MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp 'ngóng' hỗ trợ mùa dịch COVID-19

Hơn 90% khách đặt tour đi du lịch trong tháng 3 và 4 đến các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã hủy đặt chỗ. Gần 10% còn lại dự kiến cũng sẽ hủy nếu tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tiếp tục diễn ra phức tạp. Đây là thực trạng đang diễn ra tại Công ty Du lịch AZA (AZA Travel).

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel, hiện có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc COVID-19, thậm chí ngay cả những thị trường du lịch như châu Âu vốn được đánh giá là rất an toàn do vị trí địa lý cách xa tâm dịch tại Vũ Hán (Trung Quốc) cũng đã xuất hiện các ca nhiễm bệnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của khách hàng, kéo theo việc hủy tour đang ngày càng gia tăng.

"Trước tình hình này, doanh nghiệp có thể sẽ trụ được khoảng 1 - 2 tháng nữa, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì khả năng chi trả lương cho đội ngũ nhân viên cũng sẽ gặp khó khăn chứ chưa nói tới nhiều khoản chi phí khác", ông Đạt chia sẻ.

Cũng theo ông Đạt, tuy AZA Travel hiện nay chưa phải vay vốn ngân hàng nhưng với những khó khăn có thể tiên lượng thì nguồn tín dụng ưu đãi cũng là một giải pháp được doanh nghiệp này tính đến.

"Nếu ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi, chúng tôi cũng mong muốn tiếp cận được, thậm chí chỉ cần vay vốn với lãi suất bằng mức lãi huy động hiện nay của ngân hàng mà không bị cộng thêm 1 - 2% thì cũng đã giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí rồi", vị Tổng Giám đốc cho hay.

Trong tình trạng tương tự với doanh nghiệp trên, các booking (đặt chỗ) tại Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà trong tháng 3 hầu như đã bị hủy hoàn toàn, lượng booking tính trong cả 1 tháng cũng không bằng 1 ngày của cùng thời điểm này năm trước.

Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cho biết: "Bắt đầu gặp khó kể từ sau Tết Nguyên đán, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, tính sơ bộ doanh thu của công ty hiện chỉ bằng từ 5 - 7% so với cùng kỳ, không đủ chi phí vận hành chứ chưa nói tới việc trả lãi vay ngân hàng hay các khoản thuế, phí khác...".

Dựa trên những kinh nghiệm khi dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xảy ra năm 2003 và đánh giá được ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động du lịch, vận tải, ngay từ ngày 5/2, Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà đã gửi công văn tới các ngân hàng đang có quan hệ tín dụng để đề nghị hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi suất... đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này và đang đợi ngân hàng xét duyệt.

Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Nhận diện được những khó khăn này, ngành ngân hàng cũng đã sớm vào cuộc để triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tính đến nay, đã có hơn 70 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng do dịch. Trong đó, các "ông lớn" ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5%/năm dành cho các khoản vay cả bằng VND và USD, cả khách hàng mới lẫn khách hàng hiện hữu thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng với quy mô gói tín dụng từ 28 - 30 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... cũng công bố các gói hỗ trợ trị giá từ 2 - 10 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... cũng công bố các gói hỗ trợ trị giá từ 2 - 10 nghìn tỷ đồng.

Đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ trên là khách hàng thuộc ngành nghề: du lịch, vận tải, nhà hàng, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu - đặc biệt là quan hệ thương mại nhiều với Trung Quốc...

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đưa ra Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Theo dự thảo, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong các trường hợp sau: Một là, khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hai là, khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định nói trên mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại các quy định trước đây.

Theo ông Phan Thanh Hải - Trưởng khối Ngân hàng Bán buôn BIDV, việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thời hạn trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 - 31/3/2020 là điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp, bởi giữ nguyên nhóm nợ đồng nghĩa với việc các khoản vay sẽ không bị chuyển thành nợ xấu. Từ đó, khách hàng sẽ có điều kiện tiếp cận tín dụng tốt hơn do không có lịch sử tín dụng xấu trong hoạt động với ngân hàng, qua đó khách hàng được vay vốn với lãi suất cạnh tranh, giúp giảm chi phí đầu vào và có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dù vậy, bên cạnh việc miễn, giảm lãi suất ngân hàng, giữ nguyên nhóm nợ..., nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, bình ổn giá nhiên liệu hay chính sách giảm phí BOT ở một số cung đường... tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động trong lúc dịch vẫn đang diễn ra phức tạp và hồi sinh sau khi dịch bệnh đi qua. Do đó, để doanh nghiệp thực sự vượt qua được khó khăn trước mắt, phục hồi lại sản xuất kinh doanh để tiếp tục tạo ra lợi nhuận còn cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Theo Lê Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên