chắc chắn sẽ phải "bỏ của chạy lấy người".

Thực tế trong niên vụ mía vừa qua, một số vùng mía nguyên liệu đã phải phá bỏ, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng...

Nếu tình này kéo dài nhiều doanh nghiệp ngành đường trong nước sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, niên vụ năm 2018-2019 công ty chỉ ép được gần 591.700 tấn mía, giảm gần 38%, sản lượng mía ép giảm hơn 37% và lượng đường thu được hơn 50.500 tấn, giảm 43,5% so với niên vụ trước đó.

Trước đây vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Tuy Hòa gần 8.000 ha nhưng niên vụ mới chỉ còn 5.500 ha nên tổng sản lượng mía còn 210.000 tấn so với trước kia là 330.000 tấn. Mía nguyên liệu giảm buộc nhà máy phải giảm công suất.

Theo Linh Đan

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên